02/11/2022 8:16 PM
Các nhà phát triển bất động sản Nhật Bản đang tăng cường hiện diện tại Đông Nam Á để hưởng lợi từ nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ của khu vực.

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động xây dựng và bán nhà trong suốt 2 năm qua, nhưng quy mô và sự phát triển của tầng lớp giàu có và trung lưu trong khu vực đã thúc đẩy các hoạt động kinh tế về mức trước đại dịch, đồng thời thổi một làn gió tốt lành vào thị trường bất động sản. Trong bối cảnh này, các công ty bất động sản lại phải đối mặt với những thách thức mới, chẳng hạn như chi phí nguyên vật liệu tăng cao và tình trạng thiếu lao động.

Tiềm năng thị trường

Ở ngoại ô Bangkok, các nhà đầu tư Nhật Bản và đối tác địa phương đang phát triển một số dự án nhà ở cùng hàng loạt tiện ích hấp dẫn để thu hút các khách hàng giàu có.

Kensaku Tanabe, đại diện một nhà đầu tư Nhật Bản, cho biết: “Có những thời điểm, thị trường Thái Lan không ổn định. Tuy nhiên, mọi chuyện đang tốt lên và chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ để kịp với đà hồi phục này”.

Các công ty liên kết với Nhật Bản đang nhắm mục tiêu đến các tầng lớp giàu có và trung lưu đang phát triển ở Đông Nam Á.

Theo Ngân hàng Thế giới, tổng sản phẩm quốc nội của Malaysia là 11.371 USD trên đầu người vào năm 2021, cao hơn khoảng ba lần so với 20 năm trước. Trong khi đó, con số của Thái Lan là 7.233 USD, tăng gấp bốn lần trong cùng khoảng thời gian. Những con số này có thể sẽ còn cao hơn nếu chỉ tính số liệu ở các thành phố lớn.

Nói chung, khi GDP bình quân đầu người vượt quá 3.000 USD, một quốc gia được coi là một xã hội tiêu dùng. Do đó, nhu cầu đối với bất động sản ở Đông Nam Á rất cao.

Mặc dù các quốc gia trong khu vực thường hạn chế công dân nước ngoài mua bất động sản, các nhà quan sát cho rằng các quy định tương đối mềm dẻo đối với nhà chung cư cao cấp và các bất động sản khác ở khu vực đô thị có thể là cơ sở để thu hút đầu tư ra nước ngoài.

Trước đại dịch, nhiều người Trung Quốc và công dân nước ngoài khác đã đầu tư vào nhà ở tại Đông Nam Á. Nhưng xu hướng này dần chậm lại, một phần do hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19. Trong bối cảnh này, thị trường bất động sản lại được thúc đẩy nhờ sức mua của khách hàng trong nước.

Tại Manila, các tòa chung cư kết hợp với trung tâm thương mại cao cấp được thiết kế theo phong cách Nhật Bản đang hấp dẫn những khách hàng trong nước giàu có.

“Một số người giàu ở Đông Nam Á sở hữu hai bất động sản - một ở trung tâm thành phố và một ở ngoại ô”, nguồn tin từ một nhà phát triển bất động sản lớn của Nhật Bản cho biết. “Thị trường khu vực này hiện rất bền vững”.

Thách thức phía trước

Tuy nhiên, những thách thức mới đã xuất hiện. Giá nguyên vật liệu tăng vọt do lạm phát trên toàn cầu gây ra bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine và việc tăng lương cho người lao động tại địa phương sẽ đẩy giá bất động sản lên cao.

Tại một số quốc gia, chẳng hạn như Việt Nam, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phát triển quá nóng. Chính phủ đang đưa ra nhiều chính sách để giảm giá nhà, bao gồm hạn chế dòng vốn tín dụng.

Ngoài ra, thị trường bất động sản Đông Nam Á cũng thiếu lao động. Ở Thái Lan và Malaysia, nhiều lao động nước ngoài tạm thời về nước do đại dịch. Nhưng thủ tục tái nhập cảnh mất nhiều thời gian đã và đang làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực.

Một quan chức của một công ty lớn có liên doanh với Nhật Bản đang hoạt động tại Thái Lan cho biết: “Nếu tình trạng thiếu lao động trở nên nghiêm trọng hơn, tiến độ của dự án sẽ chậm lại. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đảm bảo có đủ nguồn nhân lực”.

Lam Vy (JPN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.