Những vướng mắc về thủ tục nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Tại hội nghị, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết những khó khăn thực tế của doanh nghiệp này khi lập thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội tại xã Tân Kiên (H.Bình Chánh, TP.HCM). Dự án có quy mô hơn 2.160 căn hộ, và Công ty Lê Thành đã nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư ở Sở Kế hoạch Đầu tư gần một năm nay nhưng chưa hoàn thành.
Ông Nghĩa cho rằng, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội nhưng đang phải xét duyệt hồ sơ theo quy định đối với dự án nhà ở thương mại. Vướng mắc của dự án này là sở ngành chưa tháo gỡ được về quy hoạch cho dự án.
Cụ thể, dự án xin lập dự án được quy hoạch chức năng nhà cao tầng, tối đa 15 tầng và mật độ xây dựng 30%. Tuy nhiên, hệ số sử dụng đất chỉ cho 2 nên chủ đầu tư không làm được.
Theo doanh nghiệp, nếu xây dựng 15 tầng cao, mật độ xây dựng 30% thì hệ số sử dụng đất phải cho lên 4,5. Nếu chỉ cho hệ số sử dụng đất là 2 tức đang áp hệ số của nhà thấp tầng để áp cho nhà cao tầng. Chưa kể theo quy định dự án nhà ở xã hội được phép tăng thêm 50% hệ số sử dụng đất.
Khi doanh nghiệp tính toán theo hướng áp dụng hệ số sử dụng đất là 2 để điều chỉnh chiều cao dự án xuống nhà ở thấp tầng, quy mô 5 tầng thì các sở cũng không cho vì khu vực này quy hoạch cao tầng. Các sở đã tổ chức họp tổ liên ngành nhiều lần nhưng không chốt được phương án giải quyết.
Ngoài ra, đây là dự án nhà ở xã hội nhưng doanh nghiệp đã tự lo về đất. Còn hơn 1.000m2 đất xen kẹt thì bị yêu cầu đem ra đấu giá, dẫn đến dự án bị kẹt suốt một năm không ra được.
Sau khi nghe doanh nghiệp trình bày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư giải trình.
Đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư dẫn Luật Đầu tư, cho rằng phải lấy ý kiến của các sở ngành, của Sở Quy hoạch Kiến trúc, và được trả lời là không phù hợp quy hoạch. Doanh nghiệp đề xuất mật độ xây dựng 39%, quy hoạch chỉ cho phép hệ số sử dụng đất có 2 nên vấn đề chưa giải quyết được.
“Sự phối hợp giữa các sở chỉ một việc nhỏ như thế thôi mà kéo dài gần 11 tháng trời. Việc đó chỉ cần làm trong một tuần thôi. Các ông thấy có bức xúc không? Chuyện được hay không được cũng phải hướng dẫn cho doanh nghiệp”, ông Phong phát biểu.
Về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng đúng ra Sở Quy hoạch kiến trúc phải thấy được sự mâu thuẫn giữa các con số. Các con số phải thống nhất, nếu tăng chiều cao thì mật độ cũng phải tăng. Cho con số mâu thuẫn thì tự mình giải quyết, cao 15 tầng thì hệ số phải là 4,5 chứ không thể nào là 2 được. "Cái này là lỗi kỹ thuật tính toán, cần kiểm tra và đưa ra đề xuất điều chỉnh”, ông Hoan yêu cầu.
“Chỉ một sự phối hợp không đồng bộ như vậy thôi cái giá phải trả là doanh nghiệp phải chờ đợi trong 11 tháng. Có những doanh nghiệp người ta phải đi vay, chờ đợi rất khó. Mai mốt mấy ông nghỉ hưu, làm doanh nghiệp, nghe chuyện này mấy ông mới thấy bức xúc như thế nào”, ông Phong nói.
Từ trường hợp của Lê Thành, ông Phong lưu ý những vấn đề này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm giảm nguồn thu ngân sách.
Từ đó, ông Phong lưu ý các sở ngành cần có những giải pháp quyết liệt hơn từ tổ chức công việc cho đến thực hiện các quy trình phải tuân thủ thời gian, đảm bảo giải quyết được kiến nghị của các doanh nghiệp.
-
Chờ “cởi trói” quá lâu, nhiều dự án bất động sản hoang phế
Tình trạng thủ tục pháp lý ách tắc, ngân hàng siết nguồn tín dụng khiến hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM rơi vào bế tắc và hoang phế.
-
Kiều hối về TP.HCM đạt 10 tỷ USD
Nếu tính lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 10,039 tỷ USD, Thời báo Ngân hàng dẫn lời ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM....
-
Thủ Đức 2040: Siêu đô thị 9 phân vùng với hơn 21.000 ha
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 202/QĐ-TTg, phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040, với mục tiêu trở thành đô thị sáng tạo, dẫn đầu kinh tế khu vực. Quy hoạch chia Thủ Đức thành 9 phân vùng chức năng,...
-
Hàng trăm km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có "bước ngoặt" mới
Hà Nội và TP.HCM đang khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.