Ông Đặng Hùng Võ đã đưa ra nhận định trên, cho rằng nếu bắt đầu bằng du lịch rồi mới phát triển về công nghiệp sẽ đúng và thuận lợi hơn.

Theo ông Võ, nếu bắt đầu bằng du lịch rồi mới phát triển về công nghiệp ở miền Trung sẽ đúng và thuận lợi hơn.

Ông Võ cho rằng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến ngành du lịch bị nén lại. Thậm chí, ngay trước dịch, bất động sản du lịch cũng đã bị tổn thương do sự chồng chéo, xung đột của các quy định pháp luật.

PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết giai đoạn 2005-2007 đã chứng kiến sự bùng nổ của resort ở Nha Trang, Đà Nẵng.

Từ năm 2008 là sự đồng khởi về phát triển du lịch biển dọc miền Trung. Trong đó, 2 địa điểm mới là Quy Nhơn và Phan Thiết được nhấn mạnh, bên cạnh các địa danh như Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh và Cửa Đại chính.

Như vậy, sau mỗi 10 năm phát triển thì bất động sản du lịch miền Trung ngày càng mở rộng về quy mô thị trường và trở thành điểm đến lan tỏa.

Trong câu chuyện phát triển miền Trung, ông Võ cho rằng trừ Đà Nẵng và Nha Trang là những nơi Pháp đã lựa chọn, đầu tư hạ tầng du lịch từ rất lâu, còn những khu vực khác của miền Trung có thể nói là chưa có gì.

Bên cạnh đó, cũng có một thời gian dài chúng ta tập trung phát triển công nghiệp nặng ở miền Trung như khu Nghi Sơn, Bắc Nghệ, Bình Sơn, Chu Lai, Nhơn Hội… chứ không phải phát triển du lịch.

“Lựa chọn phương án phát triển công nghiệp ở miền Trung là sai lầm. Có lẽ nên bắt đầu bằng du lịch rồi mới phát triển công nghiệp sẽ đúng và thuận lợi hơn”, ông Võ nói.

Vấn đề đặt ra là, phải làm gì để phát triển những địa phương có tiềm năng du lịch đối với các dải ven biển miền Trung?

Theo ông Võ, trước đến nay chúng ta làm du lịch dựa vào phong cảnh thiên nhiên quá nhiều. Hiện nay, có thể nghĩ đến việc quảng bá văn học, nghệ thuật để đẩy mạnh du lịch một cách hiệu quả.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch, cho biết sau quá trình gián đoạn do đại dịch, nhu cầu thị trường đã có nhiều sự thay đổi, đòi hỏi sản phẩm, dịch vụ cũng nhanh chóng thay đổi để đáp ứng.

Thay vì nghỉ dưỡng đơn thuần, du khách có xu hướng muốn được nghỉ ngơi, giải trí, tái tạo năng lượng và làm đẹp cùng một chỗ. Điều này giúp họ tiết kiệm tối đa thời gian khi công việc ngày càng bận rộn.

Ngoài ra, du khách còn có nhu cầu vừa nghỉ dưỡng vừa kết hợp làm việc nên những không gian cung cấp đầy đủ tiện ích để có thể làm việc tại chỗ luôn là lựa chọn hàng đầu, đặc biệt là những nơi có hệ thống công nghệ thông tin tốt để không bị gián đoạn trong lúc làm việc hay họp online.

Tiếp theo là xu hướng xanh. Những nơi có thương hiệu xanh như khách sạn xanh, đô thị xanh, sản phẩm xanh… sẽ thu hút được nhiều du khách.

Một xu hướng nữa là sự cá nhân hoá đối với các dịch vụ. Nếu như trước đây du khách thường đi theo đoàn đông hoặc các tour sẵn có thì hiện nay họ có nhu cầu cá nhân nhiều hơn, đòi hỏi các đơn vị phát triển du lịch phải phát triển hơn những dịch vụ phù hợp.

“Như vậy, để thích ứng linh hoạt với nhu cầu thị trường thì tất cả các nhà đầu tư, các nhà phát triển du lịch cần có ý tưởng mới, đón khách du lịch tại nơi có đa dạng sinh học, nơi văn hóa, thiên nhiên được bảo tồn, đan xen với cộng đồng dân cư, tạo ra những sản phẩm phù hợp để tạo ra sự cạnh tranh”, bà Bình nói.

  • Sự trỗi dậy của bất động sản miền Trung

    Sự trỗi dậy của bất động sản miền Trung

    Đặt trọn niềm tin vào sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của vùng miền Trung thời kỳ hậu Covid-19, nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn ở trong và ngoài nước đã đổ về đây tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.