12/01/2023 8:58 AM
Năm 2023, việc tăng tốc đầu tư công có thể giúp bù đắp một phần nhu cầu thép giảm từ kênh dân dụng. Theo đó, nhu cầu yếu có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong việc tăng giá thép lên mức tương đương với giá trong khu vực.

Trong báo cáo về triển vọng ngành thép mới đây, Chứng khoán SSI nhận định nhu cầu trong nước thời gian tới có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng căn hộ mới được cấp phép xây dựng trong 3 quý đầu năm 2022 giảm 41% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tiến độ của các dự án đang tồn đọng cũng có thể bị chậm lại, do vấn đề thanh khoản của chủ đầu tư bất động sản.

Nhu cầu thép trong nước thời gian tới có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt

Trên thực tế, thời gian qua đã có nhiều nhà máy thép lớn đã dừng hoạt động của một số lò cao như Hoà Phát, Formosa, Tisco… hoặc giãn kế hoạch sản xuất như Thép Miền Nam, Maruichi Sunsco…

Với việc quy mô sản xuất bị cắt giảm cùng với sự suy yếu của thị trường bất động sản, SSI Research cho rằng nhu cầu thép thành phẩm trong nước có thể giảm ở mức một con số vào năm 2023. Nhìn vào các dữ liệu trong quá khứ có thể thấy ngành thép Việt Nam đã từng đối mặt với điều này trước đây. Theo đó, doanh thu thép xây dựng đã giảm 7% so với cùng kỳ trong năm 2022.

Tuy nhiên, SSI Research nhận định việc tăng tốc đầu tư công có thể giúp bù đắp một phần nhu cầu thép giảm từ kênh dân dụng.

Tại thị trường thép thế giới, nhu cầu về mặt hàng này của Trung Quốc có thể vẫn yếu do doanh thu bán nhà ở mới giảm kể từ nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, sẽ được hỗ trợ bởi các biện pháp gần đây của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản của các chủ đầu tư bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, sản lượng thép của các nhà sản xuất lớn nhất thế giới cũng sụt giảm do các nhà máy phải cắt giảm sản lượng sau một thời gian dài thua lỗ. Sau khi đạt mức cao nhất vào tháng 5/2022 ở mức 96,6 triệu tấn, sản lượng thép của Trung Quốc đã giảm dần xuống 74,5 triệu tấn vào tháng 11, gây ra sự cân bằng giữa cung và cầu. Những yếu tố này có thể giúp giá thép khu vực ổn định hơn trong năm 2023.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel), nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi 1% so với cùng kỳ, lên 1,8 tỷ tấn vào năm 2023, sau khi giảm 2,3% trong năm 2022.

World Steel cho rằng, do tiếp tục chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, nhu cầu thép dự báo suy giảm ở khu vực Châu Âu, trong khi đó các khu vực khác trên thế giới đều có sự hồi phục nhẹ.

Cụ thể, trong năm 2023, nhu cầu thép của Châu Phi được dự báo tăng 4,4% (đạt 41,9 triệu tấn); Châu Á tăng 1,2% (đạt 1284,6 triệu tấn); các nước CIS (Đông Âu cũ) giảm 6,7% (đạt 49,5 triệu tấn); Châu Âu (EU) giảm 1,3% (đạt 156,9 triệu tấn); các nước Châu Âu khác tăng 3% (đạt 39,8 triệu tấn); các nước Trung đông tăng 3,4% (đạt 52,9 triệu tấn); Bắc Mỹ tăng 1.8% (đạt 140,9 triệu tấn); Trung và Nam Mỹ tăng 3.8% (đạt 48,2 triệu tấn).

Trong khi đó, nhu cầu tại thị trường ASEAN dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm 2023, sau khi tăng trưởng 4-6% trong năm 2022.

Tuy nhiên, SSI Research cho rằng xuất khẩu mặt hàng sắt thép của Việt Nam sang các đối tác thương mại lâu năm vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng công suất trong những năm gần đây ở các nước như Malaysia, Indonesia, và Philippines.

  • Trung Quốc cắt giảm công suất, đưa các lò thép sang ASEAN

    Trung Quốc cắt giảm công suất, đưa các lò thép sang ASEAN

    Trong bối cảnh dư thừa nguồn cung trầm trọng, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh lại sản lượng thép năm 2023 và việc mở rộng đầu tư công suất ở các nước Đông Nam Á sẽ giúp quốc gia này duy trì vị thế trên bản đồ thép Thế giới.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.