Giá thuê trung bình đối với mặt bằng trung tâm thương mại ở TP.HCM phục hồi mạnh mẽ, lên tới 6 triệu đồng/m2/tháng. Chuyên gia nhận định xu hướng nguồn cầu đổ về khu vực xa trung tâm, nhưng hiệu quả kinh doanh chưa thực sự đảm bảo.

Trong bối cảnh thị trường giao dịch bất động sản đang có nhiều nét trầm, lĩnh vực cho thuê vẫn đang gặt hái được nhiều thành công. Trong đó phải kể sự phục hồi mạnh mẽ của phân khúc mặt bằng trung tâm thương mại.

Ghi nhận của Cafeland, lượng lớn khách hàng đã quay trở lại các trung tâm thương mại ở TP.HCM. Vạn Hạnh Mall (Quận 10, TP.HCM) vẫn duy trì không khí nhộn nhịp dù trong thời điểm ngày thường.

Tại đây, số lượng khách hàng trực tiếp tham gia mua sắm tại các gian hàng khá đông, tập trung nhiều tại các tầng dịch vụ ẩm thực, giải khát và giải trí.

Vincom Center (Quận 1, TP.HCM) có vị trí đắc địa tại trung tâm TP.HCM, đón lượng lớn khách du lịch đổ về, trong đó có số lượng không nhỏ khách du lịch nước ngoài.

Theo thống kê của bộ Xây dựng, tỷ lệ lấp đầy mặt bằng kinh doanh tại các trung tâm thương trong quý 3/2022 vẫn giữ ở mức trung bình khoảng 80-90%; đối với các trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm, tỷ lệ lập đầy mặt bằng kinh doanh tiếp tục giữ ở mức cao trên 95%.

Nhu cầu thuê lớn, giá chào thuê mặt bằng bán lẻ ở khu vực trung tâm TP.HCM vẫn duy trì đà tăng. Theo CBRE, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt của các trung tâm mua sắm ở khu vực trung tâm TP.HCM từ 185-250 USD/m2/tháng (tương đương 4,6 – 6 triệu đồng/m2/tháng, chưa bao gồm VAT và phí dịch vụ), tăng đến 52% theo năm

Đáng chú ý, mức giá này cao gấp 5 lần khu vực ngoài trung tâm, chỉ khoảng 38 USD/m2/tháng (tương đương 950.000 đồng/m2/tháng).

Lí do bởi các trung tâm thương mại ở khu vực ngoài trung tâm dù được đầu tư bài bản về kiến trúc và không gian nhưng chưa đáp ứng được lưu lượng khách hàng kỳ vọng.

Một trung tâm thương mại lớn tọa lạc tại khu Thảo Điền (TP. Thủ Đức) đắt đỏ nhưng vẫn heo hút, thiếu vắng khách hàng đến tham quan, mua sắm.

Tình trạng tương tự diễn ra tại TTTM Crescent Mall (Quận 7, TP.HCM). Lượng khách hàng chỉ tăng đột biến vào các dịp lễ hội, hoặc được cải thiện vào cuối tuần, các ngày còn lại không khí khá ảm đạm.

Tại đây, lượng mặt bằng trống còn khá nhiều. Theo CBRE, số lượng mặt bằng trống ở các TTTM khu vực ngoài trung tâm lên tới 11,4%. Con số này đã giảm 1,2% so với quý trước.

Giới chuyên gia cho rằng sự đổ bộ của các thương hiệu có tên tuổi đến từ nước ngoài như MUJI (Nhật Bản) hay Dookki (Hàn Quốc) sẽ thu hút thêm nhóm khách hàng trẻ đến với các trung tâm thương mại xa trung tâm. Ghi nhận của Savills, trong 9 tháng đầu năm 2022, thương hiệu Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 44% diện tích được lấp đầy.

Thời gian tới, các thương hiệu siêu thị tiếp tục chú ý đến thị trường bán lẻ của Việt Nam. Trong giai đoạn 2022 và 2027, Central Group sẽ đầu tư 828 tỉ USD trong khi Thiso Retail đặt mục tiêu mở 20 siêu thị và AEON Mall dự kiến mở 10 siêu thị.

Để phục vụ cho nhóm khách hàng tiềm năng này, TP.HCM sẽ bổ sung thêm 27 dự án với 398.000 m2 mặt bằng cho thuê từ giờ đến 2025. Sự dịch chuyển ra ngoài trung tâm vẫn tiếp tục khi 44% nguồn cung ở ngoại thành và 28% đến từ nội thành.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.