01/11/2021 8:07 AM
Mặc dù cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng thị trường bất động sản vẫn ghi nhận làn sóng tăng giá ở một số phân khúc, trong đó có chung cư.

Phân khúc chung cư vẫn tăng giá nhẹ bất chấp dịch bệnh. Ảnh minh hoạ


Giá chung cư tăng nhẹ

Dưới tác động kéo dài của dịch bệnh, hầu hết các ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Thị trường bất động sản trong quý 3-2021 cũng gặp nhiều khó khăn hơn.

Trong một báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng cho biết tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương, các doanh nghiệp bất động sản phải tạm dừng hoạt động.

Hầu hết các dự án bị ngưng trệ, không có dự án nào hoàn thành và chào bán ra thị trường. Các bất động sản giao dịch trên thị trường chủ yếu từ nguồn cung của các dự án mở bán trong giai đoạn trước.

Theo thống kê sơ bộ, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán khoảng 20.000 căn, tương đương khoảng 60-70% so với quý 2.

Về lượng giao dịch, lượng giao dịch bất động sản thành công giảm mạnh so với quý 2. Tại các địa phương thực hiện giãn cách triệt để, hoạt động đi lại, giao dịch, kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, người dân không thể thực hiện được. Nhiều khu vực thị trường có hiện tượng "đóng băng tạm thời".

Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ hấp thụ các loại bất động sản nhà ở chỉ đạt khoảng 40% lượng chào bán trên thị trường. Riêng loại hình đất nền lượng hấp thụ đạt cao hơn, khoảng 50% lượng chào bán trên thị trường.

Về giá giao dịch, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết tại nhiều địa phương do thực hiện giãn cách nên giao dịch bất động sản thành công hầu như không đáng kể. Giá chào bán, cho thuê bất động sản hầu như không có biến động lớn.

Các chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản vẫn giữ mức giá chào bán đã thiết lập từ cuối quý 2.

Giá căn hộ chung cư (bình dân, trung cấp, cao cấp) vẫn giữ giá hoặc tăng nhẹ (khoảng 1-2%). Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền giảm (khoảng 1-2%).

Giá mặt bằng thương mại cho thuê, căn hộ, nhà ở cho thuê mặt bằng giá giảm chung khoảng 2-3%. Ngoài ra, chủ cho thuê thực hiện hỗ trợ giảm giá trực tiếp 10-20% tùy theo từng điều kiện cụ thể.

Theo Bộ Xây dựng, diễn biến về giá giao dịch các loại bất động sản cho thấy rõ nét nhất về ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh lên thị trường bất động sản.

Cụ thể, ngay từ đầu năm, do gặp khó khăn trong hầu hết các hoạt động, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khác, các nhà đầu tư và kể cả người dân xem bất động sản như một kênh đầu tư an toàn, có thể bảo toàn nguồn vốn trong dài hạn.

Nguồn vốn dịch chuyển vào đầu tư nhà, đất cùng với tác động của nhiều yếu tố khác đã tạo nên các cơn sốt đất nền cục bộ, nhưng xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Đỉnh điểm giá đất nền tại một số khu vực, địa phương tăng 30-50% so với thời điểm cuối năm 2020.

Cùng với sự khó khăn, thậm chí đứt gãy trong sản xuất, cung ứng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào của các dự án bất động sản tăng, đặc biệt là các sản phẩm phải nhập khẩu.

Có thời điểm, giá sắt thép đã tăng xấp xỉ 30-40% so với cuối năm 2020. Các vật liệu xây dựng khác như: xi măng, cát, gạch... cũng tăng, từ đó làm tăng giá của hầu hết các loại hình bất động sản.

Từ đầu năm, giá bán nhà ở các phân khúc bình dân, trung cấp, cao cấp đều có xu hướng tăng, càng làm tăng khó khăn về giải quyết nhu cầu chỗ ở cho những người có thu nhập thấp.

Ngược với xu hướng tăng giá bán của hầu hết các loại hình bất động sản, giá cho thuê các loại bất động sản lại giảm.

Giá cho thuê mặt bằng thương mại giảm 10-20% thậm chí cao hơn tùy theo thời điểm, điều kiện cụ thể của từng khu vực.

Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, qua tổng hợp cho thấy, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm mạnh. Trong tám tháng đầu năm 2021 có gần 1,6 tỉ USD vốn đăng ký, chỉ đạt 56% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn cầu sẽ bật tăng

Dự báo về thị trường bất động sản quý cuối năm, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, cho rằng ở thời điểm hiện tại, mọi người đã có thái độ ứng phó dịch bình tĩnh hơn trước đây.

Gần đây, các chủ đầu tư đều có kế hoạch ra hàng, chào bán mạnh các sản phẩm dự án trong TP.HCM và tỉnh thành khác.

Với tâm thế tăng tốc trong quý 4-2021 để bù lại thời gian ảnh hưởng dịch bệnh khá nặng nề trong quý 3, các doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ trong bất động sản, nắm bắt xu thế mới.

Theo Tổng giám đốc Đại Phúc Land, thời điểm cuối năm nguồn cung giảm 70% so với trước nhưng quý cuối năm được đánh giá là sôi động nhất.

“Cầu sau thời gian có độ nén sẽ bật trở lại. Khi cung cầu gặp nhau sẽ tạo sự sôi động”, bà Hương nhận định.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch

    eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch

    Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...

  • Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục

    Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục

    Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...

  • Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền

    Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền

    Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...

Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.