Vừa nghỉ Tết, các công ty bất động sản vừa chuẩn bị 2-3 kế hoạch dự phòng để ứng phó với biến số dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Trước thềm xuân Tân Sửu, Việt Nam ghi nhận bốn biến chủng nCoV, nhiều tỉnh thành xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng buộc phải phong tỏa các cụm dịch, cách ly người về từ vùng dịch và người thuộc diện nghi nhiễm. Diễn biến này lập tức đảo lộn mọi hoạt động ngày Tết của người dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng phải tính đến các phương án dự phòng cho năm Tân Sửu đầy thách thức. Riêng với các công ty địa ốc, kỳ nghỉ Tết nhiều khả năng sẽ kéo dài thêm và các phương án kinh doanh đang thay đổi theo biểu đồ chống dịch.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group cho biết, công ty không chủ quan nhưng cũng không sợ hãi khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại vì tin tưởng Chính phủ rất quyết liệt phòng chống dịch bệnh, đồng thời doanh nghiệp cũng đã có kinh nghiệm vượt khó thời gian qua. "Nếu xảy ra một hay nhiều đợt dịch nữa ban ứng phó Covid-19 của công ty luôn sẵn sàng tác chiến. Chúng tôi sẽ có nhiều kế hoạch kinh doanh thay thế để thích nghi với từng hoàn cảnh", ông nói.

Dù dịch đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trong những ngày sát Tết, ông Quyền cho hay, năm 2021 công ty vẫn giữ mục tiêu tung ra thị trường 3-4 dự án vùng ven, cung cấp 3.000-4.000 sản phẩm nhà liền thổ xây sẵn. Tùy vào diễn biến của việc phòng chống dịch bệnh do Chính phủ chỉ đạo, công ty sẽ thay đổi các mục tiêu kinh doanh phù hợp từng thời điểm.

Thị trường bất động sản TP Thủ Đức. Ảnh: Hữu Khoa.

Ông Quyền tiết lộ, năm ngoái công ty đã 3 lần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh (hạ chỉ tiêu xuống thấp hơn kỳ vọng) để thích ứng với diễn biến của 2 đợt dịch. Ban đầu công ty dự kiến giới thiệu ra thị trường 3-4 dự án mới nhưng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên đã giảm rổ hàng xuống. Công ty chỉ tung ra 2 dự án mới với gần 2.000 sản phẩm chào bán ra thị trường giáp ranh TP HCM kèm theo chiến dịch bán nhà phố tặng nền đất và được nhiều nhà đầu tư đón nhận.

Với kinh nghiệm vượt khó từ năm 2020, công ty sẽ không cắt giảm nhân sự và không giảm lương để tạo động lực cho người lao động nỗ lực cống hiến đồng thời chuẩn bị các chương trình bán hàng mùa dịch để kích cầu. "Năm 2021 công ty sẽ có 2-3 kế hoạch dự phòng để ứng phó nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp", ông Quyền tiết lộ.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản niêm yết tại sàn chứng khoán TP HCM tiết lộ các kế hoạch kinh doanh cho năm 2021 hầu như đã được thông qua từ đầu tháng 1, vì vậy khi dịch bùng phát trở lại vào những ngày nghỉ Tết, công ty rốt ráo chuẩn bị phương án dự phòng kế hoạch B.

Theo đó, kế hoạch ban đầu (kế hoạch A) sẽ được bảo lưu nếu dịch được kiểm soát và dứt hẳn trong quý I, mục tiêu doanh thu nghìn tỷ và lợi nhuận tăng trưởng 35% so với năm 2020. Trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp và kéo dài sang quý II, kế hoạch B sẽ được triển khai, mọi chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cũng hạ xuống còn một nửa. Chi phí cho các hoạt động marketing bán hàng cũng sẽ giảm xuống nếu dịch kéo dài vì có thể ảnh hưởng đến sức mua và quyết định đầu tư.

Trong khi đó, tổng giám đốc một công ty bất động sản có trụ sở tại quận Bình Thạnh đang phát triển dự án nhà ở tại TP Thủ Đức tiết lộ ban đầu kế hoạch kinh doanh 2021 đầy lạc quan và tham vọng. Thế nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 những ngày sát Tết, công ty đã hạ mục tiêu kinh doanh xuống mức thận trọng, giảm 50% so với ban đầu. Do đặc thù bất động sản là tài sản giá trị cao, đại dịch có thể ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền chi trả từ phía người mua, công ty tính đến phương án chủ động giãn tiến độ thanh toán dài thêm 12 tháng nữa so với chương trình bán hàng dự kiến để kích cầu.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết, không chỉ có các doanh nghiệp bất động sản phải thay đổi kế hoạch bán hàng, tâm lý của người mua nhà đất để ở lẫn đầu tư chắc chắn cũng thay đổi rất nhanh khi đại dịch bùng phát trở lại.

Theo ông Quang, tâm lý "tiền mặt là vua" có thể sẽ xuất hiện dẫn đến việc tích trữ tiền mặt để phòng thủ sẽ tăng cao và làn sóng do dự có thể bao trùm thị trường ít nhất trong quý đầu tiên của năm 2021. Điều này thách thức các doanh nghiệp phải giành thế chủ động, phản ứng nhanh với việc điều chỉnh sản lượng hàng hóa, chủng loại sản phẩm, thậm chí là có chiến lược về giá phù hợp để vừa duy trì hệ thống vượt qua đại dịch vừa kinh doanh hiệu quả.

Minh Lê

Minh Lê (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.