Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP vào tháng 3/2023 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt một số quan điểm chỉ đạo. Theo đó, cần tiếp tục kiên trì, kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về việc triển khai Nghị quyết số 33, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo của các bộ, ngành về kết quả triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản; các tham luận với những giải pháp rất cụ thể từ các hiệp hội, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, bất động sản đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ vướng mắc pháp lý, tăng nguồn cung bất động sản, giải pháp tài chính, ngân hàng, giải pháp quản lý, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh, thông điệp của hội nghị là chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Việc triển khai Nghị quyết 33 đã có hiệu quả nhất định, giúp tình hình tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước và hy vọng năm 2023 sẽ tốt hơn năm 2022.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề vướng mắc kéo dài nhiều năm, không thể giải quyết bằng một cuộc họp, một văn bản hay một năm, một quý. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn vướng mắc liên quan tới pháp lý, việc phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các thủ tục hành chính, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền… Một số cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy, chậm xử lý, không dám đề xuất, không dám quyết định. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, cần linh hoạt, chủ động, sáng tạo hơn, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành cần đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt một số quan điểm chỉ đạo. Theo đó, cần tiếp tục kiên trì, kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ nhất, tiếp tục rà soát khung khổ pháp lý xem vướng mắc ở đâu, tại văn bản nào, nội dung gì, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu; trong đó, cần thúc đẩy nhanh sự ra đời của các sàn giao dịch bất động sản để phát huy khả năng tự điều chỉnh của thị trường, hạn chế việc can thiệp hành chính. Các bộ, ngành địa phương tập trung, khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch với các ngành, vùng, địa phương, phân khu.

Thứ hai, để tăng tổng cung và tổng cầu, cần quyết liệt triển khai chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn nhưng có kiểm soát (giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng, đẩy mạnh cung tiền M2; đẩy mạnh tiến hành khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ…; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát (với các biện pháp giảm, giãn hoãn thuế, phí, lệ phí…, trong đó giảm thuế VAT phải nhanh với tinh thần "cái gì được thì cho đi trước", không thể chờ cả gói mới thực hiện miễn là đúng luật pháp; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển); chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp các chính sách.

Các chính sách này sẽ giúp cung cấp ô xy, dinh dưỡng cho doanh nghiệp, Thủ tướng so sánh.

Thứ ba, tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế, thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần và nhân dân cho người dân.

Thủ tướng một lần nữa lưu ý các địa phương, các khu đất đẹp, thuận lợi về giao thông cần ưu tiên dành cho sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, từ đó mới phát triển được bất động sản, đô thị… Đây là vấn đề có tính quy luật, được thực tiễn chứng minh.

Thứ tư, cơ cấu lại các phân khúc bất động sản cho phù hợp, lưu ý quan tâm phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập trung bình. Cơ cấu bất động sản không hợp lý khiến nhiều người có nhu cầu thực không thể tiếp cận nhà ở.

Thứ năm, đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần chú trọng công tác này, thực hiện thực chất, hiệu quả, không hình thức.

Thứ sáu, giải pháp về tổ chức thực hiện và giải pháp con người.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động thực hiện các giải pháp nói trên theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các cơ quan động viên, khuyến khích, đề cao trách nhiệm và hình thành cơ sở, hành lang pháp lý để cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm thực hiện công việc, miễn là vô tư, trong sáng, vì lợi ích chung, vì sự phát triển; khen thưởng, kỷ luật, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

N.Đăng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.