CafeLand – Mất tiền tỷ nhưng không có nhà để ở, có nhà nhưng ở cũng không yên… đó là những cảm xúc đắng nghét của rất nhiều người mua nhà đã và đang phải trải qua.

Khách hàng Gia Phú trong một lần tập trung để đòi nhà

Mất tiền nhưng không có nhà

Giữa trưa nắng gắt của Sài Gòn, hàng chục con người vẫn đứng ngồi trước cổng của Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM. Họ là những khách hàng mua nhà tại dự án chung cư Gia Phú (phường Linh Trung, quận Thủ Đức), hôm nay họ đến đây để tìm kiếm hi vọng đòi lại căn nhà mà đã phải bỏ cả tỷ đồng để mua. Được biết, hành trình đòi nhà của những khách hàng này bắt đầu từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Chị Minh Toàn, khách hàng mua căn hộ B4 – 9 tại dự án Gia Phú cho biết, chị mua căn hộ này với giá trên 1 tỷ và đã thanh toán cho chủ đầu tư 800 triệu. Theo cam kết chị sẽ được giao nhà vào quý I/2013, thế nhưng tới hẹn không được giao nhà. Sau khi tìm hiểu, chị Toàn tá hỏa khi được biết căn hộ của mình cùng với 4 căn nữa được chủ đầu tư bán cho một người khác. Người này cũng đã bỏ ra số tiền trên 5 tỷ để mua 5 căn hộ trên mà không hề hay biết.

Cơn ác mộng đòi nhà cũng kéo dài nhiều năm với hàng trăm khách hàng tại dự án 584 Lilama SHB Building (quận Tân Phú). Được biết, dự án này do Công ty 584 và Công ty CP Đầu tư xây dựng Lilama SHB hợp tác với đầu tư. Dự án này được khởi công từ năm 2009, trên diện tích khuôn viên rộng 5.238,27m2, gồm 2 khối cao ốc 20 tầng và dự kiến sẽ bàn giao nhà vào năm 2011. Tuy nhiên, khi dự án đang thi công dang dở thì bất ngờ đứng yên đến hiện nay khiến hàng trăm khách hàng lao đao.

Anh Bằng một khách hàng dự án này cho biết, anh ký hợp đồng mua nhà năm 2009, lúc đó vợ chồng anh sắp cưới và dự định mua nhà để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay con anh đã học lớp 1 nhưng nhà vẫn chưa có, gia đình anh buộc phải chuyển về Đà Lạt sinh sống.

“Nhiều lúc con nó hỏi nhà ở đâu thì mình cũng không biết trả lời ra sao”, anh Bằng chua chát.

Ngoài hai điển hình trên, những câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại các dự án khác như PetrolandMark (quận 2); Cao ốc Xanh (quận 9), 584 Tân Kiên (Bình Chánh)….

Có nhà ở cũng không yên

Cư dân Ruby Land bị treo sổ hồng suốt nhiều năm do chủ đầu tư mang thế chấp ngân hàng

May mắn vì không phải “đội đơn” đi đòi nhà, nhưng không ít người lại đang khóc mếu mặc dù đang được sống trong nhà mình mơ ước. Những cuộc tranh chấp liên miên với chủ đầu tư về phí bảo trì, chất lượng căn hộ, đặc biệt là bị “treo” giấy chứng nhận nhà nhiều năm… khiến nhiều người vỡ mộng.

Tại dự án chung cư Ruby Land (quận Tân Phú) hàng trăm hộ dân vẫn đang sống trong tình trạng lo âu, thấp thỏm. Các cư dân cho biết, họ đã dọn vào đây sinh sống từ năm 2009 thế nhưng đến nay chủ đầu tư là Công ty Tân Hoàng Thắng vẫn chưa chịu bàn giao giấy chủ quyền nhà. Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa ban quản trị chung cư và chủ đầu tư kéo dài cũng khiến cho người dân mệt mỏi.

Ông Phạm Minh Mẫn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết trường hợp về dự án Rubyland, chủ đầu tư đã bán căn hộ từ năm 2003, 2004 đến nay người dân trả gần hết tiền (90-95%), đưa vào sử dụng năm 2009 nhưng sau đó chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ đã bán tại ngân hàng nên nhiều hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận. UBND Thành phố đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết.

Tại chung cư cao cấp Thảo Điền Pearl (quận 2), hàng trăm cư dân cũng bức xúc phản ánh về tình trạng mua nhà đã 4 năm nhưng chưa được chủ đầu tư là Công ty cổ phần địa ốc và xây dựng SSG2 (thuộc SSG Group) bàn giao sổ hồng. Đặc biệt, theo phản ánh của cư dân hầu hết họ đã đóng 100% giá trị căn hộ.

Chị P, một cư dân tại đây cho biết, chị đã nhận nhà vào ở từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa có sổ hồng. Do chưa có sổ hồng nên nhiều cư dân vẫn bất an, cảm giác sống trong nhà mình nhưng giống như người đi ở thuê vì không có giấy tờ chứng minh mình là chủ sở hữu căn hộ.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp cần sang nhượng hoặc cần tiền để làm ăn kinh doanh muốn thế chấp căn hộ cũng không được.

“Đã nhiều lần chúng tôi hỏi chủ đầu tư về chuyện này nhưng họ cứ khất hết lần này sang lần khác, với đủ thứ lý do”, một cư dân bức xúc.

Nhiều cư dân cũng cho biết thêm, trong một số lần trả lời cư dân phía chủ đầu tư cho rằng việc chậm trễ cấp sổ hồng cho cư dân là do phải chờ phía các cơ quan chức năng phê duyệt theo đúng quy trình pháp luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trong quá trình xây dựng chủ đầu tư đã nhiều lần điều chỉnh thiết kế một số khu vực để phù hợp với công năng của tòa nhà. Mỗi lần như vậy đều phải xin giấy phép từ cơ quan chức năng nên đã khiến cho thời gian cấp sổ hồng đình trệ kéo dài.

Bùng nổ tranh chấp chung cư

Cuộc chiến tại các chung cư là câu chuyện không mới nhưng là vấn đề nhức nhối vì nó có thể bùng phát bất cứ thời điểm nào. Từ Bắc đến Nam, đặc biệt là hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM các cuộc tranh chấp vẫn liên tiếp diễn ra và có diễn biến ngày càng phức tạp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, tranh chấp chung cư chính là một trong những điểm tối của thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2017.

Ông Châu cho biết, thình tranh chấp trong chung cư tiếp tục gia tăng, chủ yếu là tranh chấp do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu Ban quản trị, chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư, tranh chấp phần sở hữu chung trong chung cư (nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê...), tranh chấp về quản lý sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư do các hộ dân nộp hàng tháng, về chất lượng xây dựng chung cư, chất lượng thiết bị, công trình phòng cháy chữa cháy.

Đặc biệt, gay gắt là nhiều trường hợp chủ đầu tư không làm "sổ đỏ" cho người mua nhà qua nhiều năm, trong đó có nhiều trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp, hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã đưa dân vào ở không đảm bảo an toàn.

Mới đây, trong chương trình “Lắng nghe, chia sẻ” do HĐND TP.HCM tổ chức, vấn đề các chủ đầu tư chây ì cấp sổ đỏ cho người dân tiếp tục được quan tâm. Theo đó, trên địa bàn thành phố hiện có rất nhiều dự án bị chủ đầu tư giam giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến quyền lợi của người mua bị ảnh hưởng.

Ví dụ, trên địa bàn quận Thủ Đức hiện đang có 105 dự án nhà ở. Trong đó, có 49 dự án đã hoàn thành và trong số này, có 26 dự án đã hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận, còn 15 dự án nhà ở và 8 dự án căn hộ chung cư đang triển khai cấp giấy chứng nhận một phần hoặc chưa triển khai cấp giấy chứng nhận gây bức xúc cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng khẳng định quan điểm nhất quán của lãnh đạo Thành phố là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận có khó khăn, vướng mắc. Giải pháp của UBND Thành phố là giao các cơ quan liên quan, các quận - huyện tập trung rà soát tất cả các dự án để phân loại nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục.

  • 4 năm trầy trật đòi nhà

    4 năm trầy trật đòi nhà

    CafeLand – Sáng ngày 29/6, hàng chục khách hàng mua nhà tại dự án chung cư Gia Phú (quận Thủ Đức) lại kéo nhau đến Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM để đòi quyền lợi.

  • Người mua nhà vì đâu mà mãi khổ?

    Người mua nhà vì đâu mà mãi khổ?

    CafeLand – Hàng loạt dự án đắp chiếu, chậm tiến độ không chỉ làm tan giấc mơ về một nơi an cư của hàng trăm khách hàng mà còn kéo họ vào một cuộc chiến kéo dài dai dẳng.

  • Khách hàng dự án 584 Lalima SHB Building lại “cầu cứu” Bí thư Thăng

    Khách hàng dự án 584 Lalima SHB Building lại “cầu cứu” Bí thư Thăng

    CafeLand –Sau rất nhiều năm trời đấu tranh đòi nhà nhưng dự án 584 Lalima SHB Building vẫn chỉ là khối bê tông xám xịt. Việc chủ đầu tư đùn đẩy trách nhiệm, không trả lại tiền khiến hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án này tiếp tục gửi thư cầu cứu Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.

  • Đầu năm, người Sài Gòn “rồng rắn” kéo nhau đi ... đòi nhà

    Đầu năm, người Sài Gòn “rồng rắn” kéo nhau đi ... đòi nhà

    Cho rằng các đơn vị chủ đầu tư giao nhà không đúng tiến độ như cam kết trong hợp đồng hay buôn bán không trung thực... sau Tết Nguyên đán 2017, không ít trường hợp người dân tụ tập nhau, căn băng rôn... để đòi quyền lợi liên quan đến "chốn an cư" của mình.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.