Biển giới thiệu Dự án xây dựng tuyến đường 25m từ Khu trung tâm thương mại Gia Thụy đến đường 40m khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội.
Người dân chưa nắm được thông tin…
Ngày 4/6/2020 UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2271 về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng tuyến đường 25m từ Khu trung tâm thương mại Gia Thụy đến đường 40m khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên (gọi tắt là Dự án).
Theo đó, Dự án thuộc nhóm B, công trình giao thông trong đô thị - Đường chính khu vực, cấp II. Tổng mức đầu tư hơn 277,8 tỷ đồng và UBND quận Long Biên là chủ đầu tư, trong đó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên làm đại diện chủ đầu tư. Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2019 đến 2022.
Khu vực này, những hộ dân nằm trong diện bị ảnh hưởng bởi dự án làm đường 25m sẽ bị thu hồi toàn bộ nhà đất
Dù rất ủng hộ Dự án, nhưng nhiều người dân thuộc tổ 3, 5, 6, 7 tại phường Việt Hưng là những hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi Dự án lại đang rất hoang mang, lo lắng bởi chưa được thông tin rõ ràng, đầy đủ về dự án cũng như chính sách cụ thể với người dân bị ảnh hưởng.
Phản ánh tới Infonet, một số hộ dân cho biết, có người được nhận giấy mời tham gia họp công bố dự án nhưng có người không nhận được giấy mời hay bất cứ thông tin nào về dự án.
Đơn cử, ông Lê Toàn Thắng – Tổ 5 Kim Quan, phường Việt Hưng (quận Long Biên) cho biết: "Đến nay dù dự án đã được triển khai nhưng thông tin về dự án thì người dân như chúng tôi chưa nắm được hết. Cụ thể, các thông tin liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân bị ảnh hưởng... các bước thực hiện dự án gần như người dân chưa nắm được về tổng thể.
Có những hộ dân từ khi biết có dự án nhưng cũng chưa nhận được bất cứ giấy tờ gì, kể cả mời họp cũng không có, thông báo triển khai dự án cũng không có... Thế nhưng, chính quyền vẫn tổ chức đi kiểm đếm.
Các hộ dân đều hoàn toàn đồng ý phát triển con đường nhưng phải làm sao để thông tin được công khai, rõ ràng, nhất là chính sách đền bù và tái định cư để người dân yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống".
Hoang mang về giá đền bù, chính sách tái định cư dự kiến
Tại Quyết định số 5639 ngày 22/12/2020 của UBND TP Hà Nội về phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ GPMB khi nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án làm đường tại quận Long Biên, giá đất được phê duyệt ở các vị trí nằm trong các mức giá từ hơn 13,9 triệu đồng/m2 đến cao nhất là hơn 39,5 triệu đồng/m2.
Nhiều người dân ở tổ 3, 5, 6, 7 phường Việt Hưng (quận Long Biên) đang bất an, lo lắng khi đất ở sẽ bị thu hồi, làm đường nhưng thông tin, chính sách đền bù lại chưa rõ ràng.
Các hộ dân diện bị ảnh hưởng cho hay, dù chưa biết cụ thể mỗi gia đình sẽ rơi vào vị trí nào và tương ứng với giá đất ra sao nhưng giá đất áp dụng như trên không thỏa đáng, không đúng với tình hình thực tế như hiện nay và rất khó để người dân ổn định nơi ăn chốn ở mới.
Lo lắng hơn khi nhiều người còn biết thông tin, Sở xây dựng đã đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận và TP đã đồng ý để UBND quận Long Biên sử dụng 69 căn nhà CT1 thuộc dự án khu nhà ở cao tầng tại lô đất 5.B3 Đông Hội, huyện Đông Anh để bố trí nhà ở tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi trong đó có Dự án xây dựng tuyến đường 25m là 50 căn hộ.
Bà Vũ Thị Cừ ở tổ 3, phố Hoa Lâm, phường Việt Hưng phản ánh: Gia đình bà có 26m2, 7 nhân khẩu cùng ở trên mảnh đất này. Theo thông tin bà được biết mức đền bù của gia đình là ở vị trí 3, giá đền bù khoảng 18 triệu đồng/m2.
“Giá đề bù đất ở chỉ 18 triệu đồng/m2, nhưng chúng tôi lại phải lên chung cư ở và phải mua nhà với giá hơn 20,4 triệu đồng/m2 là quá cao. Chúng tôi đang làm ăn sinh sống ổn định ở quận Long Biên bao nhiêu năm nay, giờ lại bắt chúng tôi tái định cư ở chung cư tận Đông Trù, huyện Đông Anh là quá xa, bất hợp lý.
