Dự án Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú yêu cầu mức kinh phí 8.776 tỉ đồng thi công tuyến đường dài 60km qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, tiếp nối tuyến Tân Phú – Bảo Lộc – Liên Khương để hoàn thành tuyến cao tốc 208km từ Dầu Giây đi Đà Lạt (Lâm Đồng).

Đoạn tuyến thuộc cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt đã hoàn thành

Ban Quản lý dự án Thăng Long mới đây đã trình lên Bộ Giao thông vận tải báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công – tư (PPP).

Dự án có tổng chiều dài 60,24km, xuất phát từ điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối vượt qua vị trí giao cắt với quốc lộ 20 tại địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú (Đồng Nai).

Dự án phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế (mỗi làn rộng 3,5m), bề rộng nền đường 17m, có dải phân cách giữa, khoảng 4-5 km bố trí một vị trí dừng xe khẩn cấp, phục vụ tốc độ 80km/h.

Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ mở rộng nền đường và có thêm làn dừng khẩn cấp, nâng tốc độ chạy xe lên 100km/h.

Dự án yêu cầu mức kinh phí khoảng 8.776 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 5.000 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng trên 1.294 tỉ đồng. Thời gian hoàn vốn dự án khoảng 27 năm.

Về hướng tuyến dự án, tuyến đi qua khu vực trồng cao su và trồng điều trồng mía địa hình bằng phẳng thuận lợi cho thiết kế đường cao tốc. Tiếp đó .tuyến đi tránh rừng phòng hộ Tân Phú, đi qua một phần đất rừng sản xuất và một số dải núi có cao độ từ 140-150m. Tuyến tiếp tục đi qua lưu vực sông La Ngà, khu vực này địa hình bằng phẳng, tuy nhiên có nhiều kênh rạch và các bàu nước. Cây trồng khu vực này chủ yếu là lúa nước. Tuyến được thiết kế đảm bảo tránh tối đa các sông suối ao hồ. Đoạn cuối tuyến đi qua khu vực trồng ngô, điều và khu dân cư xã Phú Lâm và Phú Trung. Tuyến được thiết kế tránh tối đa dân cư đảm bảo khối lượng giải phóng mặt bằng các hộ dân là ít nhất.

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt có tổng chiều dài 208km với quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam.

Hiện nay, đoạn từ đèo Prenn đến thành phố Đà Lạt khoảng 19km đã hoàn thành. Các đoạn Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương đã được triển khai nghiên cứu tiền khả thi để đầu tư trong trong giai đoạn 2021-2025.

Cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt khi hoàn thành sẽ hoàn thiện kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ với khu vực Tây Nguyên. Dự án sẽ giải tỏa áp lực cho quốc lộ 20 đang trong tình trạng quá tải khi phải đảm nhận vai trò kết nối chính giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng.

Bắc Cơ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.