11/05/2011 2:02 AM
Bên cạnh những doanh nghiệp bất động sản đuối vốn, lao đao vì động thái siết tín dụng từ phía ngân hàng lại có một số doanh nghiệp trường vốn có cơ hội chiếm lĩnh thị phần.
Cụ thể một số mã cổ phiếu vẫn giữ được giá khả ổn định, thậm chí tăng giá trong bối cảnh thị trường suy thoái vừa qua. Chẳng hạn, cổ phiếu VIC (Công ty Vincom) tăng giá từ khoảng 90.000 đồng lên khoảng 130.000 đồng/cổ phiếu trong 3 tháng qua; cổ phiếu CSC (Công ty Xây dựng Thành Nam) tăng giá từ mốc 15.000 - 16.000 đồng lên trên 20.000 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5/2011; cổ phiếu VCG (Vinaconex) giữ được mặt bằng giá ổn định (trên 20.000 đồng trong 3 tháng qua).

Trong khi đó, rất nhiều cổ phiếu bất động sản khác đã giảm giá khá nhanh, một số mã có thị giá chỉ còn khoảng 1/2 so với thời kỳ đầu năm 2011.

Những doanh nghiệp trường vốn sẽ có cơ hội mở rộng thị phần. Ảnh: Đức Thanh

Trước động thái siết chặt tín dụng năm 2011, mà cụ thể là việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng cũng phải thực hiện giảm tốc độ lẫn tỷ trọng cho vay với lĩnh vực phi sản xuất như kinh doanh chứng khoán, bất động sản, vay tiêu dùng.

Điều này đã khiến vốn rót vào lĩnh vực bất động sản gần như ngưng hoàn toàn, ảnh hưởng rõ rệt tới giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Hầu hết các cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản đều giảm giá do nhà đầu tư lo ngại doanh nghiệp gặp khó khăn từ chính sách này.

Không chỉ khó tiếp cận vốn mới, với những khoản đã vay, doanh nghiệp cũng phải gồng lưng gánh lãi suất cao ngất ngưởng. Sức ép lãi suất, áp lực từ khó vay vốn cộng với việc thị trường giao dịch chững lại đã khiến nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá bất động sản từ 15% đến 25% để tháo vốn trả nợ vay ngân hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cũng không nên đánh đồng tất cả các doanh nghiệp bởi động thái siết tín dụng có thể gây khó khăn chung, nhưng chủ yếu tác động mạnh đối với các doanh nghiệp ngắn vốn. Còn với những doanh nghiệp trường vốn sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể, thậm chí đây còn là cơ hội để mở rộng thị phần.

Ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc công ty Phát triển nhà Thủ Đức cho hay, tình hình khó khăn như hiện nay sẽ khiến một bộ phận doanh nghiệp bất động sản không trụ nổi. Đây chính là sự thanh lọc và là cơ hội của doanh nghiệp có năng lực.

Theo các chuyên gia, động thái thắt chặt tín dụng phi sản xuất hiện nay sẽ khiến cho thị trường bất động sản trầm lắng một thời gian. Tuy nhiên, về lâu dài, việc một số dự án bất động sản bị đình trệ sẽ kéo theo hệ quả là nguồn cung ra thị trường cũng bị hạn chế theo, tạo ra nguy cơ cho một chu kỳ nóng của thị trường bất động sản trong trung hạn.

Cũng có một số nhà chuyên môn cho rằng, cần xem xét lại việc đưa “kinh doanh bất động sản” là lĩnh vực phi sản xuất. Bởi nếu mua đất để đầu tư hoặc ở thì mới là phi sản xuất, còn các doanh nghiệp đầu tư các dự án bất động sản để phát triển quỹ đất, quỹ nhà ở thì thực chất vẫn có thể coi là lĩnh vực sản xuất.

Cafeland.vn - Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.