28/04/2023 3:16 PM
Nhiều ý kiến của đại diện doanh nghiệp bất động sản đã được đưa ra với kỳ vọng sẽ lấy lại được niềm tin cho nhà đầu tư, khách hàng, vực dậy thị trường trong thời gian tới.

Ảnh minh hoạ

Doanh nghiệp sẵn sàng giảm lợi nhuận

Tại hội thảo “Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế” mới đây, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết Hưng Thịnh nói riêng và các doanh nghiệp bất động sản nói chung sẵn sàng giảm giá “âm” vào lợi nhuận tích lũy 10 năm trước để thu hút nhà đầu tư trở lại thị trường.

“Mất mát lớn nhất hiện nay là các khách hàng, các nhà đầu tư mất niềm tin vào lĩnh vực bất động sản. Do đó, các doanh nghiệp đang làm mọi cách để khách hàng an tâm quay trở lại xây nhà, sửa nhà, mua nhà”, ông Dũng phát biểu.

Theo ông Dũng, lâu nay nhiều người đã có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với ngành bất động sản vì cho rằng lợi nhuận lớn lắm, doanh nghiệp mua rẻ bán đắt. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp bất động sản phải nỗ lực quản trị tài chính, kiểm soát cân đối thu chi rất rõ ràng minh bạch.

Những khoản chênh lệch lớn, nếu có thì nằm trong các thành phần tham gia khác như các nhà đầu tư thứ cấp, những người mua sau bán sang tay đẩy giá lên cao để hưởng lợi. Thực chất đây không phải là lợi nhuận của chủ đầu tư.

Thậm chí, hiện nay doanh nghiệp sẵn sàng bán không lợi nhuận các dự án, chấp nhận ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp tích lũy trong 10 năm qua với mong muốn lớn nhất là khách hàng đồng ý xuống tiền, thu hút người tiêu dùng quay trở lại, gây dựng niềm tin cho thị trường.

Đối với những trái chủ, những người đầu tư trái phiếu của Hưng Thịnh, doanh nghiệp đã có những buổi đối thoại trực tiếp và nhận được phản hồi thông cảm, an tâm và tiếp tục đồng hành của các trái chủ bởi chúng tôi có tài sản để đảm bảo.

Ông Dũng chia sẻ không biết vì lý do gì mà mọi người không thừa nhận, thậm chí có cái nhìn mất thiện cảm đối với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản.

Do đó, vị này cho rằng trước hết cần giải quyết câu chuyện khủng hoảng niềm tin, xuất phát từ một số sai phạm của các tổ chức kinh doanh trong năm 2022, dẫn đến các vụ bắt bớ, cần phải xử lý như thời gian qua.

Để giải quyết tình hình này, Chính phủ sau đó cũng đã có nhiều động thái nhằm “vá lỗ hổng” chính sách nhưng đáng tiếc thị trường vẫn cần nhiều thời gian để tiếp nhận.

Việc chính sách thay đổi đột ngột, cùng với việc siết chặt tín dụng và tăng lãi suất từ năm 2022 càng khiến các nhà đầu tư thêm hoang mang, bất an, sự khủng hoảng niềm tin đã kéo theo những ảnh hưởng trực tiếp đối với nền kinh tế.

Do vậy, để lấy lại niềm tin từ khách hàng, đại diện Hưng Thịnh cho biết các doanh nghiệp cần phải tái cấu trúc hoạt động trong thời điểm khó khăn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những giải pháp để kiểm soát các thành phần tham gia vào thị trường, kiểm soát các kênh thứ cấp, bao gồm kiểm soát cả việc tư nhân mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp để giá bất động sản phù hợp với khả năng của người dân.

Ông Phạm Lâm, Chủ tịch Tập đoàn DKRA, cũng đồng quan điểm, cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là củng cố niềm tin cho bên mua.

Trước đây, gói 30.000 tỉ đồng đã ngay lập tức có tác động đến thị trường thời kỳ khủng hoảng. Gói tín dụng với lãi suất thấp khi đó đã kích hoạt phân khúc nhà ở xã hội và lan tỏa ra cả thị trường bất động sản hồi phục nhanh chóng. Trong khi đó, hiện nay, Ngân hàng nhà nước đang "tung" gói 120.000 tỉ đồng nhưng không ăn thua vì lãi suất còn cao so với thu nhập của người dân đang giảm sút thê thảm.

Theo ông Lâm, cần giảm lãi suất về mức 5-6% cho cả nhà ở xã hội và nhà thương mại như trước để "kéo" người dân tham gia thị trường. Nếu làm được điều này sẽ thúc đẩy người mua tham gia thị trường.

Sửa luật theo hệ thống

Ở góc độ chuyên gia, TS. Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, kiến nghị phải xem xét đánh thuế đầu cơ bất động sản. Đồng thời, tập trung tập trung gỡ vướng pháp lý, Chính phủ có thể tạm thời ban hành văn bản gỡ vướng cho một số dự án trong khi về lâu dài chờ sửa các luật liên quan.

Ông Điền cũng đưa ra kiến nghị liên quan đến nhiều dự án có nguồn gốc từ đất công. Theo ông, Chính phủ cần xem xét giao đất cho doanh nghiệp để họ có thể tạo vốn cho sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thuế cho nhà nước, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Nguồn thu đó sẽ cao hơn nhiều so với tiền thuế sử dụng đất.

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng không đặt vấn đề giải cứu thị trường bất động sản mà phải đặt trong bài toán giải quyết đồng bộ cùng thị trường tài chính. Ông đề nghị các doanh nghiệp bất động sản lớn phải tự tái cơ cấu trước để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Về vốn, trái phiếu, tín dụng, các giải pháp hiện nay đang theo hướng gỡ. Tuy nhiên, theo ông Lịch, phải có quan điểm không thể sửa luật kiểu như hiện nay mà phải sửa toàn bộ hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản từ khi bắt đầu dự án cho tới triển khai.

Bà Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Thăng Long, đề xuất cần có chính sách giảm lãi suất ngân hàng để người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng mua nhà với mức lãi suất ổn định như những năm trước từ 9-10%. Khi khách mua nhiều hơn thì doanh nghiệp cũng khơi thông được dòng tiền.

  • Đã đến lúc mua đất nền “cắt lỗ”?

    Đã đến lúc mua đất nền “cắt lỗ”?

    Giới quan sát thị trường cho biết từ tháng 8.2022 đến nay, thị trường liên tục giảm, thanh khoản kém nên xảy ra tình trạng nhiều nhà đầu tư phải “cắt lỗ” sâu trước áp lực tài chính.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.