Căn hộ giá “trên trời”, chất lượng “dưới đất”
Điển hình nhất phải kể đến sự cố bục ống cứu hoả tại dự án chung cư cao cấp An Bình City (phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm - Hà Nội) khiến hơn chục hộ gia đình ngập trong biển nước gần đây. Sự việc xảy ra vào giữa tháng 2 tại tòa nhà A4 của dự án. Nước chảy lênh láng, ngập hành lang đến gần 10cm và tràn vào nhiều căn hộ ở tầng 21 tòa nhà, khiến cho sàn gỗ và nhiều đồ dùng trong nhà các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng, 4/5 thang máy của toà nhà bị tê liệt.
Theo phản ánh của nhiều cư dân, đây không phải là lần đầu tiên sự cố vỡ ống cứu hỏa xảy ra tại khu chung cư này. Trước đó, vào tháng 10/2018, sự việc tương tự cũng đã xảy ra tại tòa nhà A5. Tình trạng này khiến các cư dân sống tại dự án này vô cùng hoang mang, lo lắng.
Sự cố bục ống cứu hoả đã khiến nhiều hộ dân tầng 21, toà nhà A4, chung cư An Bình City ngập trong biển nước.
Cuối tháng 2, nhiều cư dân Ecopark - khu đô thị được quảng cáo đáng sống bậc nhất hiện nay - khi nhận bàn giao căn hộ tại các tòa Sky1, Sky2 trong khu Aquabay không khỏi thất vọng khi chứng kiến hệ thống ống thoát nước căn hộ chung cư lộ thiên như… nhà tập thể cũ.
Trên các trang diễn đàn “Cộng đồng cư dân Ecopark”, “Cộng đồng cư dân Sky - Aquabay”, nhiều thành viên đã bày tỏ sự thất vọng của mình khi phát hiện căn hộ được bàn giao có hệ thống ống nước chằng chịt trên đầu, rất mất thẩm mỹ.
Bình luận trên diễn đàn, anh T. cho hay: “Mấy cái ống này là thứ duy nhất được chủ đầu tư tặng thêm cho cư dân Aquabay so với nhà mẫu. So với nhà mẫu thì khi nhận nhà đã bị cắt bỏ khá nhiều thứ như vòi sen (từ hai còn một vòi), tay nắm kéo cửa ra ban công bị cắt bỏ, mặt tủ bếp từ Acralyc bóng kính xuống còn MDF rẻ tiền, mặt kính vây khu bếp bị thay thành gạch bông 8k/viên”.
Một cư dân khác so sánh: “Hệ thống ống thoát nước như khu tập thể Kim Liên những năm 70 thế kỷ XX”.
Mới đây, tại nhiều vị trí trong khu vực chung cư Eco Lake View 32 Đại Từ, phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) xuất hiện những biển cảnh báo khu vực thường xuyên mất cắp tài sản khiến cư dân vô cùng hoang mang về tình hình an ninh trật tự tại toà nhà cũng được quảng cáo là cao cấp bậc nhất quận Hoàng Mai này.
Biển cảnh báo mất cắp trong khu vực chung cư Ecolake View Đại Từ.
Biển cảnh báo ghi rõ: “Công an phường Đại Kim, Ban quản lý toà nhà Eco Lake View cảnh báo khu vực thường xuyên mất cắp tài sản, xe máy gương chiếu hậu, phụ kiện ô tô”.
Theo phản ánh của cư dân, do phản đối mức giá gửi ô tô quá cao nên họ đã để xe ngay trên khu vực đường nội bộ trong chung cư. Cụ thể, mức phí 1.650.000 đồng/tháng với ô tô, 110.000 đồng/tháng với xe máy, 12.000 đồng/ngày đêm; xe đạp điện là 70.000 đồng/tháng. Mức giá này, đối với giá trông giữ ô tô hiện đang cao hơn nhiều so với quy định tại Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND về việc ban hành giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Một cư dân sống tại đây bức xúc: “Mặc dù việc đỗ xe ngay tại khu vực đường nội bộ là không đúng quy định, nhưng tình trạng mất cắp và những tấm biển cảnh báo này rõ ràng đã bộc lộ tình trạng an ninh không đảm bảo cũng như thể hiện sự yếu kém, bất lực của đơn vị quản lý, chủ đầu tư dự án”.
Theo tìm hiểu, dự án Eco Lake View số 32 Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty cổ phần Ecoland làm chủ đầu tư, là dự án chung cư cao cấp kết hợp thương mại và dịch vụ có quy mô hơn 3,8ha. Dự án gồm hai tòa nhà cao 32 tầng với ba tầng hầm và một tòa nhà để xe cao chín tầng với 1.200 căn hộ.
