Được thiết kế, xây dựng để phục vụ người đi bộ, nhưng hiện nay có khoảng 60 nghìn mét vuông vỉa hè tại các quận trung tâm Hà Nội đang bị sử dụng sai mục đích chuyển thành bãi trông giữ xe. Nhiều ý kiến cho rằng, việc này vừa làm cho người dân mất đường đi bộ, vừa khiến vỉa hè nhanh chóng xuống cấp, chi phí duy tu tốn kém.

Vỉa hè trên nhiều tuyến phố Hoàn Kiếm đang trở thành bãi đỗ ô tô

7 năm 3 lần lát lại vỉa hè
Theo các tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng, tuổi thọ của một công trình nhà cửa hoặc cầu đường là từ 20 đến 25 năm. Tuy nhiên, vòng đời vỉa hè tại Hà Nội đang ngắn không tưởng đối với nhiều chuyên gia đô thị.
Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, vỉa hè Hà Nội có ít nhất 3 lần “đại tu” lớn bằng gần như đào lên làm lại. Đó là các mốc thời gian, năm 2010 hầu hết nền gạch đỏ tại vỉa hè tại các quận trung tâm được thay thế bằng gạch block tự chèn với các loại gạch Terrazzo, lục giác… Tiếp đến năm 2013 - 2014, vỉa hè nhiều tuyến phố lại được giao cho các quận chuyển sang lát gạch giả đá, riêng bó vỉa hè là đá xanh tự nhiên.
Đến đầu năm 2017, chỉ sau hơn 2 năm sử dụng, nhiều loại gạch giả đá trên vỉa hè nhiều tuyến phố bị nứt, vỡ vụn. Thời điểm này thành phố Hà Nội cũng đưa ra kế hoạch giao cho các quận làm chủ đầu tư lát đá tự nhiên trên vỉa hè nhiều tuyến phố.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, mỗi mét vuông lát đá vỉa hè lần này có giá khoảng 1,7 triệu đồng, như vậy chỉ tính riêng trên 100 nghìn mét vuông vỉa hè tại 4 quận trung tâm Hà Nội cần phải lát lại, chi phí lát đá khoảng 200 tỷ đồng. Với 12 quận nằm trong kế hoạch được thay thế vỉa hè bằng đá tự nhiên, con số trên còn lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau mỗi lần lát mới, vỉa hè trên nhiều tuyến phố Hà Nội đã không được sử dụng đúng mục đích. Với lý do giải quyết chỗ đỗ xe cho nhu cầu cấp thiết của người dân, vỉa hè.
Theo số liệu của Sở GTVT Hà Nội, chỉ tính riêng tại khu vực các quận trung tâm, hiện các quận đang cấp phép cho các tổ chức, DN tổ chức trông xe trên vỉa hè với diện tích khoảng 60 nghìn m2, trong đó, có nhiều vị trí quận cho phép trông cả ô tô trên vỉa hè. Đơn cử, tại quận Hoàn Kiếm, hiện UBND quận đã cấp phép trông xe tại 260 vị trí trên vỉa hè, trong đó có 220 điểm trông giữ xe máy, 40 điểm trông giữ ô tô, tổng diện tích vỉa hè được quận cấp phép trông xe là 26.427 m2.
Cho đỗ ô tô sẽ phá nát vỉa hè
Mặc dù được đầu tư và duy tu hàng năm với kinh phí lớn, tuy nhiên do thực trạng các bãi đỗ xe tĩnh của thành phố mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, 90% phương tiện còn lại của người dân đang không có chỗ đỗ, do vậy nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, việc thành phố cho phép các quận cấp phép tổ chức tạm thời trông xe trên vỉa hè với những tuyến phố có nhiều điều cần phải mổ xẻ.
PGS.TS Nguyễn Quang Đạo - Hội Cầu đường Việt Nam cho rằng, theo thiết kế đối tượng phục vụ của vỉa hè là người đi bộ, do vậy từ việc tạo móng nền cho đến lát gạch, vỉa hè chỉ chịu tải với người đi bộ. Với trọng tải từ 1,5 đến 3 tấn, nếu ô tô con leo lên nền gạch được lát theo hình thức tự chèn sẽ sụt lún đồng loạt, riêng những đoạn lát đá bản to sẽ xảy ra tình trạng vỡ vụn. “Đây là nguyên nhân chính của tình trạng vỉa hè nhiều tuyến phố tại Hà Nội vừa lát đá xong đã xảy ra tình trạng bị lún, vỡ vụn”, ông Đạo đánh giá.
Ông Nguyễn Văn Dư, chuyên gia giao thông của Tổ chức Jica (Nhật Bản) cho rằng, tuổi thọ của một công trình xây dựng phải sử dụng ít nhất được từ 20 đến 25 năm, sau đó mới phải sửa chữa hay thay mới.
Vỉa hè Hà Nội hiện nay cứ 2 – 3 năm là hư hỏng và phải thay thế thì cần phải xem lại công tác quản lý, sử dụng. Theo ông, ngoài sự lãng phí sự việc này còn luôn đặt thành phố trong tình trạng chìm trong công trường xây dựng. Cho trông xe, đặc biệt ô tô trên vỉa hè là trái với quy tắc xây dựng và quản lý đô thị – ông Dư nói.
Anh Trọng (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.