Đau đầu với bài toán thừa cung, thiếu cầu
Năm 2022, lạm phát toàn cầu và rủi ro địa chính trị đã làm trầm trọng thêm các vấn đề của ngành thép Trung Quốc, bên cạnh tình trạng cung vượt cầu. Hiện nay, công suất sản xuất thép của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là 1,2 tỷ tấn/năm, trong khi tiêu thụ là 1 tỷ tấn/năm, theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Trung Quốc (CISA).
Trong bối cảnh dư thừa nguồn cung trầm trọng, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh lại sản lượng thép năm 2023
Theo S&P Global Commodity Insights, năm 2022, các lò cao của Trung Quốc có thể sản xuất khoảng 30 triệu tấn gang thỏi, trong khi chương trình hoán đổi công suất có thể giúp tạo ra thêm khoảng 25 triệu tấn thép thô. Tuy nhiên, những dự án thép mới được đưa vào vận hành có thể giúp công suất của Trung Quốc tăng thêm 5,4 triệu tấn và thép thô tăng 5,3 triệu tấn trong năm 2022.
Được biết, “hoán đổi công suất” là chương trình nhằm loại bỏ các nhà máy sản xuất thép cũ hoặc không hiệu quả, sau đó xây dựng các cơ sở mới có công suất tương đương.
Hiện Trung Quốc vẫn còn nhiều dự án luyện gang thép mới chưa hoàn thành trong năm vừa qua. Theo đó, với kế hoạch vận hành năm 2023, các nhà sản xuất thép Trung Quốc sẽ nâng công suất gang thỏi mới lên mức 118 triệu tấn/năm và công suất thép thô mới theo cơ chế hoán đổi lên tới 141 triệu tấn. Như vậy, công suất gang thỏi và thép thô của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ tăng lần lượt là 12 và 18 triệu tấn.
Trong bối cảnh nhu cầu thép của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giảm do nhu cầu cả trong và ngoài nước đều chững lại, việc Trung Quốc vận hành các dự án thép mới sẽ gây nhiều áp lực lên thị trường, khiến tình trạng mất cân đối cung - cầu ngày càng trầm trọng hơn trong năm 2023.
Được biết, mức sụt giảm của nhu cầu thép tại Trung Quốc trong năm 2022 còn lớn hơn mức giảm của sản lượng. Nguyên nhân của hệ quả này bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ của lĩnh vực bất động sản và sự bùng phát liên tục của Covid-19 trên khắp nước này.
Trên thực tế, lĩnh vực bất động sản chiếm hơn một phần ba sản lượng tiêu thụ thép của Trung Quốc. Tuy nhiên từ cuối năm 2021, thị trường này đã phải đối mặt với tình trạng sụt giảm thanh khoản và doanh số bán hàng đi xuống khi nhiều người mua nhà tẩy chay trả các khoản vay thế chấp do bất bình với các dự án xây dựng đình trệ.
Cũng theo S&P Global, ngoài hai động lực thúc đẩy nhu cầu thép hàng đầu là bất động sản và tiêu dùng trong nước, kế hoạch sản xuất của các nhà máy thép cũng góp phần gây áp lực giảm giá thép trên thị trường.
Kết quả là, trong một thị trường thừa cung, biên lợi nhuận thu được khi bán ra 1 tấn thép xây dựng đã giảm từ mức 129 USD hồi đầu tháng 2.2022 xuống mức 1,7 USD vào cuối tháng 12.
Ngoài những khó khăn của ngành bất động sản, lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự chững lại của hoạt động xây dựng trong nước và nhu cầu hàng hoá yếu hơn của nước ngoài.
Bước sang năm 2023, S&P Global cho rằng sự suy giảm nhu cầu thép trong lĩnh vực bất động sản năm nay sẽ không nghiêm trọng bằng năm 2022. Cùng với đó, hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc dự kiến sẽ khởi sắc hơn.