Kể từ thời điểm bàn giao nhà cho khách hàng về ở cuối quý 4/2018, chung cư này đã xảy ra nhiều vụ lùm xùm liên quan đến diện tích căn hộ, thang máy, lối vào dự án, phí dịch vụ, chất lượng căn hộ… dù giá của mỗi căn hộ tại đây không hề rẻ, dao động từ 2 - 3 tỉ đồng/căn.
Theo đó, khách hàng liên tục phản ánh về việc chủ đầu tư bàn giao căn hộ thiếu diện tích, nhiều hạng mục như vách cửa, sàn gỗ bị cong vênh do thi công ẩu, thang máy “rùa bò”… Vấn đề gây bức xúc nhất hiện nay chính là tình trạng mất cắp tài sản và phí dịch vụ nâng lên 8.000 đồng/m2 trong khi chất lượng phục vụ, dọn dẹp vệ sinh không tăng.
Đồng loạt cư dân Happy Star Tower căng băng rôn "bán nhà gấp".
Cũng liên quan đến phí dịch vụ, 10 ngày gần đây, một số hộ dân tại chung cư Happy Star Tower (khu đô thị Việt Hưng, phường Giang Biên, quận Long Biên) phải sống trong cảnh không điện nước, phải câu điện từ hàng xóm do phản đối phí dịch vụ mà chủ đầu tư là Công ty TNHH Vintep Hà Nội đưa ra là 5.000 đồng/m2.
Theo thông tin từ phía cư dân, chủ đầu tư không thu tiền điện và tiền nước riêng, yêu cầu phải đóng chung với tiền phí dịch vụ. Trong khi một số căn hộ khác trong toà nhà, Công ty TNHH Vintep Hà Nội vẫn thu riêng tiền điện nước không yêu cầu thu phí dịch vụ.
Nhiều nguyên nhân khác khiến hầu hết cư dân không đóng phí dịch vụ còn liên quan đến việc căn hộ bị thiếu diện tích, không có sổ đỏ…
Theo ghi nhận của PV CafeLand, thời điểm hiện tại, để phản đối mức phí dịch vụ do chủ đầu tư đưa ra, đồng loạt các cư dân đều căng băng rôn “bán nhà gấp”.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên cư dân sống tại tòa chung cư Happy star Tower phản ánh bức xúc về chủ đầu tư. Năm 2017 trong đơn kêu cứu gửi đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Thanh tra Bộ Xây dựng và cơ quan báo chí, người dân tố nhiều sai phạm liên quan đến dự án này.
Theo đó, để được chủ đầu tư cho phép dọn về sinh sống, người dân đã phải thanh toán 95% tổng giá trị hợp đồng mua căn hộ, nhưng chủ đầu tư lại không làm thủ tục và biên bản bàn giao chính thức căn hộ cho các hộ dân.
Điều này khiến cư dân không đủ điều kiện để làm thủ tục đăng ký tạm trú tạm vắng với địa phương; không đủ điều kiện ký hợp đồng sử dụng điện nước sinh hoạt với các nhà cung cấp, phải sử dụng điện nước với giá sản xuất rất cao (gần 24.000 đồng/m3)… Đặc biệt, khi dọn về sinh sống cư dân mới phát hiện dự án chưa được nghiệm thu.
Hãy là người mua nhà thông thái
Tại họp báo thường kỳ quý 4/2018 mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh nhận định “tình trạng tranh chấp chung cư ngày càng gia tăng, một phần là do số lượng nhà chung cư tăng nhanh trong vòng hơn 10 năm qua”.
Điểm chung tại các dự án chung cư hiện nay là đa số các chủ đầu tư đều gắn mác “cao cấp” và dùng những lời giới thiệu có cánh để quảng bá đến khách hàng. Tuy nhiên, thực tế dự án lại khác xa, thậm chí đi ngược với những lời mời chào, hứa hẹn ban đầu.
Trao đổi với CafeLand, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho biết nhiều dự án chỉ cần nằm ở khu đất vàng trung tâm hoặc quận gần trung tâm là ngay lập tức được gán mác cao cấp rồi bán với giá cao. Trong khi đó, chất lượng dự án không đảm bảo, không gian tù túng, diện tích hành lang không đủ, thiếu cây xanh…
Bên cạnh đó, vẫn có nhiều chủ đầu tư vì lợi nhuận nên chỉ đưa ra các bản vẽ sơ sài, thiết kế đơn giản nhưng lại quảng cáo là chung cư cao cấp, thậm chí vì tham nên đã xây dựng mật độ cao. Nhiều khối chung cư để bán nhưng quên mất điều kiện hạ tầng chật hẹp khiến cho cuộc sống của cư dân thực sự không như hứa hẹn.
