29/12/2020 10:27 AM
Trải qua 2 đợt dịch Covid-19, thị trường bất động sản vẫn khá im ắng, nhiều người ôm nợ vì vay tiền ngân hàng lướt sóng theo cơn sốt đất.

"Còng lưng" trả lãi ngân hàng

Nhờ cơn sốt đất trong 2 năm 2018 và 2019, nhiều người may mắn kiếm tiền tỷ chỉ sau một đêm, nhưng cũng có không ít người ngậm quả đắng vì chạy theo cơn sốt đất.

Câu chuyện của chị T, ở xã Tịnh Ấn Đông (TP. Quảng Ngãi), một cán bộ đang công tác tại một cơ quan nhà nước "dở khóc dở cười" khi bị lừa cay đắng.

Thấy bạn bè đầu tư "lướt sóng" theo bất động sản, năm ngoái, chị T cũng đánh liều tham gia. Tích lũy được 250 triệu đồng, vợ chồng chị T mượn thêm của bố mẹ hai bên tậu căn nhà cấp bốn cũ trong hẻm nhỏ ở trung tâm thành phố trị giá 830 triệu đồng.

Chỉ 1 tháng sau, chị T sang lại căn nhà này, kiếm được 300 triệu đồng và tậu ngay chiếc xe ô tô đời cũ. Thấy kiếm tiền quá dễ, chị T mượn sổ đỏ của bố mẹ hai bên và gia đình anh ruột vay ngân hàng lướt sóng theo đất.

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, chị T đã kiếm được 1 tỷ đồng, quả là số tiền mơ ước với một người làm công ăn lương nhà nước. Thế nhưng, đến lần lướt sóng thứ 4, chị bị một cú lừa đau đớn.

'Còng lưng' trả nợ vì lướt sóng theo đất bằng tiền ngân hàng

Nhiều người đang "còng lưng" trả nợ vì vay tiền ngân hàng lướt sóng theo đất.

Đồng nghiệp mua lại 2 lô đất của chị T với giá 7 tỷ đồng, đặt cọc 1 tỷ đồng với giao kèo khi nào sổ đỏ sang tên sẽ lấy sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng chồng đủ tiền cho chị T.
"Đùng một cái, nó bị vỡ nợ, nhà cửa, xe cộ đều thế chấp ngân hàng. Gần 1 năm mình chưa lấy được xu nào lại phải còng lưng trả nợ khoản lãi 40 triệu đồng cho số tiền vay 5 tỷ đồng. Nếu mình dừng lại ở thời điểm lãi 1 tỷ đồng thì đâu đến nỗi" - chị T tiếc nuối.

Chân ướt chân ráo bước vào nghề buôn bán bất động sản, anh L ở phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi cũng có bài học nhớ đời. Anh đang gánh khoản nợ 3 tỷ đồng, mỗi tháng trả lãi ngân hàng hơn 22 triệu đồng.

Anh L kể, đầu năm 2019, anh vay tiền ngân hàng mua 1 lô đất ở khu dân cư Thạch Bích với giá 1,1 tỷ đồng và bán được 1,4 tỷ đồng. Sau đó anh tiếp tục bỏ ra hơn 3,5 tỷ đồng mua 2 lô ở vị trí đẹp hơn.

Có nhiều người trả 4 tỷ đồng để mua 2 lô đất này nhưng anh chần chừ đợi giá lên cao hơn. Ai ngờ, từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của các đợt dịch Covid-19, bất động sản "đóng băng" anh chủ động giảm bán bằng giá mua, chịu lỗ tiền lãi vay ngân hàng mà vẫn chưa bán được.

"Đúng là không có cái dại nào bằng cái dại nào. Gần 1 năm, hai vợ chồng chạy đôn chạy đáo xoay xở trả tiền lãi ngân hàng. Nhiều tháng xoay không được, mình tắt điện thoại, trốn chui trốn lủi, nhân viên ngân hàng đến tận nhà tìm"- anh L mệt mỏi nói.

Rất nhiều người đang còng lưng trả nợ ngân hàng khi chạy theo vòng xoáy sốt đất. Những câu chuyện trên chỉ là số ít trong vô vàn những chuyện dở khóc dở cười, bài học cho những người không có nguồn tiền nhàn rỗi, lướt sóng theo đất bằng tiền vay ngân hàng.

