Vì vướng quy hoạch mở đường cho dự án Khu dân KP.1, P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) mà hàng trăm hộ dân đợi gần 30 năm không được cấp sổ hồng. Ảnh: H.GIANG
Những năm qua, mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân ở P.Long Bình Tân đều phản ánh tình trạng vướng mắc do quy hoạch dự án kéo dài không thực hiện. Tuy nhiên, đến nay những khó khăn trên vẫn chưa được giải quyết nên nhiều hộ đã bức xúc gửi đơn khiếu nại lên UBND TP.Biên Hòa, UBND tỉnh.
2 dự án “treo” gần 3 thập niên
Qua tìm hiểu, trên địa bàn P.Long Bình Tân hiện có 2 dự án kéo dài gần 30 năm chưa triển khai làm ảnh hưởng đến đời sống của hơn 500 hộ dân. Trong đó, có nhiều hộ là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được cấp đất từ năm 1985-1988. Ngoài ra, các hộ gia đình khác cũng sinh sống tại đây từ 35-50 năm. Do vướng vào quy hoạch dự án nên các hộ dân không được kê khai thửa đất để cấp sổ. Điều khiến các hộ dân bức xúc là dự án kéo dài nhiều năm không triển khai nhưng lại không bị Nhà nước tiến hành thu hồi và xóa quy hoạch để trả lại quyền lợi trên thửa đất cho người dân.
Ông Mai Thế Đài ở KP.1, P.Long Bình Tân chia sẻ: “Tôi nguyên là trung tá, giáo viên Học viện Lục quân được cấp đất ở KP.1, P.Long Bình Tân vào năm 1985. Đến năm 1991, đất khu vực này quy hoạch làm khu dân cư và một phần diện tích đất của gia đình tôi bị quy hoạch để mở rộng đường của dự án nên năm 1993, không được kê khai để cấp sổ hồng đồng loạt. Quy hoạch làm đường này kéo dài gần 30 năm không được triển khai, khiến gia đình tôi bị hạn chế tất cả quyền lợi trên mảnh đất”.
Cũng theo ông Đài, căn nhà của vợ chồng ông đã qua 3 thập niên, xuống cấp trầm trọng muốn xin sửa chữa, xây dựng lại cũng không được. Dự án khu dân cư ở KP.1 này hiện có 11 nút, ngã tư quy hoạch làm đường, mở rộng đường đã gần 30 năm chưa thực hiện khiến hơn 200 hộ dân không được cấp sổ hồng và vướng vào tình trạng như gia đình ông Đài. Dự án này do Công ty Đầu tư đô thị kinh doanh nhà làm chủ đầu tư. Đến năm 1998, công ty trên sáp nhập vào Công ty Kinh doanh nhà Đồng Nai (hiện là Công ty CP Kinh doanh nhà Đồng Nai).
Tiếp đến là dự án Phát triển hạ tầng và cây xanh tại KP.3 kéo dài trên 20 năm cũng không thực hiện khiến hơn 300 hộ dân tại đây cũng khốn khổ vì không được cấp sổ hồng. Khu vực trong dự án phần lớn là các hộ gia đình quân nhân được Bộ Quốc phòng cấp đất từ năm 1988. Cũng vì dự án “treo” mà người dân chưa được làm thủ tục để cấp sổ hồng, kéo theo hàng loạt những hệ lụy là nhà cửa xuống cấp, vào mùa mưa liên tục bị ngập lụt từ 0,5-1m nước nhưng lại không được phép sửa chữa, xây dựng lại nhà ở.
Bà Nguyễn Thị Hà ở KP3, P.Long Bình Tân bày tỏ: “Năm 1988, quân đội cấp đất cho nhiều gia đình quân nhân tại đây, những gia đình không vướng vào quy hoạch đều đã được cấp sổ hồng. Còn đất của gia đình tôi bị quy hoạch vào dự án Phát triển hạ tầng và cây xanh nên chưa được cấp sổ. Khu vực này trũng, hơn 10 năm nay, khi nào vào mùa mưa cũng ngập sâu cả mét nước, nhà cửa xuống cấp nhanh, nhưng xin cấp phép xây dựng lại thành phố không cho vì nói đất đang quy hoạch dự án”.
Hàng ngàn hộ khắc khoải
Ở KP.2, KP.3 P.Long Bình Tân còn có 2 dự án nữa cũng được giới thiệu địa điểm gần 20 năm chưa triển khai, khiến cho 3,4 ngàn hộ dân khắc khoải, điêu đứng vì quyền lợi trên mảnh đất của mình bị hạn chế.
