Nhà đầu tư trong khu vực khẳng định vị thế
Theo báo cáo mới nhất của Savills về hoạt động mua bán và đầu tư khách sạn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường khách sạn trong quý 3/2021 ghi nhận mức tăng trưởng đầu tư đáng kể, chủ yếu nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư trong khu vực.
Theo đó, khối lượng đầu tư khách sạn trong quý 3 tại đây đạt 2,2 tỷ USD với 43 giao dịch, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, 75% giao dịch được thực hiện bởi nhà đầu tư trong khu vực. Các thị trường sôi động nhất quý vừa qua bao gồm khu vực Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Trung Quốc và Thái Lan.
Bắc Á ghi nhận các giao dịch khách sạn có giá trị lớn, trong đó Nhật Bản dẫn đầu với tổng giá trị giao dịch trong quý đạt 590 triệu USD, cao hơn 168 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Thương vụ lớn nhất là việc mua lại khách sạn Torch Tokyo Tower và một hội trường có sức chứa 2.000 người giữa Tập đoàn Mitsubishi Group và công ty Tokyo Venture Corporation với mức giá 508 triệu USD. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng ghi dấu ấn với 10 giao dịch có tổng giá trị 253 triệu USD, tăng đến 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả các giao dịch đều được thực hiện bởi nhà đầu tư trong nước và 90% giao dịch diễn ra tại Seoul.
Trong khi đó, Trung Quốc được coi là thị trường có tốc độ phục hồi mạnh mẽ nhất khu vực, với mức tăng trưởng 59% trong vòng 8 tháng đầu năm nay. Đầu tư khách sạn quý 3 của quốc gia này lên đến 226 triệu USD với 9 giao dịch, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Đông Nam Á, thị trường Thái Lan chứng kiến mức tăng trưởng đầu tư khách sạn nhờ sự trở lại của du lịch. Các chính sách thúc đẩy du lịch trong quý 3, đặc biệt là chương trình Phuket Sandbox, đã giúp ngành khách sạn và nghỉ dưỡng tại đây ghi nhận những dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Phuket Sandbox đã thu hút 17.000 lượt khách du lịch quốc tế chỉ trong tháng đầu triển khai. Trong quý 3, du khách đã đặt gần 335.000 phòng khách sạn qua đêm trên đảo Phuket.
Theo nhận định của Savills, những quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang hướng tới việc “chung sống với Covid-19” và dần mở cửa biên giới, bên cạnh các chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng. Hoạt động đầu tư khách sạn trong khu vực đang bắt đầu tăng trưởng để chuẩn bị cho quá trình phục hồi sau đại dịch.
Tương lai tươi sáng hơn trong năm 2022?
Theo một báo cáo trước đó của JLL, khối lượng đầu tư vào ngành khách sạn tại châu Á – Thái Bình Dương có thể sẽ vượt 7 tỷ USD trong năm 2021, tăng 15% so với năm 2020. JLL dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng lên tối thiểu ở mức 9 tỷ USD trong năm 2022, sau khi các nhà đầu tư cân nhắc những khó khăn ngắn hạn đến trung hạn của ngành khách sạn do đại dịch mang lại.
“Đầu tư khách sạn châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022. Trong khi Covid-19 tiếp tục tác động đến hoạt động của ngành và việc triển khai vốn, các nhà đầu tư lại coi đây là thời điểm thích hợp để hoàn thành các giao dịch”, Mike Batc, CEO của JLL Hotels & Hospitality Group tại châu Á – Thái Bình Dương nhận định.
“Người mua đang xem bối cảnh hiện tại là sự khởi đầu của một chu kỳ đầu tư mới trong ngành khách sạn. Tuy nhiên, khu vực này tiếp tục chứng kiến mức chênh lệch giá mua - giá bán khá lớn, vì các chủ sở hữu khách sạn được hỗ trợ bởi các khoản vay với lãi suất tương đối thấp và mối quan hệ tốt với các bên cho vay. Do đó, người bán đang giữ giá cao hơn trong khi chờ các điều kiện thị trường được cải thiện. Tất cả các yếu tố này khiến chúng tôi tin tưởng vào sức hấp dẫn lâu dài của ngành này”, Nihat Ercan, Giám đốc điều hành cấp cao của JLL Hotels & Hospitality Group tại châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.
Theo phân tích của JLL, dòng vốn xuyên biên giới sẽ tiếp tục đóng vai trò to lớn trong đầu tư khách sạn vào năm 2022. Các nguồn vốn mới sẽ tham gia thị trường, chẳng hạn như các quỹ đầu tư của các gia đình tài phiệt và các nhà đầu tư đến từ Châu Âu và Trung Đông.
-
Nửa cuối năm 2024 là cơ hội để thu mua bất động sản
Theo khảo sát của CBRE, đầu tư bất động sản thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có thể phục hồi vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
-
Nhà đầu tư châu Á tăng cường vốn vào bất động sản trong trung hạn
Bất động sản, một danh mục phụ lớn thuộc tài sản tư nhân, đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư châu Á, với 64% kỳ vọng sẽ tăng lượng nắm giữ trong trung hạn.
-
Sóng đầu tư Trung Quốc thoái trào, để lại 500 “tòa nhà ma” ở Campuchia
Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc rút đi đã khiến Sihanoukville, điểm nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng của Campuchia, phải đối mặt với hàng trăm dự án còn dang dở.