“Gói 30.000 tỷ đồng đối với TP. HCM mà nói giống như gói quy hoạch treo, doanh nghiệp trông mong từng ngày, còn Thành phố lại bảo hãy đợi”, bà Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết tại buổi làm việc giữa HoREA với các doanh nghiệp liên quan đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản tp.HCM bức xức vì thành phố triển khai các chính sách hỗ trợ quá chậm
Theo HoREA, thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài khiến các doanh nghiệp bất động sản hầu hết đang hụt hơi. Các chính sách hỗ trợ được ban hành như Nghị quyết 02 của Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành, xét ở khía cạnh nào đó giống như phao cứu sinh, giúp doanh nghiệp thoát khỏi vũng lầy. Tuy nhiên, dù các chính sách đã được ban hành từ lâu, nhưng đến nay, TP. HCM mới chỉ cho phép 6 dự án được chuyển từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội và từ nhà ở diện tích lớn sang diện tích nhỏ. Đây là con số quá khiêm tốn so với nhu cầu xin điều chỉnh, chuyển đổi của các dự án trên địa bàn Thành phố.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) cho biết, QCG có Dự án 6B tại Khu đô thị mới Nam Sài Gòn xin được chẻ nhỏ căn hộ, nhưng đã hơn 3 tháng qua, hồ sơ của QCG cứ chuyển lòng vòng từ Thành phố xuống Sở Xây dựng, rồi từ Sở chuyển về địa phương, đến nay vẫn chưa được xem xét. Theo bà Loan, Chung cư 6B có thiết kế 30 tầng với 300 căn hộ có diện tích từ 120 - 140 m2, hiện QCG đã xây dựng đến tầng 27, nhưng vì thiếu vốn nên phải ngưng lại. Vì vậy, QCG xin chuyển đổi toàn bộ 300 căn hộ trong dự án này từ diện tích 120 m2 thành 60 m2; loại căn hộ 140 m2 thành 70 m2, điều chỉnh 300 căn hộ lớn thành 492 căn hộ nhỏ.
“Chúng tôi đã thực hiện đúng như quy định, chưa biết mình bị sai chỗ nào, nhưng không hiểu vì sao đến nay hồ sơ xin chuyển đổi của QCG vẫn không được Thành phố xem xét”, bà Loan bức xúc, đồng thời cho biết, trước đây, giá bán căn hộ 6B là 20 triệu đồng/m2, nhưng sau khi điều chỉnh, QCG chỉ bán với giá chỉ 12 triệu đồng/m2, tính ra, QCG lỗ khoảng 200 tỷ đồng. Đây là giải pháp tình thế, QCG buộc phải “cắt lỗ” để trả nợ ngân hàng. Nếu càng kéo dài, doanh nghiệp càng lún sâu, vì hiện nay, chỉ tính riêng dự án này, mỗi ngày QCG phải trả tiền lãi vay đến 200 triệu đồng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Đất Lành, từ lâu Đất lành cũng đã có hồ sơ xin điều chỉnh cơ cấu diện tích căn hộ từ diện tích lớn sang diện tích nhỏ, nhưng đến nay vẫn chưa được Thành phố xem xét với lý do, Thành phố không xem xét giải quyết riêng lẻ từng trường hợp, mà giao cho Sở Xây dựng phối hợp với các quận, huyện nghiên cứu tiêu chí, điều kiện để giải quyết chung.
“TP. HCM là Thành phố lớn nhất cả nước, doanh nghiệp gặp khó khăn cũng nhiều, nhưng dường như việc tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng quá khó khăn. Hồ sơ cứ chuyển đi lòng vòng không biết đến khi nào mới được xét duyệt”, ông Đực nói.
Theo các doanh nghiệp, việc xét duyệt hồ sơ xin chuyển đổi chậm của Thành phố đã đặt doanh nghiệp vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Doanh nghiệp cứ dài cổ chờ đợi, nhưng không biết có được xét duyệt không. Việc chờ đợi quá lâu khiến doanh nghiệp đánh mất cơ hội, dù có được chuyển đổi đi nữa.
Trong khi đó, theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM, việc xin chẻ nhỏ căn hộ cần phải thận trọng, không phải dự án nào xin cũng được, bởi nếu làm không khéo sẽ gây áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của Thành phố. Quan điểm của Thành phố là sẽ không cho chẻ nhỏ căn hộ ở khu vực trung tâm, mà chỉ xem xét đối với các dự án ở các quận, huyện vùng ven.
Trước những khúc mắc giữa doanh nghiệp và UBND TP. HCM mà chưa tìm được cách cởi bỏ, bà Đỗ Thị Loan đề nghị, cần có một cuộc đối thoại trực tiếp giữa đại diện các các lãnh đạo bộ, ngành, lãnh đạo UBND TP. HCM và doanh nghiệp thì mới mong có cách tháo gỡ.
-
Phát Đạt dự chi tối đa 650 tỷ đồng mua khu đất vàng của một cá nhân tại TPHCM
Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR, sàn HoSE) vừa thông qua nghị quyết về việc mua tài sản là bất động sản tại số 61 Cao Thắng, phường 3, quận 3, TP.HCM.
-
Những dự án hạ tầng giao thông quan trọng nào tại TP.HCM về đích năm 2024?
Trong năm 2024, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại TP.HCM hoàn thành đưa vào khai thác. Ân tượng nhất trong số này là tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM phải mất 17 năm để hoàn thành kể từ ngày được phê...
-
Tin vui cho người dân tại TP.HCM
Trước thềm Tết Nguyên đán 2025, 4 cây cầu huyết mạch gồm Phước Long, Tăng Long, Tân Kỳ - Tân Quý, và Bà Hom đang trong giai đoạn nước rút để kịp thông xe, sẽ giúp giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ thành phố. Đây là tin vui lớn cho...