Dự án Khu dân cư do Công ty CP Miền Đông làm chủ đầu tư đã gần 20 năm vẫn treo khiến người dân khổ sở. Ảnh: H.GIANG
Năm 2004, UBND tỉnh đã giới thiệu địa điểm cho Công ty CP Miền Đông (TP.Biên Hòa) thực hiện dự án khu dân cư tại KP2, KP3 với diện tích 49ha. Trong đó, có 20ha người dân sinh sống và canh tác từ trước năm 1975. Đến năm 2009, dự án trên được tách làm 2 dự án, gồm một dự án của Công ty CP Miền Đông 39ha, Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh 11ha. Theo thống kê hơn 10 năm trước thì 2 dự án trên có 2,9 ngàn hộ dân đang sinh sống. Tuy nhiên, do có nhiều thế hệ sinh sống cùng trong một gia đình nên hiện đã phát sinh thêm khoảng 500 hộ. Cũng do vướng vào quy hoạch dự án “treo” người dân mất đi nhiều quyền lợi của mình.
Đến thời điểm hiện nay, việc thực hiện dự án không còn khả thi vì để thu hồi 49ha đất trên, Công ty CP Miền Đông và Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh phải bố trí tái định cư cho 3,4 ngàn hộ, tương đương với 3,4 ngàn nền đất ở nơi mới. Với quy định của Bộ Xây dựng, đất ở dự án hệ số xây dựng tối đa 50% thì phải có khoảng 68ha đất sạch để xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân thuộc 2 dự án trên.
Ông Trần Văn Thức (KP.2, P.Long Bình Tân) cho biết: “Gia đình tôi mua đất về đây sinh sống từ năm 1993, đất đai có nguồn gốc rõ ràng nhưng chỉ vì dự án “treo” của Công ty CP Miền Đông mà không được cấp sổ hồng. Nhiều năm qua, tôi và các hộ dân ở đây kiến nghị UBND TP.Biên Hòa, UBND tỉnh, yêu cầu đầu tư thực hiện nhanh dự án, còn không đủ năng lực thì thu hồi dự án, xóa quy hoạch, cấp sổ hồng cho chúng tôi. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn “treo” làm khổ hàng ngàn hộ dân”.
Trước đó, ngày 19-11-2018, UBND TP.Biên Hòa có Văn bản số 16253/UBND-ĐT, giao cho Phòng Quản lý đô thị phối hợp với các phòng, ban liên quan và UBND P.Long Bình Tân rà soát hồ sơ dự án Khu dân cư KP.2, KP.3 P.Long Bình Tân do Công ty CP Miền Đồng làm chủ đầu tư việc thực hiện dự án. Nếu chủ đầu tư không tiếp tục triển khai dự án thì tham mưu UBND thành phố lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch xây dựng từ chức năng đất ở dự án sang đất ở hiện hữu theo quy định của pháp luật và tiến hành giải quyết quyền sử dụng đất cho người dân.
Ngày 2-10-2019, đại diện các phòng, ban của TP.Biên Hòa đã làm việc với Công ty CP Miền Đông và công ty này đã thống nhất không tiếp tục thực hiện dự án. Thế nhưng đến nay, dự án “treo” vẫn chưa được xóa để cấp sổ hồng cho dân. Gần 20 năm khốn đốn vì dự án chậm triển khai, hàng ngàn hộ dân ở đây chỉ mong mỏi thành phố, tỉnh sớm hủy bỏ dự án và quy hoạch “treo”, trả lại quyền lợi trên thửa đất mà đáng lý họ đã được hưởng từ nhiều năm trước. Hàng ngàn hộ dân ở đây sẽ còn tiếp tục phải đợi và chưa biết đến khi nào mới được giải quyết?
-
Bất động sản công nghiệp: Người đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Cả nước hiện có 370 khu công nghiệp trải dài trên 61/63 tỉnh, thành phố, nhưng chỉ có 8 địa phương là thị trường chủ lực với tỷ lệ lấp đầy cao (gần 90%) cho thấy thị trường bất động sản công nghiệp vẫn còn đó cảnh “người đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”.
-
Nhà máy điện 1,4 tỷ USD tại Đồng Nai “ấn định” thời gian vận hành thương mại, sẽ bổ sung 9 tỷ kWh điện mỗi năm
Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 có quy mô công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD. Khi chính thức phát điện thương mại, dự án sẽ bổ sung hơn 9 tỷ kWh điện mỗi năm.
-
Dự án nhà máy điện rác 2.300 tỷ tại huyện Vĩnh Cửu nhận chỉ đạo mới từ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai có tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 dự án có công suất xử lý 800 tấn/ngày, phát điện 20MW. Giai đoạn 2 nâng công suất ...
-
Tiến độ lập quy hoạch các đô thị Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành hiện đang đến đâu?
UBND tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và phát triển đô thị sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Trong đó có thông tin về tiến độ lập quy hoạch các đô thị trên địa bàn tỉnh....