Đó là chia sẻ của TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế trong Hội thảo: Bất động sản phía Nam đón đầu cơ hội phát triển hạ tầng được tổ chức vào sáng ngày 20/9 tại TP.HCM.

Cũng là một người kinh doanh trong ngành bất động sản, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng các công ty bất động sản là ngành đầu tư tài chính chứ không phải là ngành xây dựng, nên việc nắm chắc kiến thức, nghiên cứu kinh tế vĩ mô và xem đó là một tài liệu quan trọng để hiểu rõ về thị trường. Hơn nữa phải biết quản lý rủi ro, sắp xếp vốn để tự giải cứu chính mình.

“Chúng ta là một công ty trong ngành tài chính, đừng nghĩ phải mang sứ mệnh mở mang thị trường, cứ vay vốn phát triển rồi đến khi tắc lại kêu gọi Chính phủ cấp vốn. Tại sao không nghiên cứu thị trường vĩ mô để tự lường trước được những rủi ro như thị trường tăng thì ngừng đổi giá, thống kê có bao nhiêu người mua, dòng tiền có đủ để phát triển dự án hay không…” – TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ.

TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ trong buổi Hội thảo.

Quan điểm này cũng từng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ trong Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tổ chức hồi đầu tháng 2.

Theo Thống đốc NHNN: “Kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn trong khi bất động sản chỉ là một phần của nền kinh tế. Để cứu thị trường, các doanh nghiệp phải cứu lấy mình. Doanh nghiệp cần cơ cấu lại, rà soát lại các dự án, các khoản nợ. Theo đó với những chủ đầu tư có cùng lúc gần 50 dự án nên chăng họ cần phải bán bớt dự án cho các nhà đầu tư có tiềm lực khác. Còn các dự án đã có pháp lý đủ điều kiện bán hàng, chủ đầu tư phải hạ giá”.

Tiếp đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra 8 vấn đề chính của thị trường bất động sản hiện nay. Trong đó có cơ cấu sản phẩm còn lệch pha, phân khúc cao cấp nhiều, dư dả, có khi đang ế, nhưng ngược lại phân khúc cho người nghèo, người thu nhập thấp, bình dân lại thiếu hụt. Ngoài ra, giá cả chưa hợp lý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình, phải dự báo được những rủi ro, phải làm sao để các ngân hàng thương mại giảm được lãi suất cho vay…

Hàng trăm dự án được gỡ vướng

Một góc dự án Aqua City - Ảnh: Novaland.

Tuy vậy không thể phủ nhận trong thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành đã thể hiện quyết tâm trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Chưa bao giờ các chính sách về pháp lý và dự án bất động sản được ban hành quyết liệt và liên tục như hiện nay với sự vào cuộc của toàn bộ cơ quan quản lý các cấp, cả hệ thống ngân hàng.

Những giải pháp từ cơ chế chính sách của Chính phủ đã có những kết quả tích cực trong việc giải quyết vướng mắc cho các dự án bất động sản. Chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP.HCM, gần 500 dự án đã được chỉ đạo và dần tháo gỡ khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tại TP.HCM, đến nay tổ công tác đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu). Trong đó, có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của tổ công tác, 39 dự án qua rà soát của địa phương.

Tại Hà Nội, tổ công tác đã chỉ đạo, giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu) và đang tiếp tục giải quyết cho 293 dự án.

Tại Đồng Nai, tổ công tác đã làm việc trực tiếp đối với 7 dự án bất động sản lớn trong đó có các dự án của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh... Qua đó đã giải đáp, hướng dẫn UBND tỉnh và các sở địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.