Số lượng doanh nghiệp giải thể trong lĩnh vực bất động sản tăng cao
Mỗi tháng “rụng” 107 doanh nghiệp
Kể từ khi thị trường bất động sản Việt Nam bước vào giai đoạn khó khăn từ nửa đầu năm 2022, một cuộc “thanh lọc” số lượng nhân sự cũng như doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã diễn ra khốc liệt.
Thời điểm cuối tháng 6/2023, một doanh nghiệp bất động sản lớn có trụ sở tại TP.HCM cho biết, nhân sự của tập đoàn hiện chỉ còn 2.390 nhân viên, giảm tới 5.002 người, tương đương gần 68% so với cùng thời điểm năm 2022.
Con số này cũng là mức thấp nhất trong 5 năm gần đây của doanh nghiệp. Thậm chí, năm 2020 khi doanh thu sụt giảm mạnh vì dịch Covid-19 thì số lượng nhân viên cũng ở mức 4.564 người.
Số lượng doanh nghiệp bất động sản mới đăng ký thành lập giảm hơn một nửa so với năm 2022
Chỉ vài năm trước, môi giới bất động sản là nghề hấp dẫn bởi thu nhập không giới hạn. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua đã chứng kiến làn sóng lao động tháo chạy khỏi ngành này.
Không chỉ nhân sự, hàng trăm doanh nghiệp bất động sản cũng phải đối diện với khó khăn chưa từng có. Trong khi những “ông lớn” với nguồn lực và tầm ảnh hưởng vẫn đang cố gồng gánh thì rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải nói lời “chia tay”.
Theo Tổng Cục Thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, bất động sản luôn dẫn đầu về sự tụt giảm doanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp giải thể trong các lĩnh vực kinh tế.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, có 3.394 doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới, con số này giảm 52,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể trong 9 tháng qua là 963 doanh nghiệp, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trung bình, mỗi tháng có 107 doanh nghiệp bất động sản rời bỏ thị trường.
Điểm hẹn 2024?
Theo các nhà đầu tư, chỉ khi thị trường bất động sản “tan băng”, phục hồi và sôi động trở lại thì lúc đó là sóng doanh nghiệp, người lao động thuộc lĩnh vực này mời ngừng rơi rụng. Nhưng thời điểm đó là lúc nào?
Thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2023 đang đón nhận những làn gió tích cực hơn so với thời điểm trước đó. Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ và bản thân doanh nghiệp nhiều “vật cản” của thị trường đang dần được tháo gỡ.
Cụ thể, trong một báo cáo mới đây của UBND TP.HCM cho biết, từ cuối năm 2022, thành phố đã tổng hợp, rà soát những vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đất đai, nhà ở, xây dựng, kinh doanh Bất động sản.
Đến nay đã có 113 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố được rà soát để tháo gỡ vướng mắc.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản trên toàn quốc.
Cụ thể, trong thời gian qua tổ công tác nhận được 130 văn bản báo cáo khó khăn liên quan đến 183 dự án trên cả nước. Tổ công tác đã xử lý 119 văn bản và Bộ Xây dựng đã có 35 văn bản hướng dẫn.
Kết quả, TP.HCM đã giải quyết được 67 dự án, Hà Nội giải quyết được 419 dự án, đang chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án. Tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Bên cạnh việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý, dòng tiền vào thị trường bất động sản cũng đang dần được cải thiện khi lãi suất được điều chỉnh, các gói tín dụng 120.000 tỉ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được đẩy nhanh giải ngân….
Thị trường bất động sản được dự đoán bắt đầu phục hồi từ năm 2024
Ghi nhận thực tế trên thị trường, những tháng cuối năm nhiều doanh nghiệp bất động sản đang quay trở lại với hàng loạt hoạt động giới thiệu, mở bán dự án mới.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), trong 2 tháng đầu của quý 3/2023 có hơn 5.000 giao dịch thành công và 300 dự án trên toàn quốc đã ra hàng mở bán.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs cho rằng, thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản sẽ bắt đầu tư quý 4/2023.
Tại hội thảo “Bất động sản phía Nam đón đầu cơ hội phát triển hạ tầng” mới đây, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khó khăn chứ không bi quan khủng hoảng như nhiều người lo ngại.
Thị trường sẽ “ấm” hơn trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên thời điểm phục hồi sẽ rõ ràng hơn trong năm 2024.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, những chuyển biến tích cực của thị trường bất động sản sẽ rõ nét hơn trong năm 2024.
Trong đó, bất động sản khu vực phía Nam với sự nhạy bén của doanh nghiệp cũng như bệ đỡ là hàng loạt cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm đang xây dựng như cao tốc, vành đai, sân bay…sẽ có tốc độ phục hồi tốt hơn ở phía Bắc.
Còn theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, từ quý 1/2024, thị trường bât động sản sẽ đón nhận nhiều cú hích để phát triển theo kịch bản tốt hơn. Cụ thể, đây là thời điểm mặt bằng lãi suất đã giảm, cách chính sách có độ ngấm, nhiều luật quan trọng được Quốc hội thông qua.
Cũng theo ông Lực, quý 1/2024 cũng là thời điểm tình hình phục hồi kinh tế vĩ mô của Việt Nam và thế giới sẽ rõ ràng hơn. Qua đó, cũng giúp ảnh hưởng tích cực đến quá trình hồi sinh của thị trường bất động sản.
-
Thị trường bất động sản sẽ phục hồi từ quý 4?
TS. Cấn Văn Lực cho rằng từ quý 4 trở đi, đà phục hồi sẽ được thể hiện rõ nét hơn. Những khó khăn của thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản sẽ được tháo gỡ nhiều hơn.
-
eMagazine: Theo chân nhà đầu tư đi săn nhà đất giảm giá
Ở thời điểm thị trường bất động sản trầm lắng hiện nay, việc tìm kiếm sản phẩm nhà đất giảm giá là không khó, nhưng để nhà đầu tư mạnh dạn xuống tiền mua nhà đất giảm giá thì đó lại là điều không hề dễ dàng....
-
Chính sách nổi bật về bất động sản, xây dựng có hiệu lực từ tháng 12/2023
Từ tháng 12/2023, nhiều chính sách mới về bất động sản, xây dựng bắt đầu có hiệu lực thi hành. Trong đó, nổi bật là các quy định sau đây:
-
5 chiến lược đầu tư bất động sản tốt nhất giai đoạn 2023 - 2024
Thị trường bất động sản hậu Covid-19 đã có nhiều khác biệt so với giai đoạn trước đó, đặc biệt là kể từ năm 2023. Các chiến lược đầu tư bất động sản dưới đây, vốn đã chứng tỏ được tính hiệu quả trong năm nay, dự báo sẽ tiếp tục phổ biến trong năm 202...