Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) là dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 26-6-2015 và Chính phủ đã có Quyết định 1777/QĐ-TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 109.111.742 tỷ đồng (tương đương 4,664 tỷ USD).

Dự kiến các đường bay quốc tế kết nối sân bay Long Thành

Mục tiêu là xây dựng sân bay Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), công suất đạt 100 triệu lượt khách/năm và 6 triệu tấn hàng hóa. Hạng mục đầu tiên của dự án sân bay đã được khởi công các hạng mục đầu tiên vào ngày 5-1-2021, phấn đấu khai thác thương mại vào năm 2025, tạo cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho tỉnh Đồng Nai mà còn khu vực Đông Nam bộ và cả nước.

Chuyển dịch cơ cấu ngành nghề

Không phải đợi đến ngày khởi công, người ta mới nhận ra những tác động mà dự án mang lại, mà thực sự từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đến nay, đời sống người dân có nhiều thay đổi trong bối cảnh quá trình đô thị hóa ở xã Bình Sơn cũng như huyện Long Thành được thúc đẩy mạnh.

Đầu tiên là việc người dân có đất thuộc diện thu hồi làm dự án được bồi thường một số tiền lớn để đầu tư làm ăn, chuyển dịch việc làm từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác. Nếu trước khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, đất nông nghiệp ở khu vực quanh sân bay giá chỉ trên dưới 1 tỷ đồng/ha, hơn 1 năm sau giá đã tăng gấp 10 - 15 lần. Còn giá đất nhà nước bồi thường, hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi để làm sân bay bình quân khoảng 400 triệu đồng/ha. Mức này chỉ bằng 1/4 so với giá thị trường nhưng với người dân có nhiều diện tích đất thì đó cũng là cái giá chấp nhận được. Ông Võ Đình Việt ở thị trấn Long Thành có 4,4ha đất trồng cao su, mua từ năm 2002, được bồi thường, hỗ trợ (đất, vườn cây) tổng cộng 21,4 tỷ đồng. Gia đình ông đã dùng phần lớn số tiền này để trả nợ vay làm khách sạn 3 sao, nhà hàng ở trung tâm thị trấn từ năm 2016 và đầu tư đất. Tương tự, ông Tuấn là viên chức nhà nước ở TP Đà Lạt, đã thuyết phục cha mẹ dùng tiền nhà nước bồi thường 8ha đất bị thu hồi để mua đất ở Đà Lạt và chuyển hẳn gia đình lên phố núi sinh sống.

Việc triển khai dự án còn mở ra cơ hội phát triển ngành dịch vụ - tài chính cho tỉnh Đồng Nai và thu hút được các ngân hàng lớn đặt chi nhánh, văn phòng giao dịch, qua đó giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Đồng Nai lẫn Đông Nam bộ. Trong đó, chỉ riêng việc giải ngân số vốn gần 1 tỷ USD cho dự án bồi thường, thu hồi 5.000ha đất sân bay, người dân được bố trí tái định cư làm nhà, hoặc tự mua đất xây nhà đã tạo ra thêm nhiều việc làm cho ngành ngân hàng, dịch vụ môi giới đất, vật liệu xây dựng…

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, ngay từ khi sân bay Long Thành chưa khởi công, số nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh đã nhiều hơn trước. Khi sân bay đi vào hoạt động ổn định với hệ thống giao thông được kết nối hoàn chỉnh, chắc chắn sẽ kích thích thu hút đầu tư vào khu vực Đông Nam bộ.

Phát triển công nghệ

Tuy nhiên, điều mà giới chuyên gia kinh tế trong nước mong đợi chính là quá trình tiếp cận, chuyển giao các công nghệ hiện đại nhất, mới nhất trong quá trình thi công xây dựng, lắp đặt máy móc - thiết bị từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng tâm sự: Trong kế hoạch phát triển những năm tới, tỉnh đã lấy việc xây dựng sân bay Long Thành làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi đã đi các sân bay quốc tế xem họ có gì để về xây dựng lại quy hoạch khu vực xung quanh sân bay với các chính sách rõ ràng. Tỉnh đầu tư cái gì, tư nhân đầu tư cái gì, để quyết tâm xây dựng cho được thành phố sân bay và việc dự án được đầu tư xây dựng chính là cơ hội để phát triển công nghệ cao, tạo thêm lợi thế cho Đồng Nai phát triển các KCN công nghệ cao, hướng tới xuất khẩu.

Tỉnh Đồng Nai sẽ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giao thông với các huyện xung quanh - kết nối 2 trục giao thông liên kết các huyện với hạ tầng sân bay, như tuyến tỉnh lộ 763 từ Xuân Lộc vòng phía sau sân bay đi quốc lộ 51 và Định Quán với cao tốc TPHCM - Dầu Giây để tăng thêm cơ hội phát triển công nghiệp - dịch vụ các huyện một cách tốt hơn. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ quy hoạch lại phát triển nông nghiệp ở các huyện xa theo hướng rõ hơn, phân định vùng nào trồng cây gì (cây ăn quả, cây rau màu), nuôi con gì, từ đó đầu tư hạ tầng đường, điện, hạ tầng để nông dân chỉ lo sản xuất theo chuỗi, gắn với cung ứng, với thị trường. Tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo kiểu Israel và sẽ có chuyên gia nước này đồng hành cùng nông dân, xây dựng các mô hình mẫu để nhân rộng.

Còn với TPHCM, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, sẽ góp phần giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, đồng nghĩa sẽ giảm bớt áp lực kẹt xe ở quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng để mục tiêu này trở nên khả thi, cần sớm có hệ thống đường sắt đô thị trên cao, nối 2 sân bay với nhau và tăng cường đầu tư hệ thống giao thông kết nối, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm qua sân bay như: cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 và cầu Cát Lái để giảm áp lực cho giao thông qua nội đô TPHCM (tại khu vực cảng Cát Lái, quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh, quốc lộ 22 qua 2 huyện Hóc Môn, Củ Chi).

Quang Phú (Sài Gòn Giải Phóng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.