Đó là câu chuyện đang diễn ra ở TP Hà Nội.

Để sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường, nhiều tuyến phố trên 12 quận, giới chức thành phố chủ trương lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên thay vì gạch như trước đây. Loại đá tự nhiên này được Hà Nội nhận định là có độ bền từ 50-70 năm. Nhưng mới sử dụng vài tháng đã xuất hiện cảnh tượng nứt, vỡ, ở nhiều vị trí đá còn bị bật khỏi nền, bề mặt vỉa hè lồi lõm, lởm chởm.

Qua khảo sát, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, đường Bà Triệu, một số vị trí đá lát tự nhiên đã có nhiều vết nứt.

Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, ông Trần Việt Trung – Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “TP có chủ trương lát đá vỉa hè trên các tuyến phố để thực hiện năm kỷ cương hành chính trật tự văn minh đô thị. Căn cứ vào chủ trương này, một số quận huyện đang triển khai thực hiện. Đồng thời lý giải hiện tượng đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm nhanh chóng bị vỡ nát, hư hỏng sau vài tháng, ông Trung cho rằng lát đá trên vỉa hè còn phụ thuộc vào lớp bê tông phía dưới”.

Thừa nhận một điều, vỉa hè Hà Nội đã thay đi thay lại đến bao nhiêu lần rồi. Từ gạch xi măng vuông, gạch con sâu, gạch lục giác… Và cứ được vài tháng, một năm là nào bong, tróc, lún, vỡ, có khi lóc cả mảng rộng trơ cả đất. Sang năm lại thấy cạy lên làm lại.

Thật ra, nếu sử dụng đúng công năng của vỉa hè là chỉ dành cho người đi bộ thì lát như vậy còn lâu mới hỏng. Vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng, với tần suất xe máy đi lên vỉa hè trong giờ cao điểm đông đúc như vậy, rồi ô tô cũng đỗ xe trên vỉa hè thì lớp đá không thể nào chịu được sức nặng, vỡ là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, thực trạng xe máy chạy trên vỉa hè, ô tô đậu trên vỉa hè đã tồn tại từ lâu nay chứ không phải sau khi lát đá tự nhiên mới có. Đã thay đá vỉa hè nhiều lần, làm đi làm lại nhiều lần, nhưng chính quyền không chịu rút kinh nghiệm, không khắc phục gia cố tốt hơn. Thay vì chi ngân sách cho 6 tháng, một năm lát vỉa hè một lần, TP có thể tăng ngân sách lên một ít thôi cũng đủ sức gia cố vỉa hè đảm bảo xe tải chạy lên cũng không vấn đề gì trong thời gian dài vài năm mà không phải lát lại vỉa hè.

Đá tự nhiên mà Hà Nội đang làm mà ghép trên nền đất yếu thì vài ngày cũng vỡ. Ngoài yếu tố chất lượng, nó còn liên quan đến cốt nền. Chính vị Phó giám đốc Sở Xây dựng cũng đã nói việc đá bị bong, vỡ liên quan đến bề mặt bê tông phía dưới. Nên một vấn đề đặt ra là: Các vị đều biết vấn đề hết, vậy tại sao Hà Nội không làm chuẩn theo đúng kỹ thuật?

Đâu phải Hà Nội tiên phong trong chuyện lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đâu. Một số địa phương như Hải Phòng, Nghệ An… cũng lát đá tự nhiên, nhưng rất bài bản đúng kỹ thuật, nền trước khi lát đá, địa phương bạn cho tiến hành trải bê tông dày 15cm. Hà Nội có nên học hỏi?

Liên quan đến vấn đề này, có người đặt ra vấn đề rất hay: Trách nhiệm giám sát của công dân ở đâu? Mọi người đã thực thi nghĩa vụ giám sát chưa?

Thế nhưng, xin hỏi lại rằng: Người dân giám sát thấy đơn vị thi công ẩu, làm ẩu sẽ nói với ai? Sau đó người dân có được báo cáo lại đã xử lý như thế nào không hay là sau đó sự việc vẫn vậy? Mà người kiện lên sẽ bị đe dọa, bị nhục mạ, thậm chí bị hành hung? Ai là người bảo vệ dân sau khi thông báo sai phạm cho cơ quan chức năng?

Theo đó, ngay chính các chuyên gia cũng phải hoài nghi dự dán thì dù chính quyền có đưa ra bất kỳ lý do gì để biện minh cho sự xuống cấp nhanh chóng của vỉa hè cũng khó thuyết phục được dư luận. TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: “Việc lát vỉa hè là cần thiết nhưng trước hết phải xem các vỉa hè hiện nay lát đã đạt chưa, nếu chưa đạt thì lát lại, nếu đạt rồi mà cứ bóc lên rồi lát lại thì chẳng qua chỉ là một cách để tiêu tiền”.

Và dự án thảm đá tự nhiên trên toàn bộ các tuyến phố Hà Nội cũng vậy. Đá siêu bền gần trăm năm, nhưng chỉ “thọ” được vài tháng! Thật quá lãng phí tiền thuế của dân. Dẫu sao, dự án duyệt rồi và đá cũng đã mua thì phải làm, phải lát thôi. Có như thế đồng tiền mới được luân chuyển “đúng quy trình”

Sông Hàn (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.