CafeLand - Liên tiếp hứng chịu ba đợt ảnh hưởng COVID-19, mặt bằng cho thuê tại Đà Nẵng còn chưa kịp gượng dậy thì đợt dịch thứ tư đã tràn tới. Đi cùng chủ trương tăng cường kiểm soát dịch bệnh của chính quyền, mảng bất động sản này đang lâm vào cảnh bi đát.

Hơn một tháng trước, nhiều chủ mặt bằng cho thuê tại Đà Nẵng than thở rằng họ sẽ không thể cầm cự được nữa nếu tình hình tiếp tục xấu đi. Đợt dịch lần thứ tư ập tới đã biến mối lo lắng ấy thành sự thật.

Tới tấp trả mặt bằng

Chủ một chuỗi nhà hàng đặc sản nổi tiếng xứ Quảng cho CafeLand biết doanh nghiệp của ông có thể sẽ không trụ nổi tới giữa tháng 5/2021. Bảy mặt bằng đang thuê làm ăn phát đạt mấy năm nay, từ cuối năm 2020 đã cắt giảm xuống còn 3 nhà hàng và sắp tới có thể sẽ “chả còn cái nào”.

“Có lẽ, mình sẽ chuyển sang đầu tư nhỏ với người bạn cũ, làm quán ăn vặt vỉa hè, mong qua dịch vớt vát phần nào. Chứ hiện tại, không còn nguồn đâu để duy trì các nhà hàng nữa”, vị chủ chuỗi nhà hàng thở dài.

Bảng hiệu cho thuê mặt bằng hiện hữu ngày càng nhiều trên các trục phố Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Dương

Chủ mặt bằng cho thuê, là người đang hợp tác với doanh nghiệp này, cũng thở dài cho biết, ngoài hai mặt bằng vừa bị trả lại, anh còn vài mặt bằng khác trong trung tâm thành phố.

Nhưng kể từ tháng 3 vừa qua, tất cả đều xin dừng hoạt động. Các khách thuê đều là doanh nghiệp từ Hà Nội và TP.HCM đến Đà Nẵng đầu tư. Các mảng dịch vụ và thương mại đều điêu đứng trong năm 2020 vừa qua.

Sau Tết Tân Sửu, khách thuê lên kế hoạch làm ăn lại, nhưng chưa đầy hai tháng đã thấy tình hình còn khắc nghiệt hơn. Vậy nên dù không muốn, tất cả đều phải chấp nhận “cuốn cờ rút lui”.

Doanh nghiệp kinh doanh đua nhau trả mặt bằng đã khiến giới chủ nhà cho thuê Đà Nẵng lâm vào “túng bấn” suốt nhiều tháng qua. Họ không chỉ mất đi nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, mà còn phải chịu thêm chi phí bảo vệ, bảo dưỡng mặt bằng kinh doanh.

“Mỗi cửa hàng tháo dỡ đi sẽ là một mặt bằng nham nhở, mất mỹ quan, phải lo dọn dẹp hàng tuần cho sạch sẽ, mới có thể hy vọng người khác đến thuê”, chủ một mặt bằng lớn ở trục đường Hàm Nghi (Hải Châu, Đà Nẵng) mô tả.

Theo ông này, với mặt bằng trả lại 3 tầng hơn 200 m2, giờ đây mỗi tuần ông phải tự chi thêm tiền thuê bảo vệ trực, vệ sinh dọn dẹp, rồi chiếu sáng an ninh.

Không chỉ có các mặt bằng thuê lẻ, những trung tâm thương mại, cao ốc có văn phòng cho thuê, căn hộ cho thuê cũng đang trong tình cảnh khốn đốn tương tự. Các đơn vị thuê kinh doanh dịch vụ đều bị dịch bệnh “đánh cho tan tác”, mất lợi nhuận và lần lượt phải rời đi.

Dọc các con đường xưa nay sầm uất bảng hiệu của Đà Nẵng như Nguyễn Văn Linh, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Lê Duẩn… giờ đây là những tấm bạt, bảng hiệu cho thuê mặt bằng, căng ra và chờ đợi.

Chia sẻ khó khăn

Đại diện một đầu mối môi giới cho thuê và bán mặt bằng ở trung tâm Đà Nẵng cho biết nếu như ba năm trước việc tìm kiếm một mặt bằng cho khách thuê luôn là câu chuyện hoan hỉ, cả hai bên đều sẵn sàng “thưởng lớn” khi kết nối thành công, thì bây giờ tìm được một khách muốn thuê và chịu ký hợp đồng là hy hữu.

Không những giá nhà thuê, mặt bằng cho thuê giảm mạnh, mà những điều kiện ràng buộc của các chủ nhà cho thuê cũng phải linh hoạt theo. Họ không những chấp nhận “xé lẻ mặt bằng” cho nhiều khách sẻ chia với nhau, mà còn phải đồng ý gia hạn thời gian cho thuê không tăng giá, và việc trả tiền thuê theo tháng, theo quý chứ không theo năm như trước nữa.

Mới đây một số mặt bằng cho thuê bắt đầu áp dụng mô hình hợp tác, người cho thuê và người thuê sẽ cùng khai thác kinh doanh, có lợi nhuận thì mới tính vào tiền thuê. Với cách này, người thuê không phải chịu tiền mặt bằng hàng tháng nữa, mà chỉ trả tiền khi làm ăn có lãi.

Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, người thuê theo nhau trả mặt bằng, kể cả những vị trí đắt giá. Ảnh: Nguyễn Dương

“Kinh tế sa sút, cầm cự được rồi mới tính tiếp”, chủ một quán trà sữa trân châu ngay trung tâm Đà Nẵng cho biết.

Bên cạnh việc giảm giá, sẻ chia lợi nhuận, một số chủ mặt bằng cho thuê còn tìm cách hợp tác với người thuê để “giữ thế mặt bằng” khi chấm dứt hợp đồng. Đó là người thuê vẫn giữ nguyên hiện trạng cửa hàng cửa hiệu, chỉ là để bảng tạm dừng để sửa chữa, nâng cấp mặt bằng; chủ mặt bằng sẽ bảo quản mặt bằng ổn định.

Việc này giúp mặt bằng thuê vẫn giữ được vẻ khang trang đẹp đẽ, và trên hợp đồng thuê vẫn giữ được giá thuê ban đầu.

“Cứ nghĩ xem, trước đây mặt bằng này 20 triệu đồng/tháng, giờ dịch bệnh bị trả lại, người đến sau sẽ trả giá còn tầm 12-15 triệu đồng thôi. Nếu mặt bằng bị tháo dỡ, bẩn thỉu nhếch nhác, người ta còn giảm tiếp... Hợp tác như thế, chủ mặt bằng thuê có lợi hơn là để người thuê dọn đi”, một môi giới giàu kinh nghiệm cho biết.

Bao giờ mặt bằng cho thuê ở Đà Nẵng trở lại được như xưa? Với tình hình dịch bệnh đang tiếp tục lan rộng như hiện nay, có lẽ không một ai có thể trả lời được câu hỏi này.

  • Mặt bằng trung tâm tiếp tục đìu hiu

    Mặt bằng trung tâm tiếp tục đìu hiu

    CafeLand – Mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố trung tâm TP.HCM vẫn tiếp tục tình cảnh “cửa đóng then cài”. Nhiều chủ nhà chấp nhận giảm mạnh tiền thuê nhưng khách vẫn không mặt mà bởi lo ngại hoạt động kinh doanh bếp bênh nếu dịch bệnh bùng phát.

Nguyễn Dương
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.