Các tỷ phú bất động sản Trung Quốc từng có thời kỳ hoàng kim khi lĩnh vực này phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, dường như thời kỳ tươi sáng của những ông trùm này đã ở lại quá khứ.

Năm 2018, tỷ phú Hui Ka Yan, ông chủ gã khổng lồ China Evergrande vẫn đang đứng ở đỉnh cao danh vọng. Thời điểm đó, ông sở hữu khối tài sản ròng khổng lồ, có giá trị 40 tỷ USD, thậm chí từng có lúc soán ngôi người giàu nhất Trung Quốc của Jack Ma.

Cùng thời điểm này, rất nhiều tỷ phú ngành bất động sản Trung Quốc cũng “đua nhau” xuất hiện tại các hội nghị, diễn đàn,… kể về hành trình vươn lên, làm giàu và đạt được thành công nhất định.

Tuy nhiên, câu chuyện này dường như đã tới hồi kết. Năm 2021, thị trường bất động sản Trung Quốc đã đối mặt với “cơn sóng dữ”, giá nhà mới tại quốc gia này giảm trong 11 tháng liên tiếp, nhiều công ty đối mặt với tình trạng vỡ nợ, trong đó đặc biệt phải kể đến chính China Evegrande (công ty đã chính thức vỡ nợ).

Chính những thông tin không mấy tích cực này đã khiến khối tài sản ròng của các tỷ phú bất động sản Trung Quốc bị “thổi bay” 65 tỷ USD. Theo Bloomberg, trong tương lai, Trung Quốc sẽ không còn là nơi tạo ra thế hệ “tỷ phú bất động sản” nhiều như trước đây.

“Thời kỳ vàng son của ngành bất động sản Trung Quốc đã lui vào dĩ vãng. Ngành này không còn dư địa phát triển thêm. Mọi thứ đã chấm dứt”, một chuyên gia kinh tế về Trung Quốc nhận định.

Trước đây, bất động sản từng là lĩnh vực trụ cột, chiếm gần 30% GDP của Trung Quốc. Chính điều này đã giúp Trung Quốc sản sinh ra hàng loạt tỷ phú bất động sản như Wang Jianlin, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Đạt.

Theo một số nghiên cứu, bất động sản, hay chủ yếu là nhà đất, chiếm tới 60% tổng tài sản của các gia đình Trung Quốc. Đây cũng là lĩnh vực được người dân Trung Quốc đầu tư và coi là ổn định nhất trong suốt 2 thập kỷ qua. Kể từ năm 2000, giá nhà mới tại thị trường ty dân liên tục tăng, khiến nhiều người chuyển hướng sang đầu cơ.

Thông qua việc lạm dụng đòn bẩy, thậm chí là huy động vốn từ những đợt bán trái phiếu bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, các tập đoàn bất động sản hàng đầu đã bổ sung nguồn vốn khổng lồ. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ quá cao đã gây ra rủi ro đối với hệ thống tài chính của quốc gia này, buộc các nhà chức trách phải vào cuộc.

Thực tế, ngay từ năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu chú ý tới sự tăng trưởng phi mã của các doanh nghiệp bất động sản nói riêng và ngành bất động sản nói chung. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng phát biểu rằng “nhà là nơi để ở, không phải để đầu cơ”. Kể từ đó, hàng loạt quy định khắt khe đối với lĩnh vực bất động sản bắt đầu ra đời.

Đáng chú ý nhất phải kể tới chính sách “3 lằn ranh đỏ”, giới hạn khoản vay nợ của các công ty bất động sản. Nếu vượt quá 3 lằn ranh này, các tập đoàn bất động sản Trung Quốc sẽ không được phép vay thêm tiền.

Ngoài ra, Trung Quốc còn tung ra nhiều chính sách mới, siết chặt quy định đối với ngành bất động sản. Các ngân hàng cũng tỏ ra thận trọng hơn khi cho những doanh nghiệp bất động sản vay vốn.

Những điều này đã dẫn tới hàng loạt vụ vỡ nợ trong năm 2021, bao gồm China Evergrande, “bom nợ” lớn nhất thế giới với khoản nợ lên tới hơn 300 tỷ USD. Từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản đã vỡ nợ tối thiểu 18 tỷ USD khoản vay trái phiếu bằng đồng USD và 2,5 tỷ USD khoản vay trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ.

Sự lao dốc của ngành bất động sản nói chung và các công ty bất động sản nói riêng đã tác động trực tiếp tới những tỷ phú trong lĩnh vực này. Tỷ phú Wang Jianlin của Tập đoàn Vạn Đạt chứng kiến giá trị khối tài sản ròng giảm 61% so với thời điểm cuối năm 2019. Trong khi đó, Sun Hongbin, người đứng đầu Sunac China Holdings, công ty cũng không trả được nợ trái phiếu bằng đồng USD, cũng chứng kiến giá trị khối tài sản ròng “bốc hơi” gần 90%.

Ông chủ “bom nợ” China Evergrande hiện sở hữu khối tài sản ròng giá trị 6,2 tỷ USD. Đây vẫn là một con số tương đối cao, nhưng so với những gì từng có trong quá khứ, giá trị tài sản ròng của ông đã giảm đáng kể. Được biết, tỷ phú Hui Ka Yan thậm chí đã phải bỏ tiền túi để giải quyết vấn đề mà China Evergrande gặp phải trong năm trước.

Anh Nguyễn (Bloomberg)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.