23/02/2020 9:50 AM
Việc ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nắm giữ và phát hành lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) dễ dẫn tới những rủi ro tiềm ẩn cho thị trường và nhà đầu tư nếu nhóm doanh nghiệp này gặp khó khăn về thanh khoản.

Năm 2019, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đạt 106.500 tỉ đồng, chiếm 38% tổng phát hành toàn thị trường. Ảnh: Lê Tiên

TPDN chiếm tỷ trọng lớn

Câu chuyện Tập đoàn Novaland gửi thư cầu cứu tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng mới đây xin tiếp tục thực hiện Dự án Khu dân cư Bình Khánh khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ. Bởi, dù kết thúc năm 2019 với mức lợi nhuận hơn 3.200 tỷ đồng, song không khó để nhận thấy những đổi lớn trong cơ cấu nợ của Novaland, liên quan tới các dự án BĐS đang triển khai.

Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng nguồn vốn của Novaland đạt gần 90.000 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng hơn 30%, tương ứng 20.000 tỷ đồng, so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, quá nửa nguồn vốn tăng trong năm 2019 đến từ các khoản vay nợ. Trong đó, hai nguồn tài trợ vốn lớn nhất là vay ngân hàng và phát hành trái phiếu, chiếm tỷ trọng lần lượt 42% và 37% trên tổng các khoản vay của Novaland. Trái chủ của Novaland chủ yếu là các ngân hàng trong và ngoài nước, có quan hệ tín dụng với doanh nghiệp này.

Quan sát rộng hơn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS, một điểm đáng lo là dòng tiền kinh doanh - yếu tố thể hiện mức độ lành mạnh trong hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp - liên tục âm trong nhiều năm. Điều này phản ánh thực tế hàng hoá tiêu thụ chậm, dẫn đến giá trị hàng tồn kho cao, dự phòng giảm giá và khấu hao lớn. Để bù đắp, nhiều doanh nghiệp BĐS lựa chọn huy động vốn qua kênh TPDN.

Trên thị trường trái phiếu, tổng giá trị vốn huy động qua kênh TPDN trong năm 2019 tăng trưởng tới 25%, đạt 280.141 tỷ đồng. Kết quả này giúp quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam tăng mạnh từ mức 9,01% GDP trong năm 2018 lên khoảng 11,3% GDP vào cuối năm 2019.

Trong đó, tổng lượng trái phiếu BĐS phát hành năm 2019 đạt 106.500 tỷ đồng, chiếm 38% tổng phát hành toàn thị trường và chỉ xếp sau nhóm ngân hàng. Kỳ hạn bình quân của nhóm này là 3,7 năm với lãi suất bình quân là 10,3%/năm.

Bước sang tháng 1/2020, tổng lượng phát hành TPDN đạt 13.374 tỷ đồng. Trong đó, nhóm doanh nghiệp BĐS phát hành 7.364 tỷ đồng, chiếm 55% tổng lượng phát hành.

Nỗi lo tăng trưởng nóng

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng, việc các doanh nghiệp BĐS sẵn sàng chịu mức lãi suất cao để “hút” vốn qua trái phiếu kéo theo không ít lo ngại về rủi ro trên thị trường, đặc biệt là khó khăn về thanh khoản.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính hiện đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP để trình Chính phủ. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp phải bảo đảm dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không quá 3 lần vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo quy định khống chế về thời gian giữa các đợt phát hành và lãi suất phát hành trái phiếu.

Theo ông Bảo, việc sửa đổi điều kiện phát hành TPDN không nên hiểu là siết thị trường trái phiếu. “Việt Nam vẫn phải khuyến khích thị trường TPDN phát triển, song cũng cần điều chỉnh để thị trường đi vào khuôn khổ, hạn chế tối đa tiêu cực”, ông Bảo nói.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, phát hành trái phiếu là một cộng cụ tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi trái phiếu giống như tờ giấy nợ của doanh nghiệp. Trường hợp sức khỏe doanh nghiệp không tốt, rủi ro đối với người mua trái phiếu rất lớn.

“Ở Mỹ, có những doanh nghiệp như Moody’s hay Standard & Poor's, họ đưa ra những điểm xếp hạng tín nhiệm. Các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu trên thị trường thì trái phiếu bắt buộc phải được xếp hạng. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có hệ thống xếp hạng và đánh giá tín nhiệm để doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu chứ chưa nói tới doanh nghiệp được xếp hạng. Đây là vấn đề mà Chính phủ cần quan tâm”, ông Hiếu chia sẻ.

Việt Nam vẫn phải khuyến khích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, song cũng cần điều chỉnh để thị trường đi vào khuôn khổ, hạn chế tối đa tiêu cực.

Từ thực tế nêu trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng trưởng nóng của thị trường TPDN kéo theo những lo ngại về khả năng quản lý đi sau tốc độ huy động vốn.
Theo Đấu Thầu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.