Ngoài chi phí sinh hoạt hằng ngày, kinh tế suy thoái và giá cả tăng cao cũng có tác động đáng kể đến những khoản mua sắm lớn và các quyết định quan trọng trong cuộc đời, như tổ chức đám cưới, mua nhà ở và nuôi dạy con cái.

Những người trẻ tuổi đang bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi lạm phát, đang phải vật lộn với giá cả tăng cao bằng cách cắt giảm chi phí và nhận làm thêm vào cuối tuần. Họ cũng phải tạm dừng những việc lớn trong đời do chi phí quá đắt đỏ.

Chi phí đám cưới tăng gần gấp 2 lần

Cô Namirah Awang, 26 tuổi đến từ Singapore, đã lên kế hoạch mời 1.000 người thân và bạn bè đến dự đám cưới của mình vào năm 2023. Chị gái cô tiêu tốn khoảng 40.000 đô la Singapore cho đám cưới với quy mô tương tự vào năm 2020. Còn hiện nay, dù đã cắt giảm danh sách khách mời xuống còn 600 người, Namirah vẫn phải trả gần 72.000 đô la Singapore cho đám cưới.

Một so sánh bảng giá tiệc cưới được cung cấp bởi nguồn cưới trực tuyến Cô dâu Singapore cho thấy giá tăng rõ rệt từ năm 2021 và 2022 đến năm 2023 và 2024.

Tại The Joyden Hall ở trung tâm mua sắm Bugis+, một địa điểm tổ chức sự kiện tương đối tầm trung, giá cho một bữa tiệc tối cuối tuần đã tăng từ mức ước tính 1.100 đô la Singapore cho một bàn 10 khách vào năm 2021 và 2022 lên khoảng 1.700 đô la Singapore vào năm 2023 và 2024.

Ở phân khúc cao cấp hơn, cùng một bàn 10 người tại Capella Singapore ở Sentosa đã tăng giá từ 2.222 đô la Singapore đến 3.390 đô la Singapore lên 3.184 đô la Singapore đến 4.015 đô la Singapore.

Nuôi con ngày càng đắt đỏ

Tại Mỹ, lạm phát tăng vọt đã làm tăng đáng kể chi phí nuôi dạy một đứa trẻ, theo một báo cáo từ tổ chức Brookings Institue công bố vào tháng 8.

Theo ước tính, một cặp vợ chồng có thu nhập trung bình đã kết hôn có hai con cần 310.605 USD để nuôi dạy con út của họ đến 17 tuổi, tăng từ mức 284.594 USD theo dự kiến ​​vào năm 2017.

“Rất nhiều người sẽ suy nghĩ kỹ trước khi họ có con đầu lòng hoặc con tiếp theo vì mọi thứ đều tốn kém hơn”, đại diện Brookings Institue cho biết.

Tỷ lệ lạm phát của Singapore đạt 7,5% trong tháng 8 và tháng 9 so với một năm trước, mức chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tỷ lệ đã giảm xuống còn 6,7% trong tháng 10.

Cố vấn tài chính Jeremy Tiang nói rằng nhiều khách hàng của ông ở độ tuổi ngoài 30 đã trở nên thận trọng hơn rất nhiều trong 3 năm qua khi thị trường thường xuyên hỗn loạn và trì hoãn việc sinh con vì chi phí quá lớn.

“Nhiều người trong số họ trì hoãn việc có con ít nhất một năm. Họ không muốn nuôi dạy một đứa trẻ khi mọi thứ quá căng thẳng”, ông cho biết.

Trong 3 quý đầu năm nay, số ca sinh ở Singapore đã giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch. Trong khi số trẻ sinh từ tháng 1 đến tháng 9 dao động trong khoảng 28.534 đến 28.952 từ năm 2019 đến năm 2021, thì chỉ có 26.785 trẻ được đăng ký trong cùng kỳ năm nay.

