18/04/2021 2:10 PM
CafeLand – Mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố trung tâm TP.HCM vẫn tiếp tục tình cảnh “cửa đóng then cài”. Nhiều chủ nhà chấp nhận giảm mạnh tiền thuê nhưng khách vẫn không mặt mà bởi lo ngại hoạt động kinh doanh bếp bênh nếu dịch bệnh bùng phát.

Ông Duy, người sở hữu mặt bằng có diện tích hơn 50m2 trong một con hẻm trên đường Nguyễn Trãi, quận 1 đang lo lắng bởi nhiều tháng nay mặt bằng để trống. Nếu như trước đây, mỗi tháng ông bỏ túi đều đặn 30 triệu đồng tiền cho thuê nhà thì nay chấp nhận giảm xuống còn chỉ 18 triệu đồng vẫn không tìm nổi khách thuê.

Mặt tiền đường Nguyễn Trãi tình trạng mặt bằng đóng cửa san sát đã kéo dài hơn 1 năm nay kể từ khi dịch bệnh Covid – 19 xuất hiện. Tuyến phố trung tâm vốn nổi tiếng với những cửa hàng thời trang hoạt động nhộn nhịp nay đìu hiu.

Một chủ cửa hàng trên tuyến đường này cho biết, trước đây hoạt động kinh doanh thuận lợi phụ thuộc vào lượng du khách trong và ngoài nước tấp nập. Nhưng từ khi dịch bệnh xuất hiện du khách không còn, đặc biệt là khách quốc tế khiến mua bán chẳng được bao nhiêu. Dù chủ nhà đã giảm mạnh giá thuê so với trước nhưng không cứu nổi khách thuê phải trả mặt bằng.

Khảo sát thực tế hiện nay, trên nhiều tuyến phố trung tâm như Nguyễn Trải, Lê Lai, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng… mặt bằng kinh doanh bị bỏ trống vẫn còn rất nhiều.

Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, dịch bệnh kéo dài và còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khiến tâm lý của khách thuê lo ngại. Một số khác trả mặt bằng để chuyển đổi sang hình thức kinh doanh online. Do đó, dù nhiều chủ nhà đã giảm mạnh giá thuê nhưng tình trạng trả mặt bằng vẫn tiếp tục diễn ra.

“Hoạt động kinh doanh có trở lại tốt như xưa hay không phụ thuộc rất lớn vào tình hình sắp tới. Liệu sau khi có vắc xin các chuyến bay quốc tế có được mở để du khách quay trở lại. Bên cạnh đó, cũng cần có thêm những gói hỗ trợ kịp thời để các chủ kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt”, một chuyên gia cho biết.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.