Ảnh minh hoạ
Theo CBRE, so với các thành phố khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tiềm năng tăng trưởng giá thuê của thị trường văn phòng Hà Nội bị hạn chế, nhưng vẫn nằm trong nhóm những thành phố ít bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch.
Về nguồn cung, trong quý 1/2021, thị trường văn phòng Hà Nội không ghi nhận dự án mới nào đi vào hoạt động.
Tổng nguồn cung văn phòng Hà Nội ở cả hai hạng được duy trì ở mức 1,5 triệu m2 NLA (diện tích trong toà nhà có thể cho thuê), với 35% tổng nguồn cung đến từ các dự án hạng A.
Bà Đỗ Vân Anh, Quản lý Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển của CBRE, cho rằng mặc dù dịch Covid-19 quay lại trong quý 1/2021, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đà phục hồi. Nhờ đó, tình hình hoạt động của thị trường văn phòng ở cả Hà Nội và TP.HCM đều ở mức khả quan trong quý này.
Tổng diện tích hấp thụ của thị trường văn phòng Hà Nội trong quý 1 đạt 24.000 m2 trong khi thị trường TP.HCM đạt 19.600 m2.
Do không có thêm dự án mới trong quý 1 cùng đà tăng tỷ lệ hấp thụ của thị trường văn phòng, tỷ lệ trống tại Hà Nội giảm ở cả hai phân hạng.
Tỷ lệ trống của văn phòng hạng A giảm xuống mức 22,4%, giảm 0,7 điểm phần trăm theo quý và tăng 15,3 điểm phần trăm theo năm.
Tỷ lệ trống trung bình của văn phòng hạng B đạt 13,3%, giảm 2,1 điểm phần trăm theo quý và tăng 4 điểm phần trăm theo năm.
Trong 3 tháng đầu năm, mặt bằng giá thuê hạng A đạt 26,9 USD/m2/tháng, tăng 0,4% theo quý và 2,7% theo năm.
Trong khi đó, giá thuê văn phòng hạng B vẫn giữ ở mức 13,9 USD/m2/tháng, không thay đổi so với quý trước.
Trong năm 2021, thị trường Hà Nội dự kiến sẽ đón chào nhiều nguồn cung mới, với hơn 200.000 m2 văn phòng, nhiều nhất kể từ năm 2011.
Trong số các dự án mới trong năm 2021, ngoài các dự án tại các khu vực văn phòng truyền thống, thị trường Hà Nội dự kiến sẽ đón nhận một số dự án ở các khu vực mới như dự án Techno Park Tower ở huyện Gia Lâm hay dự án Intracom Riverside ở huyện Đông Anh.
Về nhu cầu, theo các yêu cầu hỏi thuê CBRE nhận được trong quý 1, các ngành ngân hàng/tài chính/bảo hiểm và sản xuất tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nhu cầu cho thị trường.
Về diện tích thuê, chủ yếu các yêu cầu hỏi thuê đều hướng đến văn phòng với diện tích nhỏ hơn 300 m2. Ngoài ra, một số khách thuê cũng tìm kiếm diện tích không gian làm việc linh hoạt để làm văn phòng.
Sau năm 2020 với tỷ lệ hấp thụ âm do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường văn phòng Hà Nội đang có những dấu hiệu phục hồi, dự kiến đạt tỷ lệ hấp thụ từ 70.000 m2 đến 80.000 m2 trong năm 2021.
Mặt bằng bán lẻ phục hồi tích cực
Cùng với thị trường văn phòng, thị trường bán lẻ tại Hà Nội cũng có những dấu hiệu phục hồi tích cực trong quý 1.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (quý 1/2020 giảm 0,01% theo năm). Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại.
Theo số liệu thống kê từ Google, số lượng người ghé thăm các trung tâm thương mại hoặc các không gian bán lẻ cũng bắt đầu gia tăng và có triển vọng phục hồi tốt.
Về nguồn cung, thị trường Hà Nội không ghi nhận dự án mới nào đi vào hoạt động trong quý đầu năm 2021. Diện tích sàn bán lẻ cho thuê không đổi ở mức hơn một triệu m2 NLA.
Về hoạt động thị trường, giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một (không bao gồm thuế GTGT và phí dịch vụ) tại các trung tâm thương mại ngoài trung tâm tiếp tục giảm nhẹ do một số dự án có tỷ lệ trống cao giảm giá để thu hút khách thuê, trung bình đạt 24,4 USD/m2/tháng, giảm 1,8% theo năm và 0,4% theo quý.
Tỷ lệ trống các khu vực này vẫn ở mức cao, đạt 14,5%, cao hơn 2,2 điểm phần trăm theo quý và 6,4 điểm phần trăm theo năm.
Tại khu vực trung tâm, báo cáo của CBRE cho thấy, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng một đạt 108 USD/m2/tháng, tăng 0,4% theo quý và 10,2% theo năm.
Khu vực trung tâm ghi nhận tỷ lệ trống trung bình ở mức 10,8% do một số diện tích trống ở các tầng cao vẫn chưa tìm được khách thuê mới. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm 3,5 điểm so với quý trước.
Về khách thuê, thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý vừa qua chứng kiến sự mở rộng và gia nhập của nhiều nhãn hàng như Pandora, Haidilao, Weekend Max Mara.
Dự kiến trong các quý tới, các nhãn hàng thời trang, ẩm thực và siêu thị sẽ tiếp tục ra mắt tại Hà Nội, giúp thị trường bán lẻ sôi động hơn.
Theo dự báo, trong ba quý tới năm 2021, thị trường bán lẻ Hà Nội dự kiến chào đón 73.000 m2 NLA mặt bằng mới, trong đó phải kể đến dự án Vincom Mega Mall Smart City.
Ngoài ra, sau năm 2021, dự kiến sẽ có khoảng 200.000 m2 NLA gia nhập thị trường. Các dự án mới này vẫn tập trung tại khu vực ngoài trung tâm.
Cư dân ở phía bắc và phía nam thành phố và các khu vực lân cận sẽ có thêm các lựa chọn để mua sắm và sử dụng dịch vụ khi hai dự án với quy mô lớn là Lotte Mall Hà Nội và Aeon Mall Giáp Bát chính thức đi vào hoạt động.
-
Đến năm 2022 sẽ có 15 dự án văn phòng đổ bộ thị trường
CafeLand - Thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội sẽ có thêm nhiều áp lực khi công suất thuê trung bình có thể sẽ giảm đi trong hai năm tới do nguồn cung tăng lên đáng kể, dự báo có đến 15 dự án sẽ gia nhập thị trường trong năm 2022.
-
PGBank chuyển trụ sở về Thành Công Tower
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, mã: PGB) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc thuê địa điểm làm văn phòng.
-
Hà Nội vẫn sử dụng bảng giá đất cũ để tính thuế đất
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký văn bản về việc xác định nghĩa vụ tài chính thuế thu nhập cá nhân và các khoản thu từ đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 trên địa bàn thành phố....
-
Ricons của ông Nguyễn Bá Dương trúng thầu dự án Imperia Smart City
Ricons vừa cho biết đã tiếp tục trúng thầu tại dự án Imperia Smart City, một trong những dự án đắc địa phía Tây Thủ đô Hà Nội với quy mô 2,3ha, bao gồm 5 tòa căn hộ cao 38 tầng được thiết kế theo hình chữ U....