Giá đất quay đầu

Sau cơn sốt đất, thị trường bất động sản hiện nay khá im ắng. Tại khu dân cư mới như Thạch Bích, Ngọc Bảo Viên, Đồng Phú…nhiều lô đất được cắm biển bán đất hiếm lắm mới có khách hàng đến xem.

'Còng lưng' trả nợ vì lướt sóng theo đất bằng tiền ngân hàng

Giá đất đang giảm so với cùng kỳ năm 2019 từ 200-500 triệu đồng.

Tại khu dân cư Thạch Bích, xã Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) có 70 lô đất đang được khách hàng gửi cho công ty môi giới bất động sản cắm chốt tại đây rao bán lại thu hồi vốn lại với giá thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 200-300 triệu đồng.

Tại khu dân cư Ngọc Bảo Viên, nhiều lô đất cũng rao bán với giá giảm từ 200-500 triệu đồng. Giá đất nền hầu hết giảm từ 200 đến 500 triệu đồng/lô so với cùng kỳ năm 2019, nhưng rất ít khách mua.

Tấn, nhân viên một công ty bất động sản cho biết, năm ngoái, thị trường bất động sản sôi động, 1 lô đất chỉ cần rao bán trên mạng, 5 phút sau đã có vài chục người hỏi mua.

Mỗi ngày, công ty chốt sổ vài chục lô đất. Mọi người mua đi bán lại, đất bán đắt như "tôm tươi" thì từ đầu năm đến nay, đất rao bán không có người mua, chỉ khách hàng thật sự cho nhu cầu nhà ở mới mua đất.

"Giá đất nền hiện nay quá trầm lắng. Nhiều khách vay tiền ngân hàng mua đất, mỗi tháng lại hạ giá thêm vài chục triệu mong sớm thu hồi vốn vẫn không bán được"- Tấn cho hay.

Cần có sự quản lý chặt chẽ

Những năm qua, có đến khoảng 2.000 ha đất dành cho bất động sản, số lô nhà đất trên 60.000 lô. Số lượng đất được bán ra rất lớn dẫn đến tình trạng cung vượt cầu nhưng lại thiếu sản phẩm cho người thu nhập thấp.

'Còng lưng' trả nợ vì lướt sóng theo đất bằng tiền ngân hàng

Phân lô bán nền rầm rộ khiến thị trường bất động sản cung vượt cầu.

Do công tác quản lý nhà nước thiếu chặt chẽ, việc bán các sản phẩm nhà đất đối với đất dự án chủ yếu thông qua các kênh phân phối của nhiều công ty và các sàn giao dịch, các nhóm môi giới không chính thức khác. Giá đất bị thổi lên cao so với giá chính thức.

Tình trạng đầu cơ, thổi giá khiến thị trường nhà đất quay cuồng trong cơn "sốt" bất thường. Đặc biệt như khu dân cư Ngọc Bảo Viên, giá đất có thời điểm bị đẩy giá lên gấp 4-5 lần so với giá ban đầu chủ đầu tư bán ra.

Dù đã có nhiều bài học nhãn tiền, nhưng không ít người vì thiếu hiểu biết và ham làm giàu nhanh chóng đã bị "sập bẫy", tan gia bại sản vì lướt theo giá đất.

Trước thực trạng trên, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh vừa phối hợp với Sở Xây dựng, Sở TN&MT tổ chức Hội thảo "Thực trạng và định hướng phát triển thị trường bất động sản nhà, đất tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian đến", với nhiều giải pháp vực dậy thị trường bất động sản đang rơi vào bế tắc.

Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Luyện, để thị trường bất động sản phát triển cùng với sự phát triển nền kinh tế xã hội của tỉnh, việc nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước đối với thị trường bất động sản là vấn đề hết sức quan trọng.

Trong đó ngoài việc tỉnh cần tập trung chỉ đạo từ khâu chủ trương đầu tư, quy hoạch, kế hoạch, kiểm tra, giám sát cần kiến nghị Trung ương hoàn chỉnh thể chế về kinh doanh bất động sản, tạo hành lang pháp lý để phát triển thị trường đúng hướng, khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên.

  • Nhà đầu tư tay ngang lao đao vì “lướt sóng”

    Nhà đầu tư tay ngang lao đao vì “lướt sóng”

    CafeLand - Lướt sóng bất động sản đã giúp nhiều nhà đầu tư kiếm được nhiều tiền, nhưng cũng đã khiến cho không ít người phải lao đao vì không bán được hàng khi thị trường bất động sản khó khăn.

Theo Báo Quảng Ngãi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.