30/08/2019 6:25 AM
Tình trạng thủ tục pháp lý ách tắc, ngân hàng siết nguồn tín dụng khiến hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM rơi vào bế tắc và hoang phế.

Dự án Dream Home Riverside bỏ hoang vì mãi không được cấp phép xây dựng. Ảnh: Gia Huy

Động thổ rồi nằm im

Dự án Centa Park nằm trong khu phức hợp 678 Âu Cơ có 4 mặt tiền, thuộc vị trí đắc địa ở quận Tân Bình. Dự án được chủ đầu tư là Công ty Seaprodex Saigon và Công ty cổ phần Thanh Niên hợp tác phát triển từ năm 2014 với quy mô công bố bao gồm 4 block 31 tầng với 4 tầng trung tâm thương mại và công viên 6.000 m2, số lượng 1.300 căn hộ.

Tuy nhiên, sau khi giới thiệu và động thổ để thử tải móng thì dự án tới nay đã không thể tiếp tục phát triển bởi lý do mà phía đại diện Công ty cổ phần Thanh Niên đưa ra, đó là Dự án khu phức hợp 678 Âu Cơ trước đây là khu đất kho bãi của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Saigon).

Sau khi mua được quỹ đất này, liên doanh hai công ty đã nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất thành đất nhà ở. Tuy nhiên, việc xin giấy phép này vẫn chưa thành công và khu đất trên vẫn chưa phải là đất ở, chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nên chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng.

Một dự án nữa mang tên Opal City của Đất Xanh Group được thông báo phát triển từ cuối năm 2017 và năm 2018 đã từng giới thiệu ra thị trường. Dự án nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 với thiết kế 8 block chung cư, cao 25 tầng mỗi block, số lượng lên tới 3.500 căn hộ chung cư dự kiến hoàn thiện năm 2020.

Thế nhưng, dự án này tới nay cũng “đứng hình” và dần trở nên hoang phế do quỹ đất nói trên được Đất Xanh Group mua lại từ một công ty nhà nước, hiện chưa thể chuyển đổi từ đất sản xuất sang đất nhà ở và chưa thực hiện được nghĩa vụ tài chính với cơ quan chức năng.

Tại quận 8, cuối năm 2017, Công ty cổ phần Nhà Mơ đã giới thiệu dự án mang tên Dream Home Riverside tại mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh. Dự án được giới thiệu xây dựng trên diện tích 51 ha, với hơn 2.000 căn hộ chung cư và chủ đầu tư đã tiến hành động thổ thử tải móng.

Tuy nhiên, tới nay dù đã qua 4 lần giới thiệu nhận đặt cọc giữ chỗ mua sản phẩm, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thể triển khai dự án. Lý do vì doanh nghiệp này mua quỹ đất trên từ một doanh nghiệp nhà nước và chưa thể hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng cũng như định giá được giá trị tiền sử dụng đất để làm thủ tục tài chính cho Nhà nước, nên vẫn chưa được cấp giấy phép xây dựng.

Cũng tại quận 8, năm 2018, Tập đoàn Hà Đô tiến hành làm nhà mẫu dự án mang tên Hà Đô Green Lane tại đường Phạm Thế Hiển. Dự án này Hà Đô thiết kế lên tới 1.000 căn hộ chung cư và theo đại diện Công ty, thì quỹ đất nói trên được Tập đoàn mua lại từ một doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước.

Sau đó, Công ty đã nộp hồ sơ xin thực hiện chuyển đổi đất sản xuất sang đất nhà ở và chuẩn bị máy móc cũng như làm nhà mẫu để khi có đủ hồ sơ pháp lý thì sẽ tiến hành phát triển và giới thiệu ra thị trường ngay trong năm 2018. Thế nhưng tới nay, hồ sơ đã nộp lên UBND TP.HCM hơn 1 năm nhưng vẫn chưa được cấp phép, nên dự án đành bỏ hoang.

Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam Land cũng đang “mắc kẹt” một dự án tại đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7. Dự án này Him Lam thiết kế khoảng 400 căn chung cư, trong đó có một số căn officetel. Tuy nhiên, do chính quyền TP.HCM đang dừng cấp phép sản phẩm officetel nên cả dự án cũng tắc luôn. Trong khi đó, lãnh đạo Him Lam Land cho biết, đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã thử tải móng năm 2017, nhưng đành bỏ hoang từ đó đến nay.

