07/07/2023 3:10 PM
Khi cơ sốt đất vùng ven hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng sang mô hình homestay cho thuê, mỗi tháng kiếm vài trăm triệu đồng. Nhưng cũng không ít người đang phải trầy trật tìm cách thoát thân.

Thị trường bất động sản vẫn trong giai đoạn trầm lắng, số lượng giao dịch giảm ở mọi phân khúc. Đặc biệt, đối với những người mua đất nền vùng ven vào thời điểm sốt nóng, rất nhiều nhà đầu tư phải ngậm ngùi cắt lỗ mới nhanh chóng “đẩy” được hàng. Ở chiều ngược lại, một bộ phận nhà đầu tư không quá áp lực trả lãi tiếp tục đầu tư, chuyển đổi sang mô hình bất động sản homestay để gia tăng giá trị, gỡ lại vốn.

Homestay là mô hình du lịch được nhiều người lựa chọn - Ảnh Gia Linh.

Lãi trăm triệu/tháng

Trong cơn sốt đất nền vùng ven Hà Nội vào giữa năm 2021, anh Nguyễn Vũ (một nhà đầu tư lâu năm) đã mua hơn 1.600m2 đất ven hồ tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì với giá 7 triệu đồng/m2. Vừa mua xong nhiều người đến hỏi mua lại với giá chênh 200 triệu đồng, nhưng anh nghĩ tiềm năng tăng giá còn lớn nên không bán.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, thị trường bất động sản bắt đầu trầm lắng, hạ nhiệt. Chờ thị trường sôi động trở lại không biết khi nào nên anh Vũ hỏi thêm một vài người bạn thân đầu tư làm homestay.

“Vì sau dịch covid-19, nhu cầu du lịch tăng cao, lô đất mình mua lại có vị trí đẹp, view núi, view sông, nên chỉ mất hai ngày lên ý tưởng, tìm mọi cách để xoay tiền, mình và hai người bạn nữa bắt tay vào thực hiện dự án. Với số vốn ít ỏi, chúng mình xây trước 5 căn villa (2 lớn, 3 nhỏ) và 7 căn nhà gỗ. Sau 4 tháng xây dựng, khu homestay đã hoàn thiện và đón những vị khách đầu tiên” – anh Vũ chia sẻ.

Sau khi hoàn thành, anh Vũ đăng thông tin cho thuê homestay ở trên các trang mạng như Homestay, CouchSurfing, Home Exchange, Airbnb... dần dần cũng có khách hỏi thuê. Từ việc để trống cả tháng trời, đến hiện tại lượng khách đã đều đặn hơn, thậm chí có thời điểm quá tải.

Anh Vũ cho biết, giá cho villa lớn vào các đêm cuối tuần là 4.000.000 đồng, 1.800.000 đồng đối với villa nhỏ hơn. Còn những ngày thường, giá sẽ thấp hơn dao động từ 1.500.000 – 3.500.000 đồng. Đối với các căn bungalow sẽ có giá thuê 800.000 đồng/đêm.

“Những villa lớn sẽ chỉ ở tối đa 10 người, thêm người sẽ tính phụ thu 100.000 đồng cho người lớn, 50.000 đồng cho trẻ em và không quá 20 người. Còn những villa nhỏ chỉ ở tối đa 4-5 người. Nếu kín phòng, mỗi đêm mình thu được khoảng 17 triệu đồng, có tháng tổng thu nhập từ homestay là gần 400 triệu đồng. Trừ đi chi phí điện nước, nhân viên khoảng 150 triệu đồng, mỗi tháng mình có thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng” – anh Vũ cho biết thêm.

Kinh doanh homestay đòi hỏi nhiều vốn, thời gian thu hồi vốn lâu nên sẽ áp lực với những người dùng đòn bẩy tài chính - Ảnh Gia Linh.

“Trầy trật” tìm cách thoát thân

Ở chiều ngược lại, chị Mai Cao (33 tuổi, TP.HCM) nhiều tháng nay phải liên tục đăng đàn rao bán khu homestay rộng hơn 10.000m2 tại huyện Di Linh, Lâm Đồng.

Khu đất của chị có hơn 250m2 đất thổ cư, từng được chị mua với giá 8 tỉ đồng vào tháng 9/2021, đến tháng 11/2021 có nhiều người đến hỏi mua với giá chênh 500 triệu đồng. Thấy giá đất tăng nhanh, chị Mai tin rằng sẽ còn tăng nữa nên đầu tư thêm 5 tỉ đồng xây dựng mô hình homestay để vừa tận dụng quỹ đất, vừa có thêm công việc và thu nhập cho gia đình. Hơn nữa khi bán cũng được giá hơn.

Tuy nhiên, mô hình này không hề đơn giản, chỉ cần xây dựng lên là xong mà trong quá trình vận hành còn phát sinh thêm nhiều yếu tố khác.

“Có tiền mua đất là một chuyện, việc thiết kế xây dựng một khu homestay cũng tốn kém rất nhiều. Không đơn giản như xây một căn nhà, xây homestay phải đồng bộ hạ tầng, cảnh quan để hút được khách. Tuy nhiên, so với số tiền bỏ ra, lợi nhuận mang lại hiện không đủ để bù đắp cho các chi phí đầu tư. Trong khi số tiền đó phải vay hoàn toàn từ ngân hàng với lãi suất cao. Hơn nữa, thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi trở lại, mình rao bán hai tháng nay với giá cắt lỗ 10% nhưng vẫn không có người chốt mua” – chị Mai chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ với chị Mai, chị Phạm Hạnh (chủ một homestay tại Tân Phú, Đồng Nai) cho hay dù khu homestay của gia đình chị được đầu tư rất nhiều để chạy quảng cáo, nhưng lượng khách vẫn vắng hoe.

“Dù không có khách tôi vẫn phải duy trì chi phí thuê nhân viên để đảm bảo vận hành. Muốn thu hồi được toàn bộ vốn cũng phải mất ít nhất vài năm. May mắn tôi xây dựng homestay trên khu đất của gia đình nên không bị áp lực về tài chính” – chị Hạnh cho biết thêm.

Theo các chuyên gia, đã có nhiều bài học, thậm chí mất tài sản vì đầu tư bằng dòng tiền vay vốn mà không tính toán được việc cân bằng lãi suất, thu - chi. Đặc biệt, kinh doanh homestay đòi hỏi rất nhiều kiến thức và cả kinh nghiệm thực tế về quản lý dòng tiền, hiệu suất đầu tư, vận hành, dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.