Thị trường bất động sản ở Hà Nội và TP.HCM đang ghi nhận những diễn biến trái ngược về giá ở một số phân khúc.
Đất nền, căn hộ bình dân tăng giảm trái chiều
Báo cáo thị trường bất động sản quý 3-2021 của Bộ Xây dựng vừa công bố cho thấy, nhìn chung, giá đất nền không thay đổi so với quý trước.
Tại khu vực miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội, giá đất nền vẫn ở ngưỡng cao, hầu như chưa giảm so với quý 2.
Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, thị trường đất nền có dấu hiệu giảm giá cục bộ ở một số dự án và khu vực tại TP. HCM và các tỉnh giáp ranh. Mức giảm 5-7% so với tháng 5 (giai đoạn trước khi dịch bùng phát mạnh).
Tại Hà Nội, đất dự án tại khu đô thị mới Đại Kim – Định Công có giá khoảng 46 triệu đồng/m2, khu đô thị Thanh Hà Mường Thanh có giá khoảng 34 triệu đồng/m2, dự án Eurowindow Twin Parks có giá khoảng 94 triệu đồng/m2, khu đô thị Kim Chung – Di Trạch có giá khoảng 52 triệu đồng/m2.
Tại TP. HCM, giá đất nền tại khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi quận 2 có giá khoảng 114 triệu đồng/m2, dự án An Phú – An Khánh tại quận 2 có giá khoảng 211 triệu đồng/m2, dự án Huy Hoàng tại quận 2 có giá khoảng 212 triệu đồng/m2, dự án The Everich III tại quận 7 có giá khoảng 110 triệu đồng/m2, khu dân cư Sở Văn hóa thông tin tại quận 9 có giá khoảng 72 triệu đồng/m2.
Tại Đà Nẵng, dự án Làng Châu Âu (Euro Village) tại quận Sơn Trà có giá khoảng 84 triệu đồng/m2, dự án One River tại quận Ngũ Hành Sơn có giá khoảng 52 triệu đồng/m2, dự án Khu đô thị Nam Cầu Tuyên Sơn tại quận Ngũ Hành Sơn có giá khoảng 43 triệu đồng/m2.
Tại Hải Phòng, dự án ICC Quán Mau tại quận Lê Chân có giá khoảng 61 triệu đồng/m2, dự án Him Lam Hùng Vương tại quận Hồng Bàng có giá khoảng 29 triệu đồng/m2, dự án Khu đô thị Bắc Sông Cấm tại huyện Thủy Nguyên có giá khoảng 28 triệu đồng/m2, dự án Khu đô thị mới Cựu Viên tại quận Kiến An có giá khoảng 22 triệu đồng/m2.
Ở phân khúc căn hộ bình dân, Bộ Xây dựng cho biết giá rao bán tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có xu hướng tăng.
Cụ thể, tại TP.HCM tăng khoảng 2%, Bình Dương tăng khoảng 4%, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng khoảng 5%.
Trong khi đó, tại Hà Nội, Đà Nẵng và Khánh Hòa, giá rao bán căn hộ chung cư giảm khoảng 2-4% so với quý 2.2021.
Bất động sản công nghiệp chao đảo
Bất động sản công nghiệp là phân khúc tiềm năng của thị trường bất động sản, do Việt Nam đang dần trở thành “bến đỗ” của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, từ đầu năm đến nay, đặc biệt là quý 3 vừa qua, việc tái bùng phát dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp đã khiến thị trường này trở nên chao đảo.
Hoạt động giãn cách xã hội kéo dài, chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, xuất nhập khẩu đình trệ khiến một số doanh nghiệp phải chuyển dịch đơn hàng khỏi Việt Nam để ứng phó với tình hình dịch bệnh.
Điều đáng nói là tuỳ vào mức độ ảnh hưởng của Covid-19, bất động sản công nghiệp hình thành nên những bức tranh khác nhau giữa hai miền Bắc – Nam.
Tại miền Nam, do ảnh hưởng nặng hơn từ dịch bệnh với số ca nhiễm F0 tăng cao, thị trường cũng trở nên trầm lắng, không có nguồn cung mới và giá thuê không tăng.
Toàn thị trường không ghi nhận giao dịch nào đáng chú ý ở cả lĩnh vực đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn. Tỷ lệ lấp đầy khoảng 85-87%.
Trong khi đó, do kiểm soát dịch tốt hơn, thị trường miền Bắc vẫn sôi động với nhiều nguồn cung mới, giá thuê trở lại đà tăng nhanh.
Giá đất công nghiệp trung bình toàn khu vực miền Bắc đạt 108 USD (khoảng 2,5 triệu đồng)/m2, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê nhà xưởng sản xuất cũng duy trì đà tăng ở mức 4,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 4,6 USD (khoảng 106.000 đồng)/m2 mỗi tháng.
Nguồn cung mới tại miền Bắc được ghi nhận chủ yếu từ khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên), khu công nghiệp Yên Phong 2C (Bắc Ninh), khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng). Ngoài ra, thị trường ở các tỉnh như Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc cũng có nhiều dự án lớn.
Nhìn chung, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ những lợi thế về nguồn nhân lực, các hiệp định thương mại tự do đa dạng và những cam kết của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng. Vì vây, khi dịch sớm được kiểm soát, bất động sản công nghiệp sẽ là “điểm sáng” của thị trường.
Mặc dù vậy, theo dự báo của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản từ nay đến hết năm 2021 sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng. Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.
-
Văn Phú - Invest muốn chuyển nhượng 30% vốn góp tại Hà Phú Riverland
Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (mã: VPI) vừa công bố Nghị quyết số 1401-03/TLNQ-HĐQT của HĐQT công ty về việc chuyển nhượng cổ phần tại công ty thành viên.
-
Chủ tịch HĐQT FLC Faros xin từ nhiệm
Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã: ROS) vừa thông báo nhận được đơn từ nhiệm của ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), với lý do cá nhân, theo văn bản đề ngày 13/1.
-
Đơn giá xây dựng mới về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất tại Hà Nội
UBND TP. Hà Nội vừa Ban hành đơn giá xây dựng mới về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất để làm căn cứ tính bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội....