CafeLand – Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua địa phận huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai đang được gấp rút bàn giao mặt bằng sạch để có thể khởi công xây dựng trong quý 3/2021.

Dự án Đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Đồng Nai có 2 dự án thành phần là 1A và 2A. Dự án thành phần 1A có chiều dài hơn 8,7km, điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc TP.Thủ Đức (TP.HCM).

Huyện Nhơn Trạch thực hiện thu hồi khoảng 49ha đất của hơn 450 hộ dân trên địa bàn 2 xã Long Tân và Phú Thạnh. Hiện tại, các cơ quan chức năng của huyện đã thực hiện kiểm đếm hiện trạng sử dụng đất, xác nhận thẩm tra nguồn gốc đất, áp giá bồi thường và xét tái định cư. Còn khoảng 140 hộ dân đang chờ hoàn chỉnh hồ sơ để áp giá bồi thường hỗ trợ theo quy định.

Dự án thành phần 2A đoạn qua địa phận Đồng Nai có chiều dài khoảng 5km có điểm đầu giao cắt với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và điểm cuối giao cắt với đường 25B (huyện Nhơn Trạch). Dự án này đang trong quá trình kiểm đếm hiện trạng sử dụng đất.

Theo quy hoạch dự án Vành đai 3 dài hơn 90 km có tổng vốn đầu tư 55.000 tỉ đồng, chạy qua TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, chia làm 4 đoạn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức.

Dù được quy hoạch xây dựng từ hơn 10 năm, tuyến đường Vành đai 3 là dự án giao thông quan trọng giúp kết nối các đầu mối giao thông huyết mạch trong khu vực như cao tốc TP.HCM – Trung Lương, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, quốc lộ 1 và 22.

Tuy nhiên, tuyến đường Vành đai 3 đến nay chỉ mới hoàn thành được một phần nhỏ. Cụ thể, chỉ có đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn dài 16km là hoàn thành đưa vào sử dụng, các đoạn còn lại chưa thể khởi công do nhiều vướng mắc, trong đó có giải phóng mặt bằng.

Để thúc đẩy tiến độ của đường Vành đai 3, Bộ GTVT mới đây đã đề nghị các địa phương có dự án đi qua cho ý kiến để triển khai dự án.

Bộ GTVT cho biết, tổng kinh phí để đầu tư hoàn thiện toàn bộ tuyến Vành đai 3 cần khoảng 60.024 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 32.700 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 27.300 tỉ đồng.

Sở GTVT TP.HCM cũng đã gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND thành phố kiến nghị Trung ương được đầu tư sớm hai đoạn Bình Chuẩn – quốc lộ 22 và quốc lộ 22 – Bến Lức.

Cụ thể, đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22 dài 19km bắt đầu tư thành phố Thuận An, Bình Dương đến huyện Hóc Môn, TP.HCM có tổng vốn đầu tư hơn 11.700 tỉ đồng. Đoạn quốc lộ 22 – Bến Lức dài 29km bắt đầu từ huyện Hóc Môn đến đầu tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư hơn 12.600 tỉ đồng.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.