Thị trường BĐS Hà Nội hiện nay so với thời điểm cuối tháng 7, khi mà Quy hoạch chung Thủ đô được chính thức thông qua vẫn chưa thấy khởi sắc hơn. Hầu hết các phân khúc, nhất là chung cư và đất nền đều giảm giá, giao dịch trầm lắng và ít có giao dịch thành công.
Đơn cử tại khu vực Ngọc Khánh, một số chung cư giảm giá tới 3-5 triệu đồng mỗi m2, khu vực Nguyễn Chí Thanh chung cư cũng chỉ còn 42-45 triệu đồng/m2, trước đó chào bán trên 50 triệu đồng/m2.
Hiện đất nền Kim Chung - Di Trạch đã chững lại với giá khoảng 40 triệu đồng/m2, Bắc An Khánh chỉ còn chênh đến 1,2-2 tỷ đồng mỗi căn, trước đây chênh tới 5-6 tỷ đồng/căn.
Giá đất dự án Nam An Khánh hiện trên 30 triệu đồng/m2 giảm 10 triệu đồng/m2 so với thời điểm đầu tháng 3. Hiện, chủ đầu tư đã bắt đầu bán tiếp hàng đợt 2 với mức giá gốc 31 triệu đồng/m2, tiền chênh ngoài 4-5 triệu đồng/m2...
Thực tế này thật khác so với những kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư trước đây khi trông chờ, cho rằng thị trường BĐS sẽ “ấm” lên và sôi động hơn khi quy hoạch được phê duyệt.
Sau gần 2 tháng phê duyệt quy hoạch, địa ốc Hà Nội vẫn trầm lắng, ít giao dịch.
Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thì quy hoạch Hà Nội có tiềm năng và vẫn chưa biến thành hiện, còn người dân, nhà đầu tư Hà Nội lại luôn đầu tư theo tin đồn, dẫn đến tâm lý a dua thổi giá BĐS. “Minh chứng rõ ràng nhất là quy hoạch chung của thủ đô trước khi lấy ý kiến người dân đã thổi bùng lên cơn sốt nhà đất, nhưng khi chính thức thông qua thì thị trường lại rơi vào cảnh trầm lắng”, ông Thiện cho hay.
Bên cạnh đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường GS. Đặng Hùng Võ nhận định, địa ốc sẽ khó hưởng lợi từ quy hoạch chung. Bởi lẽ, quy hoạch được phê duyệt đúng vào thời điểm địa ốc Hà Nội đang trong tình cảnh đói vốn. Trong khi nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng các dự án địa ốc vẫn đang “mướt mồ hôi” đi tìm nguồn vốn mà vẫn chưa thông lại thêm hàng trăm dự án đang phải rà soát lại thì thị trường này sẽ chưa thể hưởng lợi từ việc đồ án được thông qua.
Theo ông Võ, bài toán cần xử lý hiện nay là việc kiềm chế lạm phát đã gây ra tác động đương nhiên đối với thị trường BĐS. Thị trường BĐS kém giao dịch do những nhà đầu tư nhỏ lẻ đang chờ đợi còn các nhà đầu tư lớn thì thiếu vốn. Chính vì thế, theo ông Võ, mức độ tập trung của các nhà đầu tư cũng như của người tiêu dùng vào quy hoạch Hà Nội mới được phê duyệt chưa nhiều bởi người ta chưa nhìn thấy lợi ích gần nhất có thể đạt được.
“Chắc chắn quy hoạch này sẽ có tác động và là tác động rất lớn đến thị trường BĐS, tuy nhiên không phải trong giai đoạn trước mắt mà cần phải chờ đợi thêm một thời gian nữa”, ông Võ nhận định. Bởi theo sự phân tích của vị chuyên gia này thì quy hoạch lần này được làm rất công khai, minh bạch, được lấy ý kiến và xem xét rất thấu đáo, lại được công bố và triển lãm để người dân ai cũng được đến xem.... Điều đó, sẽ khiến không còn chuyện thông tin bị “ém” hay lạ lẫm nữa nên không gây nên những làn sóng và người đi lướt sóng đầu tư nhất thời.
Theo giới kinh doanh trong ngành, sau gần hai tháng quy hoạch được phê duyệt nhưng thị trường BĐS vẫn “lạnh”, kém sôi động không có nghĩa là quy hoạch không có tác động mà là chưa thể có tác động ngay trong thời gian ngắn được, mà cần có thời gian thị trường mới có thể khởi sắc. Tuy nhiên, quy hoạch Thủ đô lại giúp cho nhiều nhà đầu tư không còn tâm lý lo sợ khi đầu tư vào những nơi bị “dính” quy hoạch, ngay cả người dân cũng có thể biết nơi mình đang ở có nằm trong quy hoạch hay không.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam ông Trần Ngọc Chính cho rằng, không phải chuyên gia nào cũng dám đoán định thời điểm nào thị trường BĐS sẽ khởi sắc. Bởi lẽ, sau khi quy hoạch chung Hà Nội được phê duyệt, Chính phủ sẽ tiếp tục tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch vùng thủ đô nhằm tạo sự phát triển cho các đô thị vệ tinh. Quy hoạch chung đáp ứng các yêu cầu để Hà Nội phát triển thành thủ đô đa chức năng và sẽ có tác dụng tích cực lên thị trường địa ốc.