23/04/2025 3:20 PM
Quý 1/2025, ngành thép Việt tăng tốc ở thị trường nội địa nhưng lại hụt hơi ở xuất khẩu. Lý do nằm ở đâu?

Tín hiệu khởi sắc: Sản lượng và tiêu thụ trong nước phục hồi mạnh mẽ

Sau giai đoạn trầm lắng của năm 2023 và sự phục hồi chậm trong năm 2024, quý I/2025 ghi nhận một bước tiến đáng kể về sản lượng và tiêu thụ thép nội địa.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép thành phẩm trong quý đầu năm 2025 đạt 7,5 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Không chỉ sản xuất tăng, tiêu thụ trong nước cũng cải thiện rõ rệt với tổng lượng thép bán ra đạt 7,5 triệu tấn, tăng tới 12,2%. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,4 triệu tấn, giảm 37,2% so với cùng kỳ.

Nhìn lại thị trường thép quý 1/2025: Nội địa khởi sắc- Ảnh 1.

Quý 1/2025, ngành thép Việt Nam chứng kiến sự phân hóa mạnh giữa thị trường nội địa và xuất khẩu

Tháng 3/2025 là tháng bùng nổ mạnh nhất trong quý. Chỉ riêng trong tháng này, sản lượng thép thành phẩm đạt 2,7 triệu tấn, tăng 25,3% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng thép tiêu thụ cũng đạt đỉnh 3 triệu tấn, tăng 25,6% so với tháng trước và tăng 26,4% so với cùng kỳ.

Theo VSA, sự hồi phục này đến từ nhiều yếu tố: đầu tư công tăng tốc trở lại sau Tết, nhu cầu xây dựng dân dụng phục hồi tại các đô thị lớn, cùng với động lực từ các khu công nghiệp mới tại miền Trung và phía Nam. Đây là chỉ báo tích cực cho thấy thị trường nội địa đang trở thành điểm tựa cho toàn ngành.

Nhìn lại thị trường thép quý 1/2025: Nội địa khởi sắc- Ảnh 2.

Sản xuất thép thành phẩm quý 1/2025 đạt 7,4 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2024. Nguồn: VSA

Biến động giá nguyên liệu: Áp lực hay cơ hội?

Một điểm nổi bật trong quý 1/2025 là sự điều chỉnh mạnh mẽ của giá nguyên liệu sản xuất thép. Trong khi giá bán thành phẩm có xu hướng ổn định thì chi phí đầu vào đang biến động theo chiều hướng giảm.

Quặng sắt loại 62 trung bình tháng 3/2025 ở mức 102,4 USD/tấn, giảm 6,5% so với cùng kỳ và giảm 4,2% so với tháng 2. Giá quặng sắt ngày 8/4/2025 giao dịch ở mức 95,7 USD/Tấn, giảm 5,6 USD so với thời điểm đầu tháng 3/2025.

Than mỡ luyện cốc, nguyên liệu chủ chốt cho sản xuất gang thép, ghi nhận mức giảm mạnh 36,5% so với cùng kỳ, hiện chỉ còn 175 USD/tấn.

Thép phế liệu nội địa dao động từ 8,2-9,4 triệu đồng/tấn, ổn định hơn so với biến động quốc tế. Trong khi đó, thép cuộn cán nóng HRC - nguyên liệu cho thép dẹt, có dấu hiệu tăng nhẹ từ đầu tháng 3 lên mức 510 USD/tấn, nhưng vẫn thấp hơn so với mặt bằng giá năm trước.

Nhìn lại thị trường thép quý 1/2025: Nội địa khởi sắc- Ảnh 3.

Bán hàng thép thành phẩm quý 1/2025 đạt 7,5 triệu tấn, tăng 12,2%

Sự giảm giá của nguyên liệu được xem là yếu tố tích cực giúp doanh nghiệp thép tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao biên lợi nhuận trong bối cảnh nhu cầu phục hồi. Tuy nhiên, xu hướng này cũng phản ánh áp lực chung của ngành thép toàn cầu khi cầu chưa đủ mạnh để giữ giá nguyên liệu ở mức cao.

Xuất khẩu thép gặp khó

Trái ngược với sự khởi sắc trong nước, thị trường xuất khẩu đang đối mặt với những rào cản ngày một lớn. Tháng 2/2025, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 828.000 tấn thép các loại, giảm khoảng 10% so với tháng trước đó và giảm 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 535 triệu USD, giảm 28,5% so với cùng kỳ.

Tính chung 2 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu hơn 1,74 triệu tấn, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2024. Giá trị xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD giảm 27%.

Nguyên nhân? Chính là làn sóng bảo hộ thương mại lan rộng trên toàn cầu.