Thời gian tới, Trung Quốc có thể sẽ tìm cách kiểm soát tăng trưởng sản lượng thép trong nước và tập trung nhiều hơn vào các dự án hoán đổi công suất để ngành thép thân thiện với môi trường hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ đầu tư mở rộng công suất ở các nước Đông Nam Á để ngành thép khổng lồ của nước này tiếp tục vận hành một cách trơn tru, S&P Global dự đoán.
Đẩy mạnh sản xuất thép ở ASEAN
Bất chấp những thách thức tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp thép Trung Quốc vẫn đang cân nhắc đầu tư nhiều dự án mới vào các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Điều đó một lần nữa lại gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp thép trong nước vốn đã chịu nhiều áp lực.
Doanh nghiệp thép Trung Quốc dần chuyển hướng sang đầu tư vào Việt Nam
Sự chuyển dịch này được cho là xu thế tất yếu bởi Việt Nam và các nước ASEAN rất gần với Trung Quốc và trên thực tế, các doanh nghiệp thép của Trung Quốc đã có kế hoạch chuyển dịch sang thị trường này từ nhiều năm trước.
Được biết, các dự án thép mới do Trung Quốc hậu thuẫn đã xuất hiện vào cuối năm 2022, mới nhất là Esteel Enterprise, có kế hoạch xây dựng một nhà máy thép "xanh" trị giá 4,46 tỉ USD tại Sipitang, Sabah, Malaysia vào năm 2025.
Theo số liệu của Viện Sắt thép Đông Nam Á (SEAISI), nhu cầu thép tại ASEAN trong năm 2020 dự kiến đạt 77,9 triệu tấn, tăng khoảng 3,5% so với năm 2021. Tuy nhiên, nguồn cung thép tại khu vực này dự kiến sẽ vượt cầu nếu các dự án thép mới đi vào hoạt động ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Ước tính, tổng sản lượng thép sẽ tăng dần từ khoảng 90,8 triệu tấn lên 162,6 triệu tấn vào năm 2030.
SEAISI cho biết, phần lớn các nhà máy thép mới ở ASEAN là do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng, nhằm mục đích bán thép trở lại quốc gia này.
Với ngành thép Việt Nam, xu thế dịch chuyển đầu tư của Trung Quốc đang đẩy các doanh nghiệp thép nội địa vào tình thế khó khăn. Trước đây, thép nội địa đã phải chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh từ thực trạng thép nhập từ Trung Quốc tràn lan trên thị trường, nay nguy cơ này lại càng bị đẩy lên cao.
Theo đó, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn có đủ khả năng để xây dựng cơ sở sản xuất thép với quy mô lớn. Do đó việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào những mặt hàng mà Việt Nam có thể sản xuất là không cần thiết.
-
Trung Quốc mở cửa kinh tế, ngành thép và xi măng có được hưởng lợi?
Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam. Việc nước này mở cửa trở lại sẽ có những tác động nhất định đến nền kinh tế nước ta. Thép và xi măng là hai trong số những ngành được hưởng lợi từ động thái này.
-
Chuyện chưa từng có trong lịch sử đang xảy ra với quốc gia sản xuất thép lớn thứ hai thế giới
Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10/2024, Trung Quốc đã xuất khẩu 1,7 triệu tấn thép thành phẩm sang Ấn Độ, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
-
Rà soát chống bán phá giá thép hình chữ H Trung Quốc: Kết quả mới nhất đã có
Quyết định mới của Bộ Công Thương sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hình chữ H xuất xứ Trung Quốc ở mức 13,38%. Mức thuế này sẽ được áp dụng đến hết ngày 5/9/2027....
-
Một mặt hàng bị Mỹ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu, Việt Nam thu về 5,2 triệu USD khi xuất bán sang nước này
Tổng thống Mỹ, Joe Biden đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu với sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo từ polyester (Fine Denier Polyester Staple Fiber) nhập khẩu vào Mỹ.