25/10/2021 4:05 PM
Thị trường bất động sản ở Đông Nam Á, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, đang sẵn sàng cho quá trình phục hồi khi các quốc gia trên thế giới dần mở cửa trong những tháng tới. Giới phân tích và chuyên gia nhận định rằng phần lớn sự phục hồi sẽ được thúc đẩy bởi những người trẻ trong khu vực.

Theo Knight Frank, giá thuê văn phòng trên khắp Đông Nam Á giảm từ 8 đến 10% trong quý đầu tiên của năm nay, trong khi giá các căn nhà hạng sang vẫn giữ nguyên. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giá thuê văn phòng giảm 7% còn giá bất động sản hạng sang tăng trung bình 6%.

Christine Li, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Knight Frank cho biết: “Với những thiệt hại do đại dịch gây ra, khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore, có thể không phải là một điểm đến quá tuyệt vời cho các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa bền vững và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng là những yếu tố cơ bản sẽ giúp thị trường tại đây vượt qua đại dịch”.

Khối ASEAN, bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, đã chứng kiến ​​dân số tăng gần gấp đôi, đạt 656 triệu người vào năm 2019 từ 355,3 triệu vào năm 1980. Hơn một nửa dân số của ASEAN thuộc nhóm tuổi 34 trở xuống vào năm 2030, theo báo cáo của United Overseas Bank. ASEAN cũng được coi là một thế lực kinh tế lớn trên thế giới với tổng sản lượng đạt khoảng 3,2 nghìn tỷ USD vào năm 2019. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đây là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Theo Henry Chin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CBRE, những yếu tố cơ bản nói trên mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, đang tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Chin cho biết: “Đông Nam Á sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược Trung Quốc + 1 liên quan tới hoạt động sản xuất và chế tạo của nhiều công ty trong tương lai”, khi đề cập đến nhu cầu của các doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản xuất sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc để ứng phó với các sự kiện gần đây như đại dịch Covid-19 và tình trạng thiếu điện.

Ông nói: “Vị trí địa lý gần Trung Quốc cũng khiến khu vực này trở nên hấp dẫn đối với các công ty, doanh nghiệp nhà nước và nhà phát triển Trung Quốc trong việc thúc đẩy Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường ở Đông Nam Á thông qua phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản”.

Mitbana, một liên doanh giữa tập đoàn Mitsubishi và Surbana Jurong của Nhật Bản, thuộc sở hữu của quỹ đầu tư chính phủ Temasek Holdings của Singapore, đang đặt cược vào những yếu tố cơ bản này. Mitbana sẽ đầu tư khoảng 500 triệu đô la Mỹ vào ASEAN trong 5 năm tới.

“Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia, Việt Nam và Philippines là những thị trường trọng tâm của chúng tôi”, Gareth Wong, Giám đốc điều hành của Mitbana cho biết. “Tôi nghĩ rằng hơn 50% dân số của họ thuộc thế hệ Millennials và Gen Z, vì vậy nhu cầu phát triển đô thị sẽ ngày càng tăng”.

Dự án đầu tiên của Mitbana là một bất động sản phức hợp nằm ở quận Intermoda của vùng thủ đô Jakarta, hợp tác với Bumi Serpong Damai, một công ty con trực thuộc nhà phát triển bất động sản Sinar Mas Land của Indonesia. Dự án trị giá 150 triệu USD, nằm gần ga tàu giúp khách đi thẳng đến khu trung tâm thương mại Sudirman của Jakarta trong vòng chưa đầy 1 giờ. Dự án sẽ bắt đầu được xây dựng vào năm tới, theo các giai đoạn kéo dài từ 5 đến 7 năm. Giai đoạn đầu tiên cung cấp khoảng 1.000 đơn vị nhà ở.

Việt Nam có thể sẽ là điểm đến đầu tư tiếp theo của liên doanh Mitbana.

Trong khi đó, tại Singapore, chính phủ đã bàn giao một khu đất rộng 7.817m2 nằm gần Vịnh Marina cho tập đoàn bất động sản IOI Properties của Malaysia. IOI đã đấu giá 1,5 tỷ đô la Singapore (1,1 tỷ USD) cho địa điểm này, và sẽ phát triển nó thành một tổ hợp nhà ở và khách sạn bao gồm 905 căn hộ và 540 phòng khách sạn cùng 2.000m2 không gian thương mại.

Wong Xian Yang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Cushman & Wakefield cho biết Singapore được coi là trung tâm tài chính chính của Đông Nam Á và sẽ được hưởng lợi từ sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là thị trường bán lẻ và khách sạn.

Ông nói: “Khi các hạn chế biên giới dần được nới lỏng và số lượng khách du lịch tăng lên, thị trường khách sạn tại đây sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất sau đợt sụt giảm kéo dài”.

Lam Vy (SCMP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.