Gần đây, thị trường bất động sản Cần Giờ liên tục đón nhận những thông tin mới về tiến độ của các siêu dự án với mức đầu tư lên tới hàng trăm nghìn tỉ. Liệu những thông tin mới có giúp sưởi ấm thị trường huyện đảo này?

Cần giờ trở lại tâm điểm của sự chú ý nhờ thông tin về các dự án quy mô lớn

Cần Giờ - huyện duy nhất của TP.HCM giáp biển gần đây lại trở lại tâm điểm của sự chú ý khi các liên tiếp xuất hiện các thông tin về tiến độ triển khai các dự án lớn.

Gần nhất, tại phiên họp của HĐND TP.HCM ngày 11/7 hé lộ thông tin mới về 2 dự án “ngủ yên” tại Cần Giờ đó là Khu đô thị lấn biển và Cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh, kết nối huyện đảo với huyện Nhà Bè. Lãnh đạo thành phố đã yêu cầu trong năm 2025 phải triển khai khởi công hai dự án này.

Được biết, dự án khu đô thị lấn biển có tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng, triển khai trên diện tích 2.870ha thuộc địa phận xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Dự án được ấp ủ từ năm 2007 và được phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5.000 vào năm 2018.

Phối cảnh dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ

Thời điểm này, thông tin về dự án đã thu hút các nhà đầu tư tìm về với huyện đảo Cần Giờ. Cơn sốt đất bùng phát từ thị trấn Cần Thạnh rồi lan sang các khu vực Long Hòa, Thạnh An, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông và Bình Khánh…

Đến năm 2019, tại Cần Giờ xuất hiện những con đường “vàng” với giá đất lên tới 40 - 50 triệu đồng/m2. Nhiều lô đất thổ cư tại các tuyến đường thuộc khu vực có nhiều người dân sinh sống được rao bán với mức giá 20 - 25 triệu đồng/m2, các công trình đã xây dựng trao tay với mức giá 35 - 40 triệu đồng/m2. Các nhà đầu tư cũng thu gom đất rừng, đất nông nghiệp với giá lên tới 5 - 6 tỉ đồng/lô mong cơ hội kiếm lời trong cơn sóng.

Năm 2020, thông tin về việc triển khai cầu Cần Giờ tiếp tục khiến thị trường bất động sản Cần Giờ dậy sóng. Theo đó, cây cầu bắc qua sông Soài Rạp lên kế hoạch khởi công trong quý 3/2021 và hoàn thành cuối năm 2024.

Thời điểm này, giá đất tại khu vực Cần Giờ liên tục ghi nhận những mức giá kỷ lục, đất nền đã có đường xá, quy hoạch ổn định cao nhất lên tới 80 triệu đồng/m2; đất nền chưa rõ quy hoạch, giá cũng tới 15-20 triệu/m2. Đất dưới 10 triệu/m2 gần như rất khó tìm.

Nhiều tuyến đường tại Cần Giờ có giá đất lên tới 80 triệu đồng/m2

Cơn sốt đất kéo dài đến giữa năm 2022 thì bắt đầu chững lại khi các dự án nghìn tỉ chỉ được triển khai “trên giấy” còn thực tế vẫn “đắp chiếu” thời gian dài. Những ảnh hưởng của chính sách siết chặt tín dụng bất động sản và lãi suất tăng liên tiếp khiến giới đầu tư không còn mặn mà với thị trường “vùng sâu, vùng xa”.

Đến đầu năm 2023, theo ghi nhận của một đơn vị nghiên cứu bất động sản, đất nền Cần Giờ đã mất giá từ 10-30% so với cùng kỳ năm 2022, có những khu vực giảm giá hơn 40%. Trong đó các loại hình đất rừng, đất làm muối từng được săn đón nay lại là phân khúc giảm giá mạnh nhất từ 25 - 30%.