Chúng tôi là dân nghèo, kiếm tiền lo ăn đủ hàng ngày đã khó, nếu ở chung cư, chúng tôi lấy đâu ra tiền để nộp phí hàng tháng. Gia đình chúng tôi đang yên ổn, giờ tự dưng phát sinh câu chuyện đền bù tái định cư bằng chung cư khiến vợ chồng tôi bất hòa, lục đục, chồng tôi nói không ở chung cư, nhưng với giá đền bù có vậy thì làm sao mua nổi đất làm nhà”, bà Cừ lo lắng.
Lãnh đạo phường Việt Hưng nói gì?
PV Infonet đã chuyển các ý kiến phản ánh của người dân tới lãnh đạo phường Việt Hưng, quận Long Biên.
Ông Nguyễn Tuấn Kiên – Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hưng cho biết, tại Dự án xây dựng đường 25m này, thẩm quyền của UBND phường được quy định tại điều 40 và 43, quyết định số 10/2017 của UBND TP Hà Nội.
Ông Nguyễn Tuấn Kiên – Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hưng trao đổi với PV Infonet.
Để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, ngoài thủ tục ban đầu chủ đầu tư cung cấp, UBND phường sẽ đề xuất thành lập Tổ công tác để thực hiện công tác điều tra, kiểm đếm.
“Để ra được phương án bồi thường hỗ trợ, sau khi có số liệu điều tra, kiểm đếm phải xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các hộ dân. Đó là trách nhiệm của phường và Tổ công tác”, ông Kiên cho hay.
Thông tin từ vị Phó Chủ tịch phường Việt Hưng cung cấp, số hộ dân bị ảnh hưởng ở Dự án làm đường này là 179 hộ dân thuộc các tổ 3, 5, 6 và 7.
“Đến nay, các hồ sơ phường đã giải trình lên quận là 149 thông báo thu hồi đất và 30 hộ còn lại, UBND quận cũng vừa ban hành thông báo thu hồi đất”, ông Kiên nói.
Liên quan đến việc công bố dự án, ông Kiên cho biết, UBND phường kết hợp với các phòng ban của UBND quận Long Biên đã tổ chức họp công khai dự án vào ngày 8/1/2021. Sau Tết 2021, phường bắt đầu công tác điều tra kiểm đếm. Các thông tin liên quan đến chính sách của dự án, bồi thường hỗ trợ tái định cư trong quá trình triển khai dự án cũng đã được niêm yết công khai tại UBND phường, các tổ dân phố và các nơi hộ dân bị thu hồi đất.
“Đến thời điểm này đã điều tra, kiểm đếm xong 72 hộ/149 hộ có thông báo thu hồi đất. Công tác kiểm đếm vẫn đang được phường tiếp tục thực hiện”, ông Kiên nói.
Cũng theo ông Kiên, thông báo thu hồi đất chưa phải là quyết định thu hồi đất; trong thông báo nêu nội dung dự kiến thu hồi là bao nhiêu, thời gian thu hồi, điều tra kiểm đếm... Thông báo đến từng hộ dân này là thông báo ban đầu để biết được các hộ dân đó nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án.
Sau khi họp dân xong ngày 8/1, UBND phường cũng nhận được 7 đơn thư của người dân, trong đó có 3 đơn tập thể và 4 đơn của hộ gia đình, cá nhân. Nội dung đơn cũng xoay quanh giá bồi thường, chính sách tái định cư của dự án.
“Vì là đơn tập thể, gửi nhiều cơ quan... nên những đơn thư đó cũng được UBND quận tiếp nhận và trả lời bằng văn bản gửi các hộ dân. Còn tại phường, hiện tại mới đang ở giai đoạn ban đầu, đang điều tra, kiểm đếm.
Quá trình điều tra, kiểm đếm các hộ có ý kiến về khối lượng công trình vượt kiến trúc của gia đình, gửi đơn ra phường thì Tổ công tác sẽ tổ chức phúc tra”.
