Chính quyền thu hồi đất tái định cư giao cho doanh nghiệp, thậm chí, sẵn sàng phá rừng, giao đất cho tư nhân không qua đấu thầu là hiện tượng “bất thường” xảy ra tại tỉnh Bình Thuận.

Giao đất "thần tốc"

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, sau khi có những tờ trình “hoả tốc” về tham mưu của các sở ban ngành cho UBND tỉnh Bình Thuận, thì hàng trăm nghìn mét vuông "đất vàng", đất công tại trung tâm thành phố Phan Thiết, Bình Thuận bỗng dưng rơi vào tay tư nhân một cách “bất thường”, khiến hàng trăm hộ dân "mất nhà, mất cửa"… thậm chí phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”.

Nhiều người dân bức xúc vì đất "vàng, đất công và khu tái định cư của người dân dang sinh sống yên ổn tại trung tâm thành phố Phan Thiết, Bình Thuận bỗng dưng rơi vào tay tư nhân một cách “bất thường”.

Điều đáng nói, tất cả các khu đất này chủ yếu có nguồn gốc là đất công, đất rừng… thông qua công tác giải tỏa (mồ mả, đất ở, nhà ở, đất rừng… của những người dân nghèo, đất quy hoạch làm trụ sở cơ quan hành chính), nhưng sau đó được chính quyền tỉnh Bình Thuận giao cho doanh nghiệp nhưng không thông qua đấu giá.

Nghiêm trọng hơn, trong quá trình thực hiện còn lộ rõ những lỗ hổng, yếu kém của các cơ quan tham mưu trong việc áp dụng luật định, đối tượng ưu tiên, thậm chí là xuất hiện những dấu hiệu của việc "luật chưa thông”… nhưng “đất công đã loạn”.

Sự “đặc cách” một cách bất thường của chính quyền tỉnh Bình Thuận khi giao đất cho tư nhân theo kiểu “thần tốc”, đã để lại những hậu quả lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống mưu sinh của những người dân nghèo, gây bất ổn xã hội là vấn đề rất đáng lên án.

Ngày 17/4/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định chủ trương đầu tư số 1017/QĐ-UBND với việc chấp thuận cho Công ty Trường Phúc Hải thực hiện dự án. Thế nhưng ngày 9/9/2020, chính quyền mới ra thông bao thu hồi đất khu tái định cư của người dân đã sinh sống từ năm 1994.

Đơn cử, ngày 22/3/2017, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 738/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của TP. Phan Thiết, trong đó có việc quy hoạch và phát triển dự án lấn biển tại phường Đức Long, TP. Phan Thiết.

Ngay sau đó, ngày 23/3/2017, các cơ quan ban ngành của tỉnh Bình Thuận đã hội họp đầy đủ gồm: Sở TN&MT do Chi cục Quản lý đất đai tỉnh đại diện đã chủ trì họp với sự tham gia đại diện Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, UBND TP. Phan Thiết và Công ty Trường Phúc Hải để quyết định cho Công ty Trường Phúc Hải được triển khai dự án.

Và trước những đề xuất trên, ngày 17/4/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định chủ trương đầu tư số 1017/QĐ-UBND với việc chấp thuận cho Công ty Trường Phúc Hải thực hiện dự án. Với chủ trương này, Công ty Trường Phúc Hải đã nhanh chóng bắt tay vào đầu tư, thực hiện ngay công đoạn phân lô, và giao bán đất nền cho một số khách hàng, trong khi chưa đủ điều kiện giao bán.

Sự việc trên ngay lập tức đã vấp phải những phản ứng của dư luận, sự hoài nghi về tính pháp lý, những dấu hiệu của “lợi ích nhóm”, làm méo mó, ảnh hưởng tới sự minh bạch của thị trường bất động sản. Trước những vấn đề đó, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã phải ra văn bản chấn chỉnh đối với Công ty Trường Phúc Hải.

Suốt 26 năm, người dân chỉ nhận được tờ giấy ghi tay tại khu tái định cư, không thể xây nhà cửa kiên cố thì nay lại tiếp tục phải di dời để nhường cho doanh nghiệp triển khai dự án.

