CafeLand - Sau một thời gian phát triển khá cầm chừng, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tại Việt Nam đang có những chuyển biến đáng kể, với sự góp mặt của khá nhiều thương hiệu trong nước lẫn quốc tế, theo Savills Việt Nam.

Sự tham gia của nhiều thương hiệu tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt đối với các cửa hàng tiện lợi

Theo đơn vị tư vấn này, cửa hàng tiện lợi không phải là nhân tố mới xuất hiện trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Cách đây chừng một thập niên đã có những chuỗi cửa hàng tiện lợi nội địa ra đời. Song mô hình này chưa thành công bởi nhiều yếu tố, trong đó có giá thành và tâm lý “tiện lợi có đáng để bỏ tiền”.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm tìm đường, trào lưu này đã quay lạị với những diện mạo và chiến lược bài bản hơn từ những thương hiệu quốc tế cũng như sự gia nhập của các đơn vị nội địa.

Theo khảo sát người tiêu dùng được thực hiện vào năm 2017, tỷ lệ người tiêu dùng thích đến các cửa hàng tiện lợi là 17%, cao hơn rất nhiều mức 4% vào năm 2015.

Tại TP.HCM, các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đang xuất hiện ồ ạt với hơn 1.000 địa điểm tại TP.HCM như Family Mart, B’s mart, Circle K, Ministop, Shop&Go, Vinmart… đang dần thay thế cho loại hình tạp hóa truyền thống.

Sự đổ bộ của các thương hiệu 7Eleven và GS 25 vào thị trường Việt Nam cũng hứa hẹn tạo nên sự sôi động cho sân chơi này.

Theo kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của Family Mart (Nhật Bản), dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020 tại Việt Nam còn 7-Eleven (Nhật Bản) sẽ mở rộng hoạt động với 1.000 cửa hàng tại Việt Nam sau 10 năm (2027).

Trong khi đó, các thương hiệu Việt Nam cũng tích cực mở rộng thị phần như chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam - Vinmart+ dự kiến sẽ có 4.000 cửa hàng vào năm 2020.

Tuy nhiên, thách thức dành cho những “người mới” này cũng đến từ sự thông thuộc thị trường của các đối thủ từ nội đến ngoại, vốn đã có nhiều kinh nghiệm và bài học đáng kể trong thời gian dài.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn Savills TP.HCM nhận định, “việc tham gia của nhiều thương hiệu tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt đối với các cửa hàng tiện lợi do sự tập trung ngày càng dày của các cửa hàng trong một khu vực, trong khi đó, loại hình sản phẩm lại giới hạn và chi phí thuê mặt bằng cao”.

Dù vậy bà Trang cũng cho rằng, so với các nước trong khu vực, mật độ bán lẻ của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp và là cơ hội cho các nhà bán lẻ lớn nắm bắt tốt hành vi tiêu dùng tại đây cũng như xác định thị trường mục tiêu rõ ràng.

Bùng nổ các khu mua sắm ngoài trung tâm

Bên cạnh sự phát triển rầm rộ của các cửa hàng tiện lợi, xu hướng nguồn cung thị trường bán lẻ đang dịch chuyển ra khu vực ngoài trung tâm cũng đang hình thành khá rõ rệt.

Thống kê cho thấy, phần nguồn cung bán lẻ khu vực ngoài trung tâm tăng liên tục từ mức 79% vào năm 2013 lên mức 87% vào quý 3/2018. Các trung tâm thương mại ngoài trung tâm đa số nằm trong các dự án phức hợp với quy mô nhà ở lớn và trong khu vực có tốc độ đô thị hóa cao như quận 2 và 7.

Lý do chính giải thích cho xu hướng này là quỹ đất dồi dào, mật độ dân số cao và nhiều khu dân cư mới phát triển nhanh cùng với sự phát triển hạ tầng giao thông kết nối ngày càng cải thiện.

Trước đó theo báo cáo của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, tính đến quý 3/2018, tổng nguồn cung trung tâm thương mại tại TP.HCM đạt 989.403 m2, tăng 15,3% theo năm. Đáng chú ý là hiện mặt bằng bán lẻ ở khu vực ngoài trung tâm chiếm đến 80% tổng nguồn cung và trong thời gian tới, tỷ lệ này có thể tiếp tục tăng lên.

Dù cho ở khu vực nào, các chuyên gia cũng cho rằng, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam đã và đang thay đổi nhanh trong những năm gần đây. Vì lẽ này, cả chủ đầu tư và khách thuê đều phải có những thay đổi trong ý tưởng phát triển cũng như hình thức kinh doanh.

Điều này có thể nhận thấy khi nhiều dự án trung tâm thương mại hướng đến việc gia tăng tỷ lệ khách thuê F&B (ẩm thực) và vui chơi giải trí để đáp ứng những nhu cầu dành cho lĩnh vực này của khách hàng. Theo đó, lưu lượng khách đến trung tâm tăng lớn sẽ hổ trợ cho các loại hình khách thuê khác, từ đó tạo sức hút chung cho dự án.

Bà Võ Thị Phương Mai, Trưởng Bộ phận Dịch vụ bán lẻ của Cushman & Wakefield Việt Nam, nhận định, “cơ cấu hoạch định ngành hàng trong các trung tâm thương mại hiện vẫn tập trung chủ yếu vào nhóm F&B. Ví dụ như hơn 40% số khách thuê của The Estella Place là các nhãn hàng F&B. Golden Gate, Red Sun và Mesa Group vẫn là nhóm khách thuê lớn tại đây.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.