VSA cho biết, đây đều là các thị trường xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam những năm qua, phụ thuộc vào từng mặt hàng. Vì thế, lượng và giá trị xuất khẩu của các mặt hàng thép (HRC, tôn mạ, ống thép...) đã biến động trái chiều.

Nhìn lại thị trường thép quý 1/2025: Nội địa khởi sắc- Ảnh 4.

Top 10 thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2025. Nguồn: VSA

Giá thép trong nước tăng nhẹ sau quyết định áp thuế

Bộ Công Thương vừa công bố quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc, nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước trước tình trạng nhập khẩu gia tăng mạnh mẽ.

Cụ thể, thép mạ từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế cao nhất là 37,13%, trong khi thép Hàn Quốc bị áp thuế tối đa 15,67%.

Các sản phẩm nằm trong phạm vi áp thuế là thép carbon cán phẳng (dạng cuộn hoặc không cuộn), có hàm lượng carbon dưới 0,6%, được phủ, tráng hoặc mạ kim loại chống ăn mòn như kẽm, nhôm, hợp kim... Đây là loại thép thường được sử dụng rộng rãi trong xây dựng dân dụng, nhà xưởng công nghiệp, sản xuất mái tôn, kết cấu thép nhẹ, nội thất…

Ngay sau khi chính sách có hiệu lực, thị trường trong nước đã ghi nhận nhiều doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán, với mức phổ biến từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn. Diễn biến này chủ yếu ghi nhận ở nhóm sản phẩm thép mạ kẽm, nhôm kẽm - vốn bị cạnh tranh mạnh từ hàng nhập khẩu giá rẻ trong thời gian qua.

Cụ thể, từ ngày 6/4, Hoa Sen đã điều chỉnh tăng giá bán các loại tôn, thép dày mạ và ống thép mạ kẽm thêm 100.000 đồng/tấn. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 trong vòng một tháng, sau đợt tăng 200.000 đồng/tấn từ ngày 4/3.

Mức tăng giá tuy không lớn, nhưng là tín hiệu rõ ràng cho thấy thị trường đang phản ứng với chính sách thuế, đồng thời phản ánh kỳ vọng cải thiện biên lợi nhuận sau thời gian dài giá bán thấp.

Song song với diễn biến trên, giá thép xây dựng cũng có dấu hiệu tăng theo. Các doanh nghiệp như Hòa Phát, Vina Kyoei, Shengli Việt Nam, VAS Nghi Sơn, Thép Việt Ý… đã đồng loạt tăng giá bán thêm 50.000 - 150.000 đồng/tấn, với lý do chi phí phôi thép và nguyên liệu đầu vào leo thang.

Từ ngày 3/3, Hòa Phát đã điều chỉnh giá bán thép xây dựng D10 các loại, tăng thêm 150.000 đồng/tấn. CTCP Tập đoàn VAS Nghi Sơn cũng quyết định tăng giá thép thanh D10 thêm 150.000 đồng/tấn, do biến động thị trường và chi phí nguyên liệu đầu vào leo thang.

Tương tự, công ty TNHH Thép Vina Kyoei, công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam thông báo tăng 50.000 đồng/tấn đối với thép cây D10 các loại. Thép Việt Ý cũng không nằm ngoài xu hướng khi điều chỉnh giá thép cây D10 tăng thêm 100.000 đồng/tấn, áp dụng trên toàn quốc.

Triển vọng quý 2 và phần còn lại của năm 2025

Dù phải đối mặt với không ít thử thách, các chuyên gia vẫn đánh giá cao triển vọng ngành thép Việt trong quý 2 và nửa cuối năm 2025.

Thứ nhất, đầu tư công được đẩy mạnh với loạt dự án hạ tầng lớn như Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành… sẽ là đầu ra ổn định cho thép xây dựng.

Thứ hai, giá nguyên liệu có khả năng giữ ở mức thấp, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa.

Thứ ba, chính sách trong nước hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là về tín dụng ngành vật liệu, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn trong giai đoạn phục hồi.

Tuy nhiên, muốn duy trì tăng trưởng bền vững, ngành thép cần làm được nhiều hơn: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ngoài các nước phát triển đang siết chính sách; Xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm thép Việt nhằm tăng khả năng thương lượng và giảm phụ thuộc vào bên mua; Tiếp tục xanh hóa sản xuất, vì các thị trường lớn đang gắn tiêu chuẩn khí thải vào điều kiện nhập khẩu.

Thị trường thép Việt Nam trong quý 1/2025 đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi vững vàng từ nội tại: tiêu thụ tăng mạnh, chi phí nguyên liệu giảm, đầu tư công tạo lực đẩy rõ rệt cho các doanh nghiệp trong ngành.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.