Hiện nay, thị trường vật liệu xây dựng có nhiều loại gạch xây dựng khác nhau, trong đó có gạch đất nung và gạch không nung.

Cùng với xi măng, sắt thép… gạch là vật liệu không thể thiếu và đóng vai trò quyết định đến chất lượng công trình. Vì vậy, không nên xem nhẹ việc lựa chọn loại gạch phù hợp với ngôi nhà của mình.

Thị trường vật liệu xây dựng có nhiều loại gạch khác nhau, trong đó có gạch đất nung và gạch không nung

Gạch đất nung

Gạch đất nung là loại gạch xây dựng truyền thống, rất phổ biến trong các công trình ở Việt Nam với tỷ lệ sử dụng chiếm tới 80%.

Loại gạch này sản xuất từ nguyên liệu chính là đất sét, sau đó được nung ở nhiệt độ lên đến 1.000 độ C. Gạch đất nung có các loại phổ biến như là gạch đỏ đặc, gạch đỏ 2 lỗ, gạch 6 lỗ, gạch ống… Sự khác nhau cơ bản giữa các loại gạch này là cấu tạo.

Cụ thể, gạch rỗng có các lỗ rỗng phía trong viên gạch, có thể là 2, 3, 4, 6 hoặc 10 lỗ tùy yêu cầu thiết kế. Chính vì cấu tạo rỗng nên gạch rỗng sử dụng ít nguyên liệu hơn, nhờ đó mà giá bán rẻ hơn. Tuy nhiên, gạch rỗng lại có khả năng chịu nén thấp, độ hút nước cao.

Còn đối với gạch đặc, loại gạch này có cấu tạo một khối xuyên suốt, không có lỗ, do vậy tốn nhiều nguyên liệu sản xuất hơn, giá bán đắt hơn. Nhưng bù lại, gạch đặc cứng chắc và ít thấm nước, được sử dụng cho những công trình yêu cầu cao về chất lượng.

Gạch đỏ đặc

Loại gạch này có khả năng chịu lực tốt do được nén chặt và nung ở nhiệt độ cao. Gạch đỏ đặc thường được dùng để thi công móng nhà, tường bao, bể nước.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của gạch đỏ đặc là trọng lượng nặng nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Ngoài ra, giá bán của nó cũng cao hơn các loại gạch xây khác.

Gạch lỗ

Gạch đất nung là loại gạch xây dựng được sử dụng phổ biến với tỷ lệ sử dụng chiếm tới 80%

Gạch đỏ 2 lỗ có kích thước phổ biến là 220x105x55mm. Loại gạch này được sử dụng xen kẽ với gạch đặc trong xây tường để giảm trọng lượng.

Ưu điểm của gạch 2 lỗ là có trọng lượng nhẹ nên giảm thiểu khả năng chịu lực, rút ​​ngắn thời gian thi công, giá bán rẻ hơn gạch đỏ đặc. Tuy nhiên, nhược điểm của gạch đỏ 2 lỗ là chống thấm kém nên thường không được sử dụng ở những nơi có độ ẩm cao, không dùng cho các hạng mục tường chịu lực.

Gạch đỏ 6 lỗ hay còn được gọi là gạch tuynel, loại gạch này có kích thước 220x105x150mm. Gạch 6 lỗ thường được sử dụng để xây tường ngăn giữa các phòng, dùng để chống nóng cho sân thượng, dùng cho các kết cấu tường không chịu lực.

Ưu điểm của gạch đặc 6 lỗ là giá rẻ và nhẹ hơn gạch đặc. Song nhược điểm là khả năng chịu lực kém, nếu có tác động khoan, vít hay đóng đinh sẽ làm vỡ gạch.

Gạch không nung

Gạch không nung là một loại vật liệu xây dựng mới, với thành phần chủ yếu từ xi măng, mạt đá, phế thải công nghiệp.

Gạch không nung được ép định hình, rồi trải qua quá trình rung với tần suất cao, tạo nên những viên gạch cứng, độ bền cơ học cao.

Gạch không nung là loại vật liệu xây dựng mới, được khuyến khích sử dụng thay thế gạch đất sét nung truyền thống

Ưu điểm của gạch không nung là độ bền cao, cách nhiệt, cách điện tốt, nhẹ.

Các loại gạch không nung phổ biến bao gồm gạch xỉ, gạch bê tông, gạch nhẹ chưng áp, gạch bê tông bọt khí. Ngoài ra, còn có gạch rỗng và gạch đặc, tùy thuộc vào yêu cầu xây dựng của mỗi công trình mà chọn sử dụng cho phù hợp.

Gạch bê tông cốt liệu

Gạch bê tông cốt liệu còn gọi là gạch block, được cấu thành từ nguyên liệu chính là xi măng, đá mạt và các chất phụ gia.

Loại gạch này được sản xuất nhiều bởi nó có khả năng chịu lực tốt mà giá bán lại rẻ. Tuy nhiên, nhược điểm của gạch bê tông là nặng, thấm nước mạnh nên chỉ được dùng cho việc xây hàng rào, tường bao công trình không yêu cầu tính thẩm mỹ cao.

Do đó, gạch block thường được sử dụng ở các vị trí như hàng rào, tường bao hoặc các công trình không yêu cầu tính thẩm mỹ cao.

Gạch nhẹ chưng áp

Giống như gạch block, gạch nhẹ chưng áp cũng được sản xuất từ vật liệu chính là xi măng, cát nghiền mịn, vôi và bột nhôm.

Gạch được sản xuất bằng công nghệ chưng áp, các bọt khí được tạo ra khi gạch bắt đầu đông kết, bột nhôm có các phản ứng hóa học với các chất phụ gia tạo ra bọt khí. Chính những bọt khí này tạo ra các lỗ rỗng bên trong viên gạch và làm chúng nhẹ hơn khi trọng tải không giảm.

Ưu điểm của loại gạch này là trọng lượng nhẹ, thi công dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, loại gạch này có độ thấm nước cao, độ giãn nở tương đối nên thường được sử dụng để xây tường bao, các lán trại, hàng quán ven đường với thời gian sử dụng công trình không quá dài.

Gạch bê tông bọt

Gạch bê tông bọt có nhiều lỗ rỗng nhỏ li ti phân bổ đều khắp trong viên gạch. Loại gạch ra đời muộn hơn so với gạch bê tông cốt liệu và bê tông chưng áp và có ưu điểm nổi trội hơn hẳn do đã được cải thiện, xử lý những nhược điểm và tăng cường ưu điểm.

Vật liệu được sử dụng chính để sản xuất loại gạch này chính là bê tông, tro bay nhiệt điện, sợi tổng hợp, chất tạo bọt và các chất phụ gia.

Ưu điểm của gạch bê tông bọt là nhẹ, cách âm, cách nhiệt và chống cháy tốt, không bị co ngót, giãn nở khi nhiệt độ môi trường thay đổi.

Tổng quan thị trường gạch xây dựng

Hiện nay, chương trình phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2030 sẽ gắn mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu gạch không nung thay thế gạch đất sét nung.

Mục tiêu cụ thể là đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 35-40% vào năm 2025, 40-45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình theo quy định.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng giai đoạn đến năm 2025 cụ thể như sau:

Tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước phải có tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung là 90%.

Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc và các tỉnh Đông Nam Bộ, các khu đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 80%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%.

Tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70% (trừ thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ sử dụng tối thiểu 80%), tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.

Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây, trong đó ưu tiên sử dụng cấu kiện nhẹ, kích thước lớn.

Giai đoạn đến năm 2030, các công trình nêu trên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 90% vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây.

Tìm hiểu thêm:

Chủ đề: Gạch không nung,
Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.