“Chính sự quá đà, vô trách nhiệm trong việc gọi tên và quảng cáo sản phẩm khiến các khách hàng bị nhầm lẫn là “ngòi nổ” cho “quả bom” tranh chấp tại các chung cư hiện nay”, ông Đực nói và cho rằng, việc "tự phong" cao cấp để bán giá cao hơn chất lượng đó là lừa dối khách hàng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay chất lượng một số công trình xây dựng, trong đó có cả một số công trình trọng điểm, chưa được kiểm soát tốt. Trong khi đó, trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng công trình chưa cao, chưa có giải pháp nâng cao và có chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh và kiên quyết.
Các chuyên gia cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tranh chấp chung cư ngày càng trở nên phức tạp và căng thẳng. Bởi một khi các vi phạm chưa được xử lý kịp thời, hoặc việc xử lý chưa đủ sức răn đe, các công trình vi phạm ngày một phổ biến và bị “bỏ lọt” sẽ tạo điều kiện cho những công trình không đảm bảo chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều, bức xúc của người dân càng bị đẩy lên cao.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho hay trước khi chờ đợi việc chủ đầu tư thực hiện những cam kết, khách hàng nên trở thành người mua nhà thông thái để bảo vệ tài sản, sự an toàn của chính mình và gia đình.
Theo ông, dựa trên các tiêu chí quy hoạch, sự đồng bộ và tính hiện đại của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, mật độ cây xanh, tiện ích dịch vụ, chất lượng vận hành quản lý toà nhà, thương hiệu chủ đầu tư cũng như đơn vị quản lý…, khách hàng có thể phần nào đánh giá được chất lượng của dự án trước khi xuống tiền mua căn hộ.
Trong báo cáo gửi Chính phủ về tình trạng cư dân khiếu nại, phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, trong 43 báo cáo của địa phương và số lượng đơn thư gửi về Bộ Xây dựng có 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp. Trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án. Còn lại 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp không thuộc phạm vi báo cáo như tranh chấp, khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và những nội dung dân sự khác. Trong năm 2018, Thanh tra xây dựng toàn ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 37.360 lượt công trình. Số công trình vi phạm giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tuy có giảm nhưng vẫn còn phổ biến, việc xử lý vi phạm dứt điểm chưa kiên quyết, kịp thời. |
-
Bục ống cứu hoả, chung cư cao cấp tại Hà Nội ngập trong biển nước
CafeLand - Sự cố bục họng cứu hoả ở tầng 21 chung cư cao cấp An Bình City khiến nhiều căn hộ ngập trong biển nước.
-
Sau những vụ cháy, công tác phòng cháy nhiều chung cư vẫn rất sơ sài
CafeLand - Một số chung cư chưa trang bị bình chữa cháy hoặc trang bị bình chữa cháy đã cũ, hết hạn sử dụng nhằm để đối phó khi có đoàn kiểm tra. Bảng hướng dẫn thoát hiểm và chuông báo, đèn báo chưa được lắp đặt, hầm xe còn chứa nhiều vật dụng dễ bén lửa rất nguy hiểm.
-
Cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì nhưng tài khoản của chủ đầu tư không đủ tiền
Thông tin này được lãnh đạo thành phố Hà Nội đưa ra tại buổi HĐND thành phố tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai mới đây về câu chuyện tranh chấp quỹ bảo trì tại Tòa nhà AZ Sky phường Định Công.
-
Bị tố làm khó cư dân, Vạn Phúc Group lên tiếng
Van Phuc Group vừa chính thức lên tiếng về vụ việc một người đàn ông ngoại quốc đăng tải video clip lên mạng xã hội tố tập đoàn này làm khó dễ cư dân khu đô thị Vạn Phúc. Những video này nhận được sự tương tác lớn từ cộng đồng mạng với nhiều ý kiến t...
-
Chặn “ngòi nổ” của nhiều cuộc chiến tại chung cư
Dù đã có quy định pháp luật rõ ràng về cách quản lý, sử dụng khoản kinh phí bảo trì chung cư tuy nhiên trên thực tế không phải chủ đầu tư nào cũng tuân thủ đúng quy định. Tại nhiều dự án, khoản tiền này là nguồn cơn của nhiều cuộc tranh chấp giữa cư ...