Các chủ sở hữu nhà đang hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng do đại dịch, khi lãi suất thấp kỷ lục và việc cắt giảm thuế của chính phủ đã đẩy giá bất động sản lên mức cao nhất mọi thời đại vào năm ngoái. Theo công ty cho vay thế chấp Halifax, giá của một ngôi nhà trung bình tại đây là 253.374 bảng Anh (340.000 USD) vào tháng 12, tăng 6% so với một năm trước.
Sự gia tăng bất thường này ở thời kỳ được đánh giá là suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong ba thế kỷ đã khiến quyền sở hữu nhà ở ngày càng xa tầm với của giới trẻ, đặc biệt là ở London, nơi giá trị bất động sản đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua. Đó là nỗi khốn khổ chồng chất lên một bộ phận dân số vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, đặc biệt là những người trẻ tuổi bị phụ thuộc kinh tế nhiều vào các lĩnh vực bị đóng cửa do phong tỏa.
Robert Joyce, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Tài khóa Anh và là thành viên tham gia vào một đánh giá về tình trạng bất bình đẳng do nhà khoa học đạt giải Nobel Angus Deaton dẫn đầu, cho biết: “Đó là câu chuyện về sự mất cân bằng của sức mạnh kinh tế. Ngày càng có nhiều ngôi nhà thuộc sở hữu của cùng một người, và nhóm nhỏ trong xã hội này đang cho những người trẻ tuổi thuê nhà của mình”.
Thực trạng này cũng có những tác động lên năng suất của nền kinh tế. Chi phí nhà ở cao có thể khiến người lao động khó di chuyển nơi ở, tước đoạt nhân tài của các công ty, và cướp đi cơ hội có việc làm và mức lương cao hơn của những người trẻ tuổi.
Khoảng cách ngày càng rộng giữa “tiền thuê nhà” và những khoản chi cách đây một hoặc hai thập kỷ đã thúc đẩy một loạt các sáng kiến về nhà ở ra đời kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, trong đó có cả chính sách về thuế. Một người ủng hộ mạnh mẽ việc đánh thuế cao hơn đối với người giàu là Gary Stevenson, nhà kinh tế học về bất bình đẳng từng làm việc cho Citibank. Ông từng dự đoán chính xác mức lãi suất chạm đáy sẽ còn duy trì lâu sau cuộc khủng hoảng tài chính. Ông nhận thấy một kịch bản tương tự đang diễn ra do Covid-19 và cảnh báo rằng giá nhà ở London có thể tăng gấp đôi một lần nữa.
Stevenson nói: “Giá nhà tăng làm cho sự dịch chuyển về mặt xã hội không thể xảy ra, khiến 50 hoặc 60% người dân không thể tiếp cận nhà ở. Điều này gạt một nửa người nghèo nhất trong xã hội ra khỏi cuộc chơi”.
Mức giá nhà đặc biệt tăng ở thủ đô London, nơi người mua lần đầu phải trả trung bình 420.618 bảng Anh để sở hữu nhà vào cuối năm 2020, tương đương hơn chín lần thu nhập, theo Nationwide Building Society. Điều này có nghĩa là người mua thường phải đặt cọc ngoại tệ, hoặc có sẵn khoản tiền hỗ trợ từ gia đình.
Mặc dù sự bất bình đẳng về tài sản nói chung ở Anh ít rõ rệt hơn ở Mỹ, nhưng khoảng cách đã mở rộng trong thập kỷ qua. Điều đó phản ánh cả biện pháp kích thích của Ngân hàng Trung ương Anh nhằm chống lại cuộc khủng hoảng tài chính, vốn đã thúc đẩy giá bất động sản tăng vọt, và chính sách thắt lưng buộc bụng đã ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi lao động nhiều hơn cả những người lớn tuổi. Vào năm 1996, hơn một nửa số người 25-34 tuổi tại Anh sở hữu nhà của họ. Đến năm 2017, con số này đã giảm xuống chỉ còn hơn một phần ba.
Đại dịch đã làm cho thách thức đối với những người trẻ tuổi còn khó khăn hơn, với tỷ lệ lãi vay thế chấp thấp kỷ lục và việc cắt giảm thuế tạm thời đối với việc mua nhà. Trong khi đó, các ngân hàng và tổ chức tín dụng đang rút khỏi việc cho vay các khoản thế chấp tiền gửi thấp hoặc tăng lãi suất đối với chúng trong bối cảnh lo ngại về rủi ro ngày càng tăng.
Trong nhiều năm, xây dựng đã là câu thần chú của các nhà vận động tại Anh, những người nói rằng các ngôi nhà mới là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở. Nhưng bất chấp sự phục hồi của lĩnh vực xây dựng trong thập kỷ qua, Anh vẫn chỉ đang hoàn thành được một nửa số ngôi nhà mà họ từng làm được ở thời kỳ đỉnh cao vào cuối những năm 1960.
Trong vòng một năm tính đến tháng 3/2020, số lượng nhà ở xây mới, chuyển đổi công năng và tái định cư - đã tăng dưới mức 250.000, khiến chính phủ Anh còn phải nỗ lực mới đạt được mục tiêu 300.000 căn nhà một năm vào giữa thập kỷ này. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng Anh cần tới gần 350.000 đơn vị nhà ở hàng năm.
Một kế hoạch quan trọng của chiến lược này là cung cấp các căn nhà giá rẻ. Nguồn cung ở phân khúc này chỉ tăng 1% và thiếu gần 90.000 trong số 145.000 căn nhà mỗi năm mà nước Anh cần trong thập kỷ tới. Will Jeffwitz, người đứng đầu Liên đoàn Nhà ở Quốc gia Anh, cho biết mục tiêu này không thể đạt được sớm.
Ông nói: “Điều này có nghĩa là hàng triệu người sẽ phải sống hoặc tiếp tục sống trong những ngôi nhà mà họ không đủ khả năng mua, không an toàn hoặc chất lượng kém với những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hạnh phúc và khả năng học tập của trẻ em”.
-
Nước Anh có nguy cơ đối diện với khủng hoảng nợ
CafeLand - Nước Anh có thể đang “trôi dần vào cơn khủng hoảng nợ” sau khi các khoản vay khẩn cấp của các gia đình có thu nhập thấp và trung bình tăng lên trong bối cảnh khủng hoảng việc làm do Covid-19 gây ra.
-
Giá nhà tăng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội
CafeLand - Theo nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Anh, Andy Haldane, giá nhà tiếp tục tăng do giảm thuế và nhu cầu của các hộ gia đình khá giả nới rộng khoảng cách giàu nghèo và gây ra bất ổn xã hội.
-
Làn sóng di cư ra nước ngoài kỷ lục khiến thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới giảm mạnh nhất trong vòng 18 năm
CafeLand - Chính phủ Anh cho biết họ dự kiến sẽ có hơn 300.000 người Hồng Kông chuyển đến Anh trong 5 năm tới dưới chương trình thị thực mới.
-
London dẫn đầu thị trường nhà ở siêu sang trên toàn cầu
CafeLand - Thủ đô của Vương quốc Anh hiện là “điểm đến hàng đầu thế giới cho các căn hộ siêu sang” sau khi doanh số của các bất động sản có trị giá hơn 7,3 triệu bảng Anh tại đây đã tăng lên thêm 3% vào năm 2020....