Không chỉ vướng thủ tục với dự án tại đường Nguyễn Hữu Thọ, chung cư SaiGon Madison số 11D đường Thi Sách, quận 1 với 270 căn hộ của Him Lam cũng chưa thể phát triển dù chủ đầu tư đã tiến hành thử tải móng và máy móc xây dựng để ở đây từ lâu.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết, thủ tục là khâu vướng nhất khiến vài năm nay, Công ty chưa thể ra mắt một dự án mới nào tại TP.HCM.

Với Công ty TNHH Bất động sản Trung Thủy, Dự án Landcaster Legacy tại số 230 Nguyễn Trãi, quận 2 gồm 419 căn hộ chung cư cũng đã lâu không thể triển khai vì đang vướng khâu chuyển nhượng đất từ đất công sang cho doanh nghiệp.

Hay Dự án CT Plaza Nguyên Hồng (số 18 Nguyên Hồng, phường 1, quận Gò Vấp) do Công ty cổ phần Nguyên Hồng làm chủ đầu tư dự kiến cung ứng khoảng 280 căn hộ có diện tích 55 - 76 m2 và 18 căn shophouse có diện tích khoảng từ 220 - 470 m2.

Năm 2017, dự án được quảng cáo rầm rộ nên đã thu hút nhiều khách hàng đặt mua. Theo hợp đồng, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà vào quý IV/2019, nhưng hiện dự án chỉ mới thi công được phần móng và đang có dấu hiệu “đứng hình”…

Hơn 170 dự án nằm đợi hồ sơ pháp lý

Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM, hiện ở địa phương này có đến 170 dự án đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc công nhận chủ đầu tư nhưng bị ách tắc thủ tục công nhận chủ đầu tư hoặc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, trong đó có 44 dự án đã có chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nguyên nhân, theo quy định trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại bằng hình thức chỉ định đầu tư, dự án phải có đất ở 100% nhưng thực tế, có đến 74,1% dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (đất ở, đất nông nghiệp, đất kênh rạch). Hiện Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn này cho doanh nghiệp.

Ông Thủy, tổng giám đốc một công ty bất động sản có trụ sở ở quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, cách nay 3 năm, ông có xin đầu tư một dự án căn hộ chung cư ở phường An Phú, quận 2, với tổng diện tích gần 5.000 m2. Công ty ông tuân thủ đầy đủ thủ tục, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận chủ đầu tư và phê duyệt quy hoạch 1/500.

Nguyên nhân, khu đất Nhà nước giao cho ông có khoảng 300 m2 đất công dôi dư do giải tỏa mở rộng xa lộ Hà Nội. Chờ đợi quá lâu, ông xin trả lại phần đất công này cho Nhà nước và đóng tiền sử dụng đất phần còn lại để triển khai thi công dự án nhưng cơ quan chức năng không đồng ý. Trong khi đó, dự án không được triển khai, công ty thường xuyên nợ lương, hơn 50% trong số 500 nhân viên nghỉ việc.

“Nếu tình trạng này kéo dài thêm một thời gian nữa, công ty có nguy cơ phá sản”, ông Thủy lo lắng.

Vì vướng thủ tục pháp lý cho quỹ đất nên dù đã chi hàng ngàn tỷ đồng cho việc giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ dự án…, nhưng các doanh nghiệp không thể phát triển dự án nhiều năm và họ đối mặt với khó khăn lớn khi lãi mẹ đẻ lãi con. Đơn cử như Công ty Vietcomreal từ năm 2016 tới nay không có một dự án bất động sản nào mới được mở bán dù doanh nghiệp này có quỹ đất lớn trong tay.

Hay như Tập đoàn Đất Xanh, một doanh nghiệp từng có giai đoạn đứng đầu TP.HCM về việc ra dự án mới hàng năm, nhưng từ năm 2017 tới nay cũng không thể giới thiệu một dự án bất động sản mới nào ra thị trường.

Còn Công ty C.T Group sau năm 2014 bán Dự án Léman Luxury tại đường Nguyễn Đình Chiểu thì tới nay cũng không phát triển được dự án nào mới dù công ty này có quỹ đất để phát triển dự án đều hàng năm…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, qua 7 tháng đầu năm 2019, Hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản ngày càng lo ngại trước tình trạng hàng loạt dự án bất động sản bị ách tắc, hoặc không được các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết thủ tục kịp thời.

“Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung - cầu sẽ kéo theo việc tăng giá. Nhà nước cũng thất thu ngân sách, doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản”, ông Châu cho biết.

Gia Huy (BĐTBĐS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.