Viễn cảnh kinh tế ảm đạm cũng làm dấy lên những lo ngại tương tự ở Hồng Kông, một trung tâm tài chính toàn cầu, giống như Singapore, nơi đang có tỷ suất sinh thấp hơn nhiều so với trước đây.

“Không khó để tưởng tượng tại sao mọi người không kết hôn hoặc sinh con. “Niềm vui trọn vẹn” và “tương lai suy thoái” không đi đôi với nhau”, chuyên gia Alice Wu cho biết.

Trì hoãn mua nhà

Các khoản vay mua nhà tại nhiều quốc gia cũng trở nên đắt đỏ, hoặc có giảm nhiệt thì vẫn ngoài tầm với của người dân.

Tại Singapore, lãi suất cho vay mua nhà cố định do 3 ngân hàng lớn đưa ra lên tới 4,5% mỗi năm khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Triển vọng kinh tế mờ mịt làm trầm trọng thêm tình hình. Các dự báo chính thức mới nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Singapore trong năm 2022 chỉ đạt 3,5% và thậm chí còn chậm hơn vào năm 2023 trong khoảng từ 0,5 đến 2,5%. Hiện nay, người mua nhà ở giá rẻ của chính phủ phải trả trước 20% giá trị căn nhà, tăng từ mức 10% trước đó.

Anh Ng, một kiến trúc sư với mức lương chưa đến 4.000 đô la Singapore mỗi tháng không đủ khả năng để mua nhà tại các khu vực đã phát triển. Anh cho biết sẽ đợi đến khi đạt mức thu nhập cao hơn thay vì mua tại những khu vực chưa phát triển và có thể khiến bản thân “hối hận trong vòng 5-10 năm tới”.

Việc trì hoãn mua nhà có thể ảnh hưởng tới các kế hoạch khác trong tương lai của những gia đình trẻ, bao gồm cả thời điểm sinh con.

“Tôi xuất thân từ một gia đình có thu nhập trung bình. Bố tôi phải nuôi 4 đứa con trong khi mẹ tôi ở nhà nội trợ. Chúng tôi rất eo hẹp về tiền bạc. Tôi không muốn các con mình tiếp tục sống trong hoàn cảnh như vậy”, anh Ng. nói.

Nhiều người trẻ khác thậm chí tạm dừng kết hôn vì muốn mua được nhà trước. Đó là trường hợp của cô Natalie Tan, một nhân quan hệ công chúng 26 tuổi. Sau khoảng hai năm chưa giành được suất để mua nhà ở theo chương trình của chính phủ Singapore, vào năm 2019 thì cô và vị hôn phu bắt đầu tìm kiếm ở thị trường thứ cấp. Tuy nhiên, giá chào bán quá cao. Họ không thể tìm được căn hộ 4 phòng ngủ như mong muốn do mức giá vọt lên mức 650.000 đến 750.000 đô la Singapore.

“Chúng tôi thậm chí còn không buồn xem xét các gói tổ chức tiệc cưới vì chúng tôi muốn mua nhà trước đã”, cô Tan nói.

“Bây giờ, chúng tôi đang chờ xem có thể mua được nhà để kịp tổ chức lễ cưới vào năm sau hay không. Nếu không, chúng tôi đành phải đợi cho đến khi giá bất động sản giảm hơn. Hy vọng vào thời điểm đó, thu nhập của chúng tôi cũng sẽ tăng lên để có thể mua nhà và tổ chức đám cưới thoải mái hơn một chút”, cô Tan cho biết.

Chủ đề: Bất động sản 2022,
  • Giới trẻ Đông Nam Á đang ở đâu trên nấc thang nhà ở?

    Giới trẻ Đông Nam Á đang ở đâu trên nấc thang nhà ở?

    Văn hóa sống chung trong một gia đình và khả năng chi trả cho nhà ở ngày càng suy giảm do đại dịch đang cản trở ước mơ sở hữu nhà riêng của giới trẻ trên khắp Đông Nam Á. Tuy nhiên, bức tranh này có sự thay đổi ở từng quốc gia và thế hệ.

Lam Vy (CNA)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.