25/09/2023 9:03 AM
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc dường như cũng vô tình tạo ra một số điểm tích cực, bao gồm việc bảo vệ môi trường thông qua hình thức giảm thiểu lượng khí thải từ ngành xi măng.

Trung Quốc hiện là thị trường xây dựng lớn nhất thế giới nên quốc gia này cũng là nước sản xuất xi măng hàng đầu với sản lượng sản xuất khoảng 2 tỷ tấn/năm, tương đương hơn một nửa tổng sản lượng sản xuất của thế giới, theo dữ liệu từ Hiệp hội Xi măng Thế giới.

Việc sử dụng nhiều lò đốt than trong quá trình sản xuất khiến việc sản xuất xi măng trở thành một ngành kinh doanh gây phát thải lớn. Theo Global Carbon Atlas, ngành xi măng của Trung Quốc thải ra 853 triệu tấn carbon dioxide vào năm 2021, gấp gần 6 lần so với quốc gia sản xuất xi măng lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ.

Theo Fidelity International, ngành xi măng chiếm khoảng 12% tổng lượng khí thải carbon tại Trung Quốc, và cùng với thép là một trong những ngành phát thải khí nhà kính lớn nhất.

Tuy nhiên, với việc các dự án nhà ở hình thành trong tương lai bị đình trệ do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ tại các công ty bất động sản ở Trung Quốc, sản lượng sản xuất và mức độ sử dụng xi măng có thể giảm trong vài tháng tới, qua đó tạo ra những hiệu ứng tích cực với môi trường.

Các ông lớn bất động sản gặp khó

Thị trường bất động sản chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Trung Quốc và trong nhiều năm, Bắc Kinh đã sử dụng sức nặng của lĩnh vực này để tác động đến hướng đi của phần còn lại của nền kinh tế bằng cách thúc đẩy việc cho vay đối với những người có ý định mua nhà và các dự án xây dựng quy mô lớn.

Tuy nhiên, các nhà phát triển bất động sản lớn đã phải gánh những khoản nợ kỷ lục trong vài năm gần đây, khiến mức vay phải chậm lại, gây lo ngại cho các nhà đầu tư và làm chậm chi tiêu trên toàn nền kinh tế.

China Evergrande Group, từng là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, đã vỡ nợ vào cuối năm 2021, trong khi nhà phát triển hàng đầu Country Garden cũng đã cạn kiệt nguồn dự trữ tiền mặt.

Những lo ngại về sự lao dốc của toàn bộ ngành bất động sản đã khiến các hộ gia đình hạn chế chi tiêu, từ đó dẫn đến việc doanh số bán lẻ sụt giảm và gây ra nhiều vấn đề hơn với nền kinh tế.

Bắc Kinh đã vào cuộc bằng một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ ngành bất động sản, bao gồm nới lỏng các quy định cho vay đối với các ngân hàng và hạ thấp tiêu chuẩn cho vay đối với những người mua nhà.

Tuy nhiên, giá bất động sản tại các thị trường trọng điểm vẫn chịu áp lực. Điều này đã làm giảm sự quan tâm của người mua và tăng thêm áp lực cho các nhà đầu tư cũng như chủ sở hữu tài sản.

Nhu cầu sử dụng xi măng giảm

Việc các hoạt động xây dựng trên khắp Trung Quốc đang chậm lại, thậm chí một số công trường đã ngừng hoạt động hoàn toàn, sản lượng sản xuất xi măng có thể giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm vào năm 2023.

Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8, tổng sản lượng xi măng tại Trung Quốc là 11,36 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức thấp nhất trong cùng kỳ trong ít nhất 10 năm gần đây, theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Ngoài việc cắt giảm sản lượng để ứng phó với triển vọng nhu cầu nội địa ảm đạm trong lĩnh vực bất động sản, các nhà máy xi măng có thể buộc phải hạn chế sản lượng sản xuất trong những tháng mùa đông như một phần trong nỗ lực nhằm hạn chế lượng khí thải từ các khu công nghiệp trong mùa cao điểm để sưởi ấm bằng than.

Một số nhà sản xuất xi măng có thể sẽ tìm cách tăng cường xuất khẩu như cách để bù đắp chov iệc doanh số bán hàng nội địa giảm. Tính riêng trong tháng 7, tổng sản lượng xuất khẩu xi măng của Trung Quốc đã đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2019.

Dù vậy, các công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đơn vị có chi phí thấp hơn ở Việt Nam, vốn cũng là nước xuất khẩu xi măng hàng đầu. Trong nửa đầu năm 2023, tổng sản lượng xi măng xuất khẩu tại Việt Nam đã tăng lên gần 3%, theo dữ liệu từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA).

Một số công ty Trung Quốc có thể sẵn sàng chịu lỗ để xuất khẩu trong một thời gian trong khi chờ đợi sự rõ ràng hơn về triển vọng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, do hoạt động xây dựng trên toàn cầu giảm trong bối cảnh lãi suất cao ở hầu hết các quốc gia, cũng như mức xuất khẩu xi măng cao từ các nhà sản xuất chủ chốt khác như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Indonesia, các công ty Trung Quốc có chi phí cao có thể bị buộc phải nhanh chóng thu hẹp sản lượng để phù hợp với bối cảnh hiện tại của ngành xây dựng.

Nếu mọi chuyện diễn ra như dự tính, lượng khí thải của ngành này cũng sẽ giảm, mang lại lợi ích về khí hậu cho Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang lao dốc.

Anh Nguyễn (Reuters)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.