Sự hài lòng của cư dân chính là thước đo đối với mỗi doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ
Khối ngoại chiếm ưu thế
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, Tập đoàn Novaland có 10 dự án thì tất cả đều được quản lý, vận hành bởi các đơn vị nước ngoài như CBRE, Savills… Tương tự, các dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh cũng được giao cho CBRE quản lý.
Hay như tại dự án Khu biệt thự ven sông Nine South Estates Nhà Bè, từ những ngày dự án được hình thành, Tập đoàn VinaCapital và VinaLiving (chủ đầu tư) đã “chỉ định” Tập đoàn Jones Lang LaSalle (JLL) là đơn vị tham gia quản lý, vận hành dự án.
Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp tham gia thị trường, ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home) cho biết, nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp trong nước bị lép vế trước các doanh nghiệp quản lý, vẫn hành dự án bất động sản nước ngoài là do thua kém về giá trị thương hiệu và chất lượng dịch vụ.
“Phải thừa nhận một điều rằng yếu tố thương hiệu của các doanh nghiệp nước ngoài là rất mạnh, chất lượng dịch vụ cũng rất tốt, cộng thêm xu hướng sính ngoại cũng là rào cản lớn đối với doanh nghiệp nội”, ông Thành nói.
Chia sẻ thêm về nguyên nhân khiến doanh nghiệp nội thua ngay trên sân nhà, ông Thành cho biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp trong nước tiếp cận dự án bằng cách cạnh tranh về giá hoặc tạo ra những cơ chế ưu đãi riêng, dẫn đến tự gây áp lực cho nhau, hạ thấp uy tín, thương hiệu.
“Khi giá dịch vụ thấp thì khó có thể kỳ vọng chất lượng phục vụ sẽ cao và càng ‘dìm’ giá dịch vụ xuống thì cũng đồng nghĩa với việc càng hạ thấp thương hiệu của các doanh nghiệp”, ông Thành nhấn mạnh.
Cũng là một lãnh đạo doanh nghiệp chuyên về quản lý, vận hành các dự án bất động sản tại Việt Nam, bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Venus Corp cho rằng, doanh nghiệp Việt lép vế trước doanh nghiệp ngoại còn do tính tự phát, thiếu sự chuyên nghiệp trong công tác quản lý, vận hành dự án…
“Thời gian qua, nhiều dự án bất động sản do doanh nghiệp nội quản lý để xảy ra tình trạng mất cắp, tranh chấp chung - riêng, thậm chí có đơn vị quản lý còn bơm cả nước giếng khoan để cấp vào bể chứa nước, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cư dân... Thực tế này đang tác động xấu tới thương hiệu Việt trong ngành quản lý vận hành”, bà Hương nói.
Làm gì để “lấy lại” sân nhà?
Chia sẻ về tiêu chí lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành, hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án đều cho rằng, đó là thái độ cầu thị, thiện chí, luôn lắng nghe ý kiến của cư dân và chủ đầu tư.
Đặc biệt, một đơn vị quản lý “có tâm” sẽ luôn tối ưu chi phí cho cư dân bằng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và thiết lập tiêu chuẩn xanh trong quản lý. Chính những điều này sẽ tạo nên giá trị nhân văn đích thực cho cộng đồng, từ đó góp phần tạo nên bản sắc văn hóa và nâng cao giá trị cho bất động sản.
Phân tích kỹ hơn, ông Nguyễn Duy Thành cho biết, thế mạnh của những doanh nghiệp quản lý, vận hành nội là đều có chủ doanh nghiệp là những người trong nghề, có kinh nghiệm và chuyên môn điều hành. Điều này sẽ giúp việc tương tác giữa đơn vị quản lý, vận hành với cư dân, ban quản trị, chủ đầu tư, hay các cơ quan chức năng được nhanh chóng và kịp thời hơn...
“Các lãnh đạo doanh nghiệp quản lý, vận hành nên tích cực tham gia vào các hội, nhóm trên mạng xã hội do cư dân lập ra để theo dõi, nghe ngóng tình hình và kịp thời xử lý những phản ánh của cư dân. Sự hài lòng của cư dân chính là thước đo chuẩn nhất đối với mỗi doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ”, ông Thành nói.
Còn theo quan điểm của bà Mai Thị Hồng Diễm, Phó tổng giám đốc CTCP Sài Gòn Triển Vọng (Savista), một trong những yếu tố giúp các công ty nước ngoài chiếm lĩnh được thị phần quản lý, vận hành dự án bất động sản tại Việt Nam là nhờ áp dụng công nghệ, từ đó tạo ra tiện ích đầy đủ. Nếu muốn giành lại thị phần thì các doanh nghiệp trong nước cũng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, vận hành. Ngoài ra, quy trình quản lý, vận hành cũng cần được minh bạch để tăng niềm tin đối với cư dân, cộng đồng.
“Ngành quản lý, vận hành bất động sản đã du nhập vào Việt Nam được hơn 25 năm, nhưng số doanh nghiệp nội thành công trong lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để có thể ‘lấy lại’ sân nhà, các doanh nghiệp trong nước không còn cách nào khác là phải tự chuyên nghiệp hóa chính mình”, ông Thành nhấn mạnh.
-
Hà Nội tính lập quy chế riêng để quản lý chung cư
CafeLand - Đó là một trong những nội dung được đề cập tại hội thảo khoa học Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý vận hành và sử dụng nhà chung cư Hà Nội diễn ra sáng 12/12.
-
Những điều cần biết trước khi mua chung cư
Chung cư đang dần trở thành lựa chọn được nhiều người có nhu cầu định cư tại các thành phố lớn ưa chuộng, phần lớn vì mức giá phù hợp hơn so với việc mua nhà mặt đất. Do đó, số lượng dự án chung cư mọc lên ngày càng nhiều, và điều này cũng khiến nhiề...
-
Chung cư Hà Nội “neo giá”, người mua nhà mua không được thuê cũng chẳng xong
Bất chấp những ảnh hưởng của lãi suất cao và thắt chặt tín dụng, giá bán các căn hộ chung cư mới ở Hà Nội vẫn neo ở mức tương đối cao, khiến người mua dù có sẵn tiền vẫn khó chọn được căn hộ ưng ý....
-
Sử dụng nhà chung cư không đúng mục đích bị xử phạt thế nào?
Xin hỏi, trường hợp sử dụng sai mục đích nhà chung cư, khi bị phát hiện người vi phạm có bị xử lý hay không? Nếu phạt hành chính thì mức phạt ra sao?