Khảo sát các trang rao vặt, mức giá nhà đất thị trấn Cần Thạnh đang ở mức 15 -22 triệu đồng/m2, các căn nhà đã hoàn thiện thuộc các tuyến đường Duyên Hải, Lương Văn Nho có giá lên tới 45 - 50 triệu đồng/m2…. Giá đất nông nghiệp, đất rừng ở các xã Lý Nhơn, An Thới Đông đang ở mức 1 - 1,9 triệu đồng/m2.

Một môi giới tên Phan Trung (Cần Thạnh, Cần Giờ), cho biết giá nhà đất địa phương giảm mạnh do thiếu vắng giao dịch.

“Đa phần các sản phẩm ký gửi đều thuộc về các nhà đầu tư từ thành phố hoặc Bình Dương, Đồng Nai. Các sản phẩm này họ mua tất tay từ lúc sốt đất nên giờ khó bán. Mức giá họ đưa ra vượt quá khả năng của người dân địa phương còn người từ thành phố lại không hỏi han nhiều”, anh Trung cho biết.

Đất rừng, đất nông nghiệp Cần Giờ mất giá do thiếu vắng giao dịch

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Trần Khánh Quang lý giải sự sụt giảm giao dịch tại Cần Giờ là do thị trường huyện đảo không thu hút được nhiều nhà đầu tư ngắn hạn.

“So với các khu vực khác ở vùng lân cận trung tâm TP.HCM, đầu tư bất động sản Cần Giờ không thu về lợi nhuận quá lớn. Tại các khu vực khác, lợi nhuận mà các nhà đầu tư có thể đạt được khoảng 5-15%/năm, nếu thị trường tốt có thể thu về đến 30-50%/năm. Trong khi đó, đất nền Cần Giờ chỉ có thể tăng tối đa khoảng 5-10%”, ông Quang cho biết.

Cùng với đó các khu vực khác có thể lướt sóng trong khoảng từ 3-6 tháng thì ở Cần Giờ cần ít nhất cần một năm để thấy được mức độ tăng trưởng giá rõ rệt. Hầu hết người mua ở đây đều chuẩn bị tâm lý chờ đợi từ 2-3 năm, thậm chí chờ đến 5 năm.

Bên cạnh đó, ông Quang cũng cho biết, trong thời gian dài, tại Cần Giờ không có nhiều dự án mới được triển khai, “sức bật” của thị trường vẫn phụ thuộc vào hai dự án chính là cầu kết nối Cần Giờ với trung tâm TP.HCM và dự án khu đô thị lấn biển. Đây đều là các dự án có quy mô lớn và khó có thể hoàn thành trong thời gian ngắn.

Ghi nhận thực tế, hiện dự án khu đô thị lấn biển vẫn đang là bãi đất trống xanh màu cỏ, còn dự án cầu Cần Giờ hiện vẫn chưa có đấu hiệu được triển khai. Thời gian hoàn thành vẫn còn xa vời khi kế hoạch khởi động thi công sẽ phải chờ thêm hai năm nữa.

Dự án Khu đô thị lấn biển đến nay vẫn là bãi đất trống xanh màu cỏ

Tia hy vọng mới

Một dự án lớn tại Cần Giờ cũng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nhà đất thời gian gần đây đó là công trình “siêu cảng” trị giá 5,5 tỉ USD dự kiến được xây dựng tại khu vực Cù Lao Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ).

Dự án mang ý nghĩ kinh tế lớn được Thủ tướng Phạm Minh Chính quan tâm chỉ đạo. Các bộ, ngành và địa phương cũng đang rốt ráo chuẩn bị để có thể thực hiện kế hoạch khởi công dự án vào đầu năm 2024.

Siêu cảng này được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy tiến độ triển khai các công trình hạ tầng kết nối huyện đảo với trung tâm TP.HCM. Đây cũng là điều kiện để “sưởi ấm” thị trường bất động sản Cần Giờ sau thời gian dài nguội lạnh.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.