“Bây giờ mới là bước ban đầu của quá trình giải phóng mặt bằng. Sau quá trình điều tra, kiểm đếm, xác nhận xong đầy đủ, chủ đầu tư lập phương án áp dụng đúng theo chính sách của dự án rồi báo cáo Hội đồng bồi thường của quận. Trên cơ chế, chính sách của Thành phố đã áp dụng, nếu có bất cập gì thì lúc đó mới có cơ sở để trả lời cũng như đề xuất Thành phố bổ sung chính sách”, ông Kiên nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch phường Việt Hưng: Điều tra kiểm đếm để các hộ xác định khối lượng công trình, kiến trúc, tài sản trên đất bị mất tại thực địa là bao nhiêu, sau đó mới lập phương án, áp dụng chính sách rồi mới công khai đến các hộ dân để họ biết mất bao nhiêu, được bồi thường bao nhiêu; tái định cư về đâu ở tòa chung cư đó, nộp bao nhiêu tiền. Nếu không nhận tái định cư, mà tự lo tái định cư theo chính sách hỗ trợ của thành phố như thế nào… tất cả đều thể hiện ở phương án công khai tới các hộ dân sau khi chủ đầu tư lập phương án xong và được Hội đồng thẩm định.
“Các hộ dân còn rất nhiều quyền, từ lúc chưa phê duyệt phương án đến lúc phê duyệt phương án thì người dân vẫn còn quyền khiếu nại đến quận, thành phố hay khởi kiện ra Tòa”, ông Kiên khẳng định.
Trước vấn đề nhiều hộ dân không đồng tình với chính sách bồi thường tái định cư bằng căn hộ chung cư, mà có nguyện vọng được đền bù tái định cư bằng đất, ông Kiên cho biết, phường có nắm được và cũng phản ánh, đề xuất lên cơ quan cấp trên vì phạm vi của phường không làm chính sách, cơ chế chính sách do UBND TP chấp thuận.
“Không phải mỗi địa bàn quận Long Biên áp dụng mà các quận nội thành đã áp dụng từ lâu. Quỹ tái định cư theo quỹ nhà của Thành phố, không phải quận quyết được ở trên địa bàn quận mà do Sở Xây dựng cân đối quỹ nhà trên toàn địa bàn Thành phố, khi đó Sở báo cáo Thành phố sắp xếp vị trí cho phù hợp. Bản thân người Long Biên cũng không ai muốn dân địa bàn mình phải đi sang quận, huyện khác cả”.
Ông Kiên cũng cho hay, dù biết rằng tiền được nhận khi đền bù không đủ để mua tái định cư là bất cập trong dự án, nhưng để tháo gỡ được vướng mắc thì phải có số liệu cụ thể, đặt vào từng trường hợp cụ thể; khi đưa báo cáo lãnh đạo mới có phương án phù hợp.
PV Infonet cũng liên hệ làm việc với UBND quận Long Biên là chủ đầu tư Dự án. Ông Bùi Dương – Phó chánh Văn phòng UBND quận Long Biên cho biết: “Chủ tịch quận đang đi công tác Trường Sa, khi Chủ tịch về chúng tôi sẽ trình văn bản lên để thông tin chính thức đến báo chí bằng văn bản”. “Hiện mới là thông báo về việc thu hồi đất đến các hộ dân; còn cơ sở để giải quyết đơn thư của các hộ dân phải có quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ cho từng hộ dân, cũng như các cơ chế, chính sách tái định cư, giá tiền… phải thể hiện bằng văn bản chính thức”, ông Dương nói thêm. |
-
Giá đất đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng: Vì sao thấp xa giá thị trường?
Việc áp giá thị trường khi bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) làm dự án đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, UBND các tỉnh, thành phố thường đưa ra mức giá thấp hơn giá thị trường khi thu hồi đất để thực hiện dự án. Việc này dẫn đến khiếu kiện kéo dài, bởi quyền lợi của người “mất” đất bị ảnh hưởng không nhỏ
-
Khởi công tuyến đường gần 1.300 tỷ đồng đi qua huyện Đan Phượng
Sáng ngày 15/1, UBND huyện Đan Phượng đã chính thức khởi công tuyến đường Tây Thăng Long, đoạn từ đường vành đai 3,5 đến kênh Đan Hoài.
-
Tin vui cho người lao động thu nhập thấp tại Hà Nội
UBND Hà Nội vừa phê duyệt cập nhật danh mục 72 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị (đợt 4). Trong đó, thành phố bổ sung thêm 8 dự án nhà ở xã hội, tương đương gần 1.600 căn.
-
Hà Nội khởi công tuyến đường nối với nơi sẽ xây dựng nhà hát 10.000 tỷ
Ngày 15/1, dự án xây dựng tuyến đường Đặng Thai Mai - giai đoạn I tại phường Quảng An, quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) đã chính thức khởi công. Khi hoàn thành tuyến đường sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực bán đảo Quảng An....