CafeLand - Từ một khu vực được xem là vùng ven của TP.HCM, trong khoảng hai năm trở lại đây, Đồng Nai đang trở thành tâm điểm của thị trường mua bán sáp nhập (M&A) bất động sản với những thương vụ thâu tóm quỹ đất lớn.

Chi nghìn tỉ săn quỹ đất

Sau khi bán 70% vốn vào năm 2019, Keppel Land vừa công bố tiếp tục thoái 30% cổ phần còn lại trong dự án khu đô thị Đồng Nai Waterfront City cho Nam Long thông qua công ty con là Portsville Pte. Ltd.

Thương vụ có tổng giá trị 1.951 tỉ đồng, tương đương khoảng 115,9 triệu đô Singapore. Phía Nam Long sẽ thanh toán tiền mặt cho Portsville trong hai đợt. Dự kiến, việc thoái vốn này sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2021. Nhà đầu tư đến từ Singapore kỳ vọng mang về khoản lãi 52,5 triệu đô Singapore sau thoái vốn.

Đi cùng với động thái thoái vốn của Keppel Land, dự án quy mô 170 hécta này cũng đang được đối tác Nhật dòm ngó. Theo các thông tin công bố, Nam Long đã ký hợp tác chuyển nhượng vốn tại dự án này với đối tác Nhật, thương vụ có thể sẽ hoàn tất trong năm nay.

Dự án Dong Nai Waterfront City tọa lạc tại xã Long Hưng, Biên Hòa, Đồng Nai với quy mô 170 hécta do Công ty Nam Long làm chủ đầu tư.

Không chỉ Nam Long, tại một diễn đàn mua bán sáp nhập mới đây, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cao cấp Tài chính của Tập đoàn Novaland, cho biết Novaland vừa “chốt deal” thành công thêm một thương vụ M&A. Dự án có quy mô 286 hécta ở Đồng Nai, nâng tổng giá trị M&A các thương vụ mới ở khu vực này và các tỉnh lân cận lên 1 tỉ USD.

Vùng ven TP.HCM đang trở thành tâm điểm của thị trường M&A bất động sản với những thương vụ thâu tóm quỹ đất lớn.

“Novaland dựa trên cơ sở M&A để tăng trưởng và phát triển, quỹ đất đã tích lũy từ lâu, mua lại từ các chủ đầu tư khác, nên khi phát triển lên thì quỹ đất phát triển theo trục phát triển của Tập đoàn”, ông Phiên nói thêm.

Cùng chung nhận định Covid-19 mang lại không ít khó khăn nhưng cũng là cơ hội để gia tăng các hoạt động M&A, ông Nguyễn Thế Nhiên, Phó tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Land, cho biết từ cuối năm 2019 đến nay Hưng Thịnh Land đã chi hàng nghìn tỉ đồng để thực hiện các dự án có quy mô lớn 1.000 hécta tại Bình Định và Lâm Đồng.

“Đến thời điểm hiện nay, Hưng Thịnh đã nắm trong tay gần 5.000 hécta đất, sẵn sàng phát triển dự án”, ông Nhiên cho biết.

Tăng nhiệt ở vùng ven

Có thể thấy, đa số các thương vụ M&A kể trên đều diễn ra ở các khu đô thị vệ tinh giáp ranh Sài Gòn như Đồng Nai và các thành phố có tiềm năng du lịch. Theo đại diện Hưng Thịnh Land, sở dĩ hoạt động M&A có xu hướng gia tăng ở vùng ven là do hành vi của người tiêu dùng thay đổi.

Cùng quan điểm, ông Vũ Minh Tiến, Thành viên HĐQT phụ trách kiểm soát chiến lược đầu tư và M&A Tập đoàn An Thịnh, nhận định sự sôi động của bất động sản ven đô thời gian qua là do hành vi tiêu dùng thay đổi dẫn đến bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng không còn hấp dẫn nhà đầu tư.

Thay vì đối mặt với hiểm hoạ mắc bệnh dịch khi di chuyển bằng các phương tiện máy bay, tàu hoả thì nhiều người có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân để tới bất động sản ven đô. Đó cũng chính là lý do, bất động sản ở các vùng ven không chỉ hấp dẫn với khối nội mà còn thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn Việt Nam tại JLL, cho biết với khối ngoại có hai nhóm nhà đầu tư quan tâm đến các khu đô thị vệ tinh.

Nhóm đầu tiên là các nhà đầu tư truyền thống đã hiện diện ở Việt Nam và đầu tư vào thị trường từ 10 năm trước.

Nhóm thứ hai là các nhà đầu tư đang theo dỡi thị trường và tìm kiếm các đối tác trong nước để cùng đầu tư. Với nhóm này, nếu không có sự tin tưởng đối tác trong nước, họ sẽ không bao giờ đầu tư vào các khu đô thị vệ tinh.

“Để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền vào dự án, điều đầu tiên dự án phải sạch, sau đó là nhà phát triển bất động sản trong nước đã có tên tuổi và kinh nghiệm làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài chưa. Nếu đã từng có dự án thành công thì rất có tiềm năng thu hút được các nhà đầu tư ngoại”, bà Khanh lưu ý.

Đại diện JLL nói thêm, dù số lượng giao dịch M&A vào phân khúc nhà ở có sự giảm tốc trong năm nay, nhưng các doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục kênh truyền thống của thị trường vốn thông qua hoạt động mua bán sáp nhập.

Trong những giao dịch được ghi nhận trên thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2020, vẫn có những thương vụ có giá trị rất lớn từ 500 triệu USD trở lên của những nhà đầu tư có tên tuổi trên thị trường quốc tế với giá trị danh mục quản lý nhiều tỉ USD.

Chẳng hạn như Mitsubishi Corporation, Nomura Real Estate Development và Vingroup thành lập liên doanh để cùng phát triển phân khu 10.000 căn hộ tại dự án Vinhomes Grand Park ở quận 9, TP.HCM. Một thương vụ đáng chú y khác là khoản đầu tư 650 triệu USD của nhóm nhà đầu tư do KKR dẫn dắt vào Vinhomes.

Một giao dịch khác được công bố gần đây là sự hợp tác giữa Swire Properties và City Garden JSC để cùng phát triển “The River”, một dự án khu dân cư cao cấp tọa lạc tại Thủ Thiêm, TP.HCM. Những thương vụ này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư trong khu vực vào sự phục hồi của thị trường sau tác động của dịch Covid-19.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.