Nghịch lý hơn, trên thực tế, ngày 9/9/2020, đại diện chính quyền tỉnh Bình Thuận mới chính thức tổ chức họp dân để thực hiện thông báo thu hồi đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất nằm trong dự án lấn biển. Cũng chính vì lẽ đó, tại buổi họp này, hàng trăm hộ dân đã phản đối vì cho rằng: Đây là khu tái định cư của hơn 100 hộ dân và đã được chính quyền tỉnh Bình Thuận giao từ năm 1994. Trong quá trình sinh sống tại khu tái định cư, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã bỏ mặc cho người dân suốt 7 năm phải sống trong cảnh đèn dầu, điện nước không có, và suốt 26 năm chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay các hộ dân đang sinh sống ổn định, ngày đêm bám biển kiếm kế sinh nhai, chính quyền lại thu hồi khu đất tái định cư giao doanh nghiệp khiển khai dự án, khiến người dân một lần nữa lại rơi vào cảnh "mất nhà, mất cửa", cuộc sống bị đảo lộn.

Phá rừng, giao đất cho tư nhân?

Tương tự, những bất thường cũng không kém đang xảy ra tại dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương, do Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và Hoá chất Việt Nam làm chủ đầu tư, thuộc địa bàn các xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam), xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết), tỉnh Bình Thuận.

Để có được dự án này thì Bình Thuận phải chấp nhận “hy sinh, đốn bỏ 7,17 ha cây dương 25 năm tuổi”, tươi tốt, chắn sóng, ngăn gió, có nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nhưng nay phải chuyển sang cho dự án du lịch của tư nhân

Theo đó, dự án này được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3579/QĐ-UBND ngày 5/12/2016.

Sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận lần lượt ban hành 02 Quyết định số 904/QĐ-UBND (ngày 5/4/2017), Quyết định số 3670/QĐ-UBND (ngày 21/12/2017) thu hồi đất và tạm giao mặt bằng cho Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và Hoá chất Việt Nam để thực hiện dự án.

Chưa dừng lại ở đó, dự án này lại tiếp tục được UBND tỉnh Bình Thuận điều chỉnh 2 lần với các quyết định số 1165/QĐ-UBND (ngày 9/5/2018), số 966/QĐ-UBND (ngày 17/4/2019).

Đến tháng 8/2019, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục ban hành Quyết định số 1961/QĐ-UBND (ngày 2/8/2019) phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương. Theo quyết định này Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương có quy mô khoảng 12,54 ha. Và ngày 28/10/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Lê Tuấn Phong đã chính thức ký Quyết định số 2746/QĐ-UBND về việc “chuyển mục đích rừng sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp để đầu tư xây dựng dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương”.

Ngày 28/10/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Lê Tuấn Phong đã chính thức ký Quyết định số 2746/QĐ-UBND về việc “chuyển mục đích rừng sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp để đầu tư xây dựng dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương”.

Và để có được dự án này thì Bình Thuận phải chấp nhận “hy sinh", đốn bỏ 7,17 ha cây dương 25 năm tuổi, tươi tốt, chắn sóng, ngăn gió, có nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Việc ngăn chặn bão lũ, triều cường cho khu vực Tiến Thành, Thuận Quý nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung sẽ ra sao khi diện tích rừng ven biển ngày càng thu hẹp? Hậu quả sẽ thế nào khi những năm qua, tình hình thiên tai diễn biến thất thường, biển đã lấn sâu vào đất liền, nguy cơ mất đất, nỗi lo bị sóng biển xâm lấn ngày càng tăng lên? Chắc chắn đây không phải là câu hỏi quá khó cho chính quyền tỉnh Bình Thuận.

Đáng nói, với một dự án hình thành từ đất rừng phòng hộ, đất công, khi giao đất UBND tỉnh Bình Thuận đã không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để có cơ hội tuyển lựa dự án phát triển du lịch ưu việt nhất, tuyển lựa nhà đầu tư có năng lực tốt nhất, thu ngân sách cao hơn theo luật định. Thay vào đó, UBND tỉnh Bình Thuận lại chọn cách giao "đất sạch" cho doanh nghiệp không qua đấu thầu? Đây là vấn đề dư luận đang hết sức quan tâm.

Ngân Giang (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.