Nhận định này gần như trái ngược các thông tin thị trường gần đây, đánh giá tình hình kinh doanh bất động sản ven biển Đà Nẵng đang sôi động trở lại, các dự án bán ra đều có dấu hiệu giao dịch tốt.
Thiếu cung, giảm cầu?
Tuy nhiên, đại diện CBRE khẳng định vẫn giữ nguyên đánh giá của đơn vị mình, bởi cần phân biệt rõ 2 phân khúc sản phẩm ở lĩnh vực này, là nhóm căn hộ khách sạn cho thuê (condotel) và các biệt thự ven biển Đà Nẵng.
“Trong 9 tháng qua, các condotel được quảng cáo tốt và giao dịch nhanh, vì đây là phân khúc sản phẩm mới, đang được các chủ đầu tư dự án lớn quan tâm. Việc lựa chọn sản phẩm này cũng là một hướng đi mới trong thị trường bất động sản khu vực, khác với trước đây chỉ có biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ để ở, nên càng khiến người mua quan tâm”. Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc bộ phận khảo sát thị trường CBRE Việt Nam phân tích.
Trái ngược với tình hình các condotel, bà Dương cho rằng các biệt thự nghỉ dưỡng giảm sút cả nguồn cung lẫn lượng cầu. Hiện nay, nhóm sản phẩm này chỉ mới có 1 dự án được chào bán lại, đó là dự án The Osean Estate (thuộc VinaCapital) với số lượng 33 căn.
Còn lại, các dự án khác đều “đóng băng”, kể cả những dự án từng giao dịch sôi động như Osean Villas, Hyatt Regency,...
Phân tích của CBRE còn cho thấy, các khu biệt thự nghỉ dưỡng biển còn bộc lộ nhiều nhược điểm trong quy hoạch phát triển, đáp ứng đa dạng nhu cầu người mua hơn, điều mà trước đây, trong giai đoạn sôi động ít bị để ý. Do đó, có dự án còn phải tạm dừng bán ra, có dự án phải lo điều chỉnh lại thiết kế xây dựng, chỉnh trang hạ tầng...
Cần một cách đi khác?
Xét từ thực trạng được CBRE miêu tả, một đại diện sàn giao dịch tại quận Ngũ Hành Sơn thổ lộ, nhóm sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng biển Đà Nẵng, kể cả các biệt thự “giá triệu đô” đắt khách trước đây, đang “cần có một cách đi khác” để đổi mới và thu hút khách.
Thứ nhất, thay vì được bố trí riêng biệt trong những ô quy hoạch thuộc các dự án nghỉ dưỡng biển rộng hàng nghìn mét vuông, xung quanh ít tiếp cận cư dân và các hoạt động xã hội khác, các biệt thự nghỉ dưỡng biển cần có một môi trường tương tác tốt hơn.
“Chí ít, những người ở tại các biệt thự cũng cần tiếp xúc cư dân địa phương, mua hải sản hay thực phẩm tươi của họ, không chỉ gói gọn ở nguồn cung ứng, dịch vụ mà các resort cung cấp. Họ cũng cần những dịch vụ hỗ trợ bên ngoài, như y tế, chợ búa, trường học... dù có thể không sử dụng các dịch vụ đó thường xuyên”. Đại diện sàn giao dịch này nói.
Thứ hai, khi các nhà đầu tư đã định hình nên phân khúc sản phẩm mới ven biển, là các căn hộ khách sạn (condotel), thì tiêu chí đầu tư cho các biệt thự nghỉ dưỡng biển cũng nên điều chỉnh lại.
Điều dễ thấy là hiện nay, các dự án đầu tư lớn ở Đà Nẵng, như dự án khu căn hộ Ariyana (tập đoàn Sovico) là những condotel phục vụ khách du lịch MICE, hay dự án Cocobay (tập đoàn Empire) có các condotel gắn với nhu cầu khu vui chơi giải trí.
Thay đổi này tạo nên những nhu cầu nghỉ dưỡng biển sôi nổi hơn, khác với hình thức biệt thự du lịch nghỉ dưỡng chỉ là những quần thể nhà ở tách rời với xung quanh, thuần túy nghỉ ngơi và lưu trú độc lập.
Theo CBRE, bởi vẫn còn co cụm trong tư duy khai thác cũ, tập trung vào yếu tố nghỉ dưỡng thuần túy, tách biệt nhu cầu sinh hoạt khác, mà các biệt thự nghỉ dưỡng biển Đà Nẵng đang trở nên yếu thế, trong chính cơ hội sôi động trở lại của bất động sản du lịch tại đây.