03/05/2025 7:45 AM
Nền kinh tế Mỹ suy giảm 0,3% trong quý I/2025, lần giảm đầu tiên trong ba năm, chủ yếu do các mức thuế quan dưới thời ông Trump. Hoạt động nhà máy tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, trong khi GDP của Đài Loan tăng vọt 5,4% nhờ xuất khẩu công nghệ trước thuế. Châu Âu tăng trưởng 0,4% trước khi thuế quan có hiệu lực, còn Canada đang trên đà không đạt được kỳ vọng về GDP.

Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump qua các con số- Ảnh 1.

Nền kinh tế Mỹ suy giảm 0,3% trong quý I/2025, lần giảm đầu tiên trong ba năm, chủ yếu do các mức thuế quan dưới thời ông Trump.

Nền kinh tế Mỹ: Một bức tranh pha trộn

Nền kinh tế Mỹ giảm 0,3% trong quý I/2025 - lần đầu tiên sụt giảm kể từ năm 2022. Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu trước khi mức thuế cao hơn của ông Trump có hiệu lực.

Mặc dù vậy, ông Trump vẫn kiên định và quy trách nhiệm cho người tiền nhiệm: “Đây là Thị trường chứng khoán của Biden, không phải của Trump”, ông nói. “Đất nước chúng ta sẽ bùng nổ trở lại, nhưng phải loại bỏ ‘gánh nặng Biden’. Điều này sẽ mất thời gian, KHÔNG LIÊN QUAN GÌ ĐẾN THUẾ, mà là vì ông ta để lại các con số tồi tệ”.

Tuy nhiên, chính sách thuế đã tạo ra sự bất ổn rõ ràng trong thị trường và giới doanh nghiệp Mỹ. Nhiều công ty hạ dự báo lợi nhuận hoặc từ chối đưa ra hướng dẫn tài chính do thiếu chắc chắn.

Chỉ số Dow Jones giảm 466,73 điểm (1,15%) xuống 40.061,02; S&P 500 giảm 1,5% còn 5.477,54; Nasdaq mất 1,97% còn 17.117,58. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng PCE không đổi, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ổn định, đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu giảm nhẹ.

Trung Quốc: Các nhà máy chao đảo

Chỉ số PMI sản xuất Trung Quốc rơi xuống 49,0 trong tháng 4 – mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023 – cho thấy hoạt động công nghiệp đang co lại. Xuất khẩu Trung Quốc từng tăng mạnh hơn 12% trong tháng 3 do doanh nghiệp “chạy trước” các mức thuế 145% từ Mỹ có hiệu lực từ tháng 4.

Trung Quốc đáp trả bằng thuế lên tới 125% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Khi các lô hàng chậm lại trong tháng 4, hoạt động nhà máy cũng đi xuống. Nhu cầu nội địa yếu và lĩnh vực sản xuất phục thuộc xuất khẩu đang chịu áp lực nặng nề.

IMF, Goldman Sachs và UBS đều hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, dự đoán nước này không đạt được mục tiêu kinh tế năm 2025.

Châu Âu: Tăng trưởng ngắn hạn

Eurozone tăng trưởng 0,4% trong quý I/2025, nhờ xuất khẩu sang Mỹ trước khi thuế mới được áp dụng. Tuy nhiên, vào ngày 2/4, chỉ hai ngày sau khi quý kết thúc, ông Trump áp thuế 20% với hàng hóa EU. Kết hợp với các mức thuế trước đó với thép, nhôm và ô tô, điều này khiến các dự báo kinh tế khu vực bị hạ cấp.

Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục hạ lãi suất (lần thứ bảy trong chu kỳ hiện tại). Lạm phát giảm còn 2,2%, mở ra khả năng tiếp tục nới lỏng tiền tệ.

Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – bị ảnh hưởng nặng. Quốc hội Đức vừa thông qua gói đầu tư 500 tỷ euro (570 tỷ USD) để kích thích hạ tầng, nhưng chính phủ liên bang đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay về mức 0%, sau hai năm suy thoái liên tiếp.

Đài Loan và Ấn Độ: Hưởng lợi ngắn hạn

Đài Loan tăng trưởng 5,4% trong quý I/2025 – mức cao nhất kể từ đầu 2024 – nhờ xuất khẩu công nghệ tăng mạnh trước khi thuế Mỹ có hiệu lực. Cục Thống kê Đài Loan nâng dự báo tăng trưởng cả năm lên 3,6%.

Các tập đoàn như TSMC, Apple, Nvidia đóng vai trò quan trọng. TSMC ghi nhận lợi nhuận ròng quý I tăng 60% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ nhu cầu chip cho AI.

Ấn Độ thận trọng hơn. Deloitte dự báo GDP tăng từ 6,5% đến 6,7% cho năm tài khóa hiện tại, và từ 6,3% đến 6,5% cho năm tài khóa 2025. Gói kích thích thuế trị giá 1 lakh crore rupee (12 tỷ USD) được chính phủ Ấn công bố nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Deloitte cho biết sự tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào hai lực đối lập: chính sách nội địa hỗ trợ và rủi ro từ thương mại toàn cầu. Một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ dự kiến được ký vào mùa thu có thể giúp Ấn Độ giảm rủi ro thuế và mở rộng xuất khẩu.

Thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh

Thị trường chứng khoán châu Âu xóa sạch đà tăng đầu quý sau khi dữ liệu GDP Mỹ được công bố. STOXX 600 giảm 0,12%, FTSEurofirst 300 giảm 0,18%.

Tại châu Á, tâm lý lạc quan hơn. Chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương (trừ Nhật) tăng 0,78%, Nikkei Nhật tăng 0,57% lên 36.045,38 điểm. Các thị trường mới nổi cũng đi lên.

Thị trường tiền tệ cũng phản ứng mạnh. Chỉ số đô la Mỹ tăng 0,26% lên 99,42. Đồng euro giảm còn 1,1363 USD; yên Nhật giảm còn 142,75/USD; bảng Anh giảm còn 1,3339 USD; peso Mexico giảm 0,35%. Ngược lại, đô la Canada tăng nhẹ 0,08%.

Thị trường dầu sụt giảm mạnh: Dầu thô Mỹ giảm 1,89% còn 59,30 USD/thùng; dầu Brent giảm 1,6% còn 63,22 USD/thùng – mức giảm sâu nhất trong 3 năm rưỡi. Giá vàng cũng đi xuống: vàng giao ngay giảm 0,39% còn 3.302,72 USD/ounce, vàng tương lai giảm 0,66% còn 3.297,00 USD.

Các mức thuế của ông Trump đã định hình lại trật tự thương mại toàn cầu với hậu quả rõ rệt. Một số quốc gia như Đài Loan và Ấn Độ có lợi ngắn hạn, nhưng các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Đức đã phải trả giá.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.