Phát biểu tại Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững sáng 17/2, Tổng Giám đốc GP.INVEST Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng việc thiếu hụt sản phẩm nhà ở mức giá hợp lý sẽ có chuyển biến tích cực nếu việc chuyển đổi đất tại các dự án được giải quyết sớm.

Là doanh nghiệp tiếp theo nêu lên tiếng nói tại hội nghị với Thủ tướng, Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty GP.INVEST lấy ví dụ trực tiếp về việc triển khai dự án Palm Manor ở Việt Trì – Phú Thọ nêu lên các khó khăn trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, từ đó làm cơ sở để nêu lên các phương án giải quyết.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty GP.INVEST (ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Giải bài toán cung - cầu nhà ở vừa túi tiền

Một trong những ý quan trọng được ông Hiệp nhắc đến trong bài phát biểu là sự mất cân bằng cung – cầu, thiếu hụt sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại ở mức giá hợp lý trên thị trường ở thời điểm hiện nay.

“Chúng tôi cho rằng nếu giải quyết được việc cho chuyển đổi các dự án có "đất khác" sang đất ở thì bài toán cung – cầu sẽ được sớm giải quyết, ngoài ra cần tập trung đẩy mạnh việc cải tạo chung cư cũ và có kế hoạch cụ thể cho chương trình phát triển nhà ở xã hội", ông Hiệp nêu ý kiến.

Cùng với đó, Chủ tịch GP.INVEST cũng chia sẻ một số kiến nghị về các phương án hỗ trợ của Cơ quan chức năng giúp các doanh nghiệp bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bài toán về dòng vốn doanh nghiệp

Đối với tín dụng ngân hàng, Chủ tịch GP.INVEST ví von tín dụng vẫn là "nguồn sữa" chính cho các doanh nghiệp bất động sản. Từ thực tiễn phải đối diện với các khó khăn “đột ngột” trong thời gian qua, ông Hiệp đề nghị cơ quan quản lý khi đưa ra chính sách mới cần có "dự lệnh" trước khi ra "động lệnh".

Về phương án cụ thể, doanh nghiệp đề nghị NHNN chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% đối với tất cả các chủ đầu tư.

Cùng với việc nới lỏng chính sách phê duyệt tín dụng, ông Hiệp cũng kiến nghị NHNN có biện pháp chỉ đạo để hạ lãi suất sớm nhất.

“Hiện chỉ số CPI cũng như giá trị đồng Việt Nam so với ngoại tệ đều ổn định vì vậy mong NHNN sớm có biện pháp chỉ đạo đồng loạt hạ lãi suất nhiều hơn nữa”, ông Hiệp cho hay.

Hiện doanh nghiệp đang gặp khó khi huy động vốn từ tín dụng cũng như khách hàng (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Trái phiếu doanh nghiệp có thể coi là công cụ các doanh nghiệp có thể huy động vốn nhàn rỗi từ thị trường, giảm bớt lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Ông Hiệp nêu lên thực tế một số doanh nghiệp đã "quá đà" trong việc phát hành trái phiếu để "ôm dự án" nên đã gây ra biến động phức tạp cho thị trường tài chính và ảnh hưởng lớn đến niềm tin của thị trường bất động sản.

Năm 2023 sẽ có một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng. Đây là một vấn đề lớn của toàn xã hội. Vì vậy để giải quyết tháo gỡ trước hết, cần thiết phải cho gia hạn các trái phiếu này để tháo bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các công ty phát hành và sau đó có biện pháp cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản của công ty phát hành.

Đối với một số trường hợp cụ thể các dự án của các doanh nghiệp này nếu khả thi về pháp lý nên cho Công ty mua bán nợ DATC hoặc VAMC tiếp cận đánh giá tài sản, dự án đang sử dụng trái phiếu, để có thể xử lý triệt để giúp làm hạ nhiệt thị trường.

“Cần có cơ quan đứng ra đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp đang phải chuẩn bị thanh toán trái phiếu mà không cân đối được dòng tiền”, ông Hiệp nêu ý kiến.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.