Một nghiên cứu mới của Hàn Quốc cho thấy chi phí nhà ở cao là nguyên nhân quan trọng khiến các cặp vợ chồng không muốn sinh con.

Theo báo cáo được công bố vào tháng 01/2023 của Viện Nghiên cứu Định cư Con người Hàn Quốc, giá nhà tăng 1% dẫn đến tỷ lệ sinh ít hơn 0,002 trên mỗi phụ nữ tại quốc gia này. Báo cáo được công bố trong bối cảnh Hàn Quốc đang nỗ lực tìm cách đảo ngược tình trạng dân số ngày càng giảm.

Tính đến cuối năm 2021, phụ nữ Hàn Quốc chỉ sinh trung bình 0,81 con trong suốt cuộc đời, đây là tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và giảm so với mức 0,84 của năm ngoái. Đây cũng là tỷ lệ thấp kỷ lục kể từ khi dữ liệu bắt đầu được tổng hợp vào năm 1970.

Theo các nhà nhân khẩu học, để dân số Hàn Quốc duy trì được quy mô hiện tại, tỷ lệ sinh 2,1 là cần thiết.

Để tìm mối tương quan giữa tỷ lệ sinh và giá nhà ở, Viện nghiên cứu trên đã phân tích dữ liệu liên quan từ tháng 1 năm 1992 đến tháng 9 năm 2022.

Park Jin-baek, một nhà nghiên cứu tại Viện, viết trong báo cáo: “Tác động ngày càng tăng của giá bất động sản đối với tỷ lệ sinh của Hàn Quốc có thể là kết quả của việc nhiều cặp vợ chồng tiếp cận kế hoạch sinh con từ góc độ tài chính”.

Ông dự đoán rằng mối tương quan giữa tài chính của một cặp vợ chồng và kế hoạch sinh con có thể sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Báo cáo cũng cho thấy rằng “chu kỳ sốc”, trong đó sự gia tăng đột biến của thị trường bất động sản làm giảm tỷ lệ sinh, đã trở nên ngắn hơn trong giai đoạn nghiên cứu.

Vào những năm 1990, phải mất khoảng 10 tháng thì làn sóng tăng giá nhà mới bắt đầu có tác động đến dân số. Từ giữa những năm 2010, làn sóng này chỉ mất trung bình 1 hoặc 2 tháng để hoàn thành chu kỳ.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, người Hàn Quốc trung bình sống nhờ hỗ trợ tư nhân và công cộng lên tới 615,8 triệu won cho đến tuổi 26. Ở tuổi 27, mức tiêu dùng của họ vượt quá thu nhập. Đây là dấu hiệu cho thấy gánh gánh nặng tài chính đặt lên vai các bậc cha mẹ khi nuôi dạy con cái ở Hàn Quốc.

Ông Park đã kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về mối tương quan giữa chi phí nhà ở và tỷ lệ sinh để đề xuất một chiến lược tỷ lệ sinh quốc gia hiệu quả hơn. Ví dụ, vấn đề liên quan nhất đến các cặp vợ chồng trẻ tại Hàn Quốc sẽ là tiền thuê nhà, thay vì giá bất động sản hoặc thuế.

Ông Park lưu ý rằng để chi phí nhà ở không giảm tỷ lệ sinh, giá nhà phải ổn định ở mức phù hợp với túi tiền của các cặp vợ chồng trẻ và sự biến động của thị trường nên ở mức thấp.

“Để làm được điều đó, cần phải có nguồn cung ổn định nhà ở giá rẻ”, ông nói.

Bài báo của Viện được đưa ra khi chính phủ đang tìm cách đảo ngược tỷ lệ sinh giảm, với nhiều cảnh báo rằng người Hàn Quốc đang trên đà tuyệt chủng.

Vào tháng 10/2022, dân số 51 triệu người của Hàn Quốc đã giảm thêm 9.104, đánh dấu tháng giảm thứ 36 liên tiếp. Quốc gia này báo cáo lần giảm dân số tự nhiên đầu tiên vào năm 2020.

Các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách cho biết, với số ca tử vong tiếp tục vượt xa số ca sinh nở và dân số từ 65 tuổi trở lên ngày càng tăng, số phận của nhiều điều ở Hàn Quốc, bao gồm cả nền kinh tế, phụ thuộc vào cách nước này đối phó với những thay đổi nhân khẩu học.

Với 0,81 ca sinh trên một phụ nữ vào cuối năm 2021, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất có tổng tỷ suất sinh dưới 1 trong số 38 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tính đến năm 2020, tỷ lệ sinh giữa các quốc gia OECD trung bình là 1,59.

Những người từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm 16,7% tổng dân số Hàn Quốc, tăng mạnh so với 6,9% vào năm 2000. Đất nước này sẽ trở thành một xã hội siêu lão hóa vào năm 2025, với hơn 20% tổng dân số từ 65 tuổi trở lên. Tuổi thọ của đàn ông và phụ nữ Hàn Quốc cao hơn mức trung bình của OECD là 2,9 năm và 3,5 năm. Những đứa trẻ sinh ra ở đây vào năm 2022 dự kiến sẽ sống được 83,6 năm.

Ngoài Hàn Quốc, nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc và Việt Nam cũng đang chứng kiến tỷ lệ sinh giảm mạnh do các gánh nặng tài chính và nhà ở đặt lên vai người trẻ, bên cạnh các thay đổi về lối sống và văn hóa.

Theo thống kê, tỷ lệ sinh của Việt Nam năm 2022 là 2,01 con trên mỗi phụ nữ, trong khi đó thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 1,39. Các chuyên gia nhận định, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đang dần bước vào giai đoạn già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Lam Vy (AN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.