04/08/2022 2:03 PM
Không ít người đã bỏ cả công ăn việc làm ổn định để chạy theo những “cơn sóng” trên thị trường bất động sản. Và khi cơn sốt đi qua, họ sống trong cảnh ê chề, tiền làm ra dần tiêu hết mà nghề nghiệp chính lại tuột khỏi tầm tay.

Khi cơn sốt đi qua, nhiều người lỡ lao theo sóng đất phải sống trong cảnh ê chề, tiền làm ra dần tiêu hết mà nghề nghiệp chính lại tuột khỏi tầm tay. Ảnh minh hoạ

Người người làm “cò” đất

Khó có thể phủ nhận nguồn lợi nhuận to lớn mà kinh doanh bất động sản mang lại cho nhiều người. Đặc biệt là trong những cơn sốt đất, các nhà đầu tư chỉ trong một sớm một chiều đã thu về những khoản lãi lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng.

Chính nguồn lợi nhuận này đã khiến cho số lượng người tham gia vào lĩnh vực bất động sản ngày một lớn. Không chỉ số lượng các nhà đầu tư tăng lên mà những người làm môi giới cũng ngày một đông đảo. Có thời điểm, lướt mạng xã hội, người dùng sẽ “bội thực” bởi đầy rẫy những thông tin mua bán nhà đất được đăng tải liên lục, dày đặc. Bất động sản bất ngờ trở thành một món hàng được rao bán nhan nhản, tư vấn online bởi rất nhiều môi giới chuyên và không chuyên.

Điển hình như câu chuyện của anh Lê Quốc Văn - một người làm MC đám cưới tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thấy bạn bè rao bán đất trên mạng và cũng chốt được cho khách, mỗi lô nhận được vài chục triệu tiền hoa hồng, anh Văn cũng thử làm “cho vui”. Với mối quan hệ có được trong quá trình đi dẫn chương trình ở nhiều nơi, anh Văn giới thiệu vài lô đất trên Facebook, và cuối cùng cũng đã có khách hỏi.

“Hai, ba lô đầu đăng không thấy ai hỏi cũng nản, đến lô thứ 5 thì có một khách hỏi thông tin và yêu cầu đưa đến xem đất. Tôi gặp may khi khách xem xong là chốt luôn, lô đất 700 triệu mình được cho hoa hồng 10 triệu. Việc đơn giản, thu nhập lại cao như thế thì tại sao lại không làm. Thế là từ đó tôi bước chân vào nghề “cò đất”, anh Văn chia sẻ.

Khác với anh Văn, chị Nguyễn Anh Thy ở Đông Hà, Quảng Trị vốn là một nhân viên ngân hàng có hơn 6 năm kinh nghiệm. Vì hoạt động ở mảng tín dụng cá nhân nên chị Thy có nhiều cơ hội tiếp xúc với đất đai, biết định giá, biết đọc thông tin trên sổ đỏ và biết đánh giá tiềm năng của mỗi một vị trí bất động sản khác nhau.

Năm 2020, chị Thy bắt đầu môi giới những lô đất đầu tiên cho khách hàng vay vốn của mình, từ đó chị bén duyên và dùng kiến thức mình có được để hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong việc lựa chọn đất đai cũng như thời điểm bán ra hợp lý.

Tạo dựng được uy tín nên số lượng khách hàng của chị ngày một tăng, đồng nghĩa với lợi nhuận từ “nghề tay trái” mang lại cho chị càng ngày càng nhiều. Chính vì vậy, chị quyết định rời bỏ công việc đang làm để dành hết thời gian cho bất động sản.

“Để chuẩn bị cho công việc mới, tôi nghiên cứu nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn về lĩnh vực này để trở thành một người tư vấn chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư. Không chỉ về những vị trí tiềm năng cho lợi nhuận cao mà còn hỗ trợ khách hàng về tính pháp lý của đất đai. Cái tôi hướng đến không đơn thuần chỉ là những khoản hoa hồng mà còn là sự chuyên nghiệp, dài lâu hơn với nghề này, không phải là ăn xổi ở thì nữa”, chị Thy cho biết.

Những ê chề sau cơn sốt

Dù chuyên nghiệp hay là tay ngang thì những người môi giới bất động sản trong quãng thời gian dài nhộn nhịp của thị trường cũng đã có thể thu về cho riêng mình những khoản lợi nhuận không nhỏ từ lĩnh vực này.

Tuy nhiên, ngày thị trường bất động sản trở nên ảm đạm, và khi những cơn sốt đất đi qua, nhiều người đã trở về với trạng tháng ngán ngẩm khi không còn công việc, tiền kiếm được cứ ngày một cạn dần.

Đơn cử như câu chuyện của chị Trần Vy Trâm - thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Đang là một chủ spa có tiếng tại thành phố này, chị Trâm chuyển sang nghề môi giới bất động sản khi doanh thu từ dịch vụ chăm sóc sắc đẹp đang ổn định.

Ban đầu, chị tranh thủ thời gian để đưa khách đi xem, giao lại việc tại spa cho nhân viên. Nhưng vào đỉnh điểm của đợt sốt đất vùng ven thành phố, chị quyết định bỏ hẳn công việc đang làm, sang nhượng toàn bộ mặt bằng và thiết bị để chạy theo cuộc đua đất cát.

Thế rồi cơn sốt nguội lạnh dần, số tiền tích lũy được cũng dồn hết vào đất cát. Bốn tháng qua, chị Trâm gần như chỉ ở nhà nội trợ và đăng bán số đất đã đầu tư trong vô vọng. Thậm chí đến cả người hỏi thông tin cũng không có.

“Đúng là sự đánh đổi quá lớn, lẽ ra tôi không nên vội vàng sang nhượng cửa hàng, dù sao có cái nghề vững chắc trong tay thì vẫn nên duy trì nó. Đến giờ, sau một thời gian dài đóng cửa, tôi muốn làm lại cũng khó. Mà quan trọng, tiền kiếm được tôi đều đầu tư đất cát hết, chẳng còn đủ vốn mà làm”, chị Trâm tiếc nuối.

Trường hợp của chị Trâm không phải là trường hợp duy nhất. Thực tế, ngoài những người môi giới chuyên nghiệp, có kiến thức và có kỹ năng vẫn bám trụ được với nghề thì nhiều “cò đất” tay ngang đã rút khỏi “mảnh đất màu mỡ” này. Nhiều người trong số họ, bỏ cả công việc ban đầu của mình, lao vào thị trường bất động sản không chút kiến thức và nhận về không ít những đau thương.

Nghề không còn, bất động sản đứng im, tiền bạc tích cóp được dần bay biến, thậm chí nhiều người vướng phải rắc rối do không am hiểu về pháp luật, bán đất vướng pháp lý nên phải tự bỏ tiền túi ra đền cho nhà đầu tư…

Những câu chuyện như thế vẫn đang diễn ra hàng ngày, dù cơn sốt đã đi qua. Giấc mộng làm giàu không chỉ chuốc đắng nhà đầu tư mà ngay cả những người môi giới, họ cũng khó rút khỏi thị trường một cách nhẹ nhàng.